Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank tăng trưởng ổn định
Tín dụng xanh là thành tố quan trọng, nhưng vẫn chỉ là vấn đề nhỏ trong yếu tố môi trường. Tại Agribank, nhiều nội dung đang được triển khai cho tín dụng xanh. Tính đến ngày 30/6/2024, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 27.816 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Hội thảo “ESG trong ngành Ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 19/11/2024, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank cho biết, trong giao dịch bán tín chỉ carbon với giá trị gần 51,5 triệu USD tại Việt Nam thời gian qua, Agribank đóng vai trò hỗ trợ quan trọng với các khách hàng, là bên bán chính trong các giao dịch này.
Tại Agribank, trong 42.485 khách hàng còn dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh, 96% tổng số khách hàng (40.736 khách hàng) là ở lĩnh vực lâm nghiệp bền vững. Giá trị lĩnh vực lâm nghiệp bền vững đạt 6.805 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng dư nợ tín dụng xanh và đứng thứ hai về tỷ trọng. Dư nợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đứng đầu với giá trị cho vay 15.330 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh. Thứ ba, là lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ 5.540 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng xanh.
Tính đến ngày 30/6/2024, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 27.816 tỷ đồng. “Với những hoạt động đã và đang triển khai, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% năm 2023 và duy trì đến quý II/2024”, đại diện ban chỉ đạo ESG Agribank cho hay.
Tuy vậy, TS. Nguyễn Thị Thu Hà cũng nhấn mạnh, thực hành ESG tại Agribank không chỉ là tập trung ưu tiên nguồn vốn vào tín dụng xanh. Ngân hàng đã triển khai quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng thông qua ban hành Quy định 1289/QyĐ/NHNo-RRTD ngày 31/5/2023 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của Agribank, hiệu lực từ ngày 01/6/2023 (Quy định 1289), đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 17/2022/TT-NHNN về hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.
“Trong 3 trụ cột của ESG là môi trường, xã hội và quản trị, thì Quy định 1289 chính là sự thể hiện rõ nét nhất sự quan tâm của Agribank đến yếu tố “môi trường”, khẳng định rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng cũng là rủi ro tín dụng”, bà Hà cho biết.
Các tiêu chí xã hội (S) cũng được triển khai tại Agribank bao gồm tích cực triển khai tài chính toàn diện, cung ứng hoạt động ngân hàng đến vùng sâu, vùng xa; tích cực triển khai hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ cộng đồng; chú trọng nâng cao thu nhập và phúc lợi xã hội đối với người lao động; tăng cường vai trò của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo.
Đối với tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp, ngân hàng xây dựng cơ cấu quản trị ESG; công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình như đảm bảo tính công khai minh bạch và giải trình báo cáo tài chính. Cùng với đó, ngân hàng cũng thực hiện quản trị rủi ro toàn diện, ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách về nhận diện, đánh giá rủi ro, thiết lập hệ thống cảnh báo rủi ro an toàn, hiệu quả; sắp xếp bộ máy hoạt động và bố trí nhân sự bảo đảm tách bạch giữa ba tuyến phòng vệ.