Dự thảo nghị định về quản trị công ty
Nhằm nâng cao nhận thức chung về quản trị công ty (QTCT) tốt tại các công ty đại chúng (CTĐC) cũng như cập nhật các quy định mới về QTCT tại Luật Doanh nghiệp 2014 và các quy định pháp lý liên quan, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về QTCT áp dụng đối với CTĐC. Đây sẽ là văn bản pháp lý cao nhất về QTCT áp dụng cho các CTĐC từ trước tới nay. Trong số tháng 4/2017, phóng viên Tạp chí Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn về một số nội dung xoay quanh Dự thảo Nghị định này.
Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch! Xin Phó Chủ tịch cho biết Dự thảo Nghị định mới về QTCT có những điểm nổi bật gì so với các văn bản quy định về QTCT trước đó?
Ông Phạm Hồng Sơn: Luật Doanh nghiệp 2014 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 thay thế cho Luật Doanh nghiệp 2005, với nhiều điểm mới liên quan đến các nội dung quan trọng về QTCT như: quy định về hai mô hình QTCT để doanh nghiệp chọn tổ chức quản lý và hoạt động (Điều 134 Luật Doanh nghiệp), quy định về thành viên độc lập Hội đồng quản trị (HĐQT) (Khoản 2 Điều 151 Luật Doanh nghiệp), quy định về tiêu chuẩn kiểm soát viên (Điều 163, 164 Luật Doanh nghiệp)... và nhiều điểm thay đổi khác.
Với thay đổi cơ bản liên quan đến QTCT tại Luật Doanh nghiệp và để đảm bảo phù hợp với quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc xây dựng và ban hành Nghị định hướng dẫn về QTCT áp dụng đối với CTĐC là cần thiết.
Về cơ bản, Dự thảo Nghị định hướng dẫn về QTCT được xây dựng trên bộ khung Thông tư số 121/2012/TT-BTC quy định về QTCT áp dụng cho các CTĐC (Thông tư 121). Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với môi trường pháp lý tại Việt Nam, thực tiễn QTCT của các CTĐC và xu hướng hội nhập quốc tế, Dự thảo Nghị định có một số nội dung mới sau:
Thứ nhất, Dự thảo Nghị định có một số nội dung nhằm tăng cường tính độc lập và hiệu quả hoạt động của HĐQT và thành viên HĐQT, từ đó thúc đẩy QTCT tại các CTĐC theo thông lệ quốc tế về QTCT tốt. Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định chi tiết về tư cách thành viên HĐQT.
Đồng thời, tại một số điều, Luật Doanh nghiệp cũng cho phép pháp luật Chứng khoán được quy định riêng để đảm bảo phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp trên thị trường, như quy định về thành viên độc lập HĐQT, thành phần HĐQT, việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc. Trên cơ sở quy định mở của Luật Doanh nghiệp 2014, Dự thảo Nghị định hướng dẫn về QTCT đã đưa ra một số quy định phù hợp với thực tiễn QTCT và định hướng QTCT theo thông lệ quốc tế, cụ thể:
Quy định về cơ cấu thành viên HĐQT CTĐC niêm yết phải đảm bảo 1/3 tổng số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập HĐQT tại khoản 5 Điều 13 dự thảo Nghị định.
Theo đó, công ty niêm yết (CTNY) dù hoạt động theo mô hình có Ban kiểm soát (BKS) hoặc không có BKS (theo quy định tại Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014) đều phải đảm bảo 1/3 số lượng thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập. Quy định này tại dự thảo Nghị định được kế thừa từ Thông tư số 121 nhằm đảm bảo tính hoạt động độc lập của HĐQT CTNY, đáp ứng các tiêu chuẩn của CTNY theo thông lệ quốc tế.
Quy định về Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc. Quy định này là một tiến bộ về QTCT đối với CTĐC hiện nay. Thông tư số 121 quy định Chủ tịch HĐQT CTĐC không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) công ty phê chuẩn tại ĐHĐCĐ thường niên.
Việc quy định cứng như tại Dự thảo Nghị định sẽ góp phần tách biệt chức năng giám sát và chức năng điều hành, tránh hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” tại doanh nghiệp, nâng cao chất lượng QTCT của doanh nghiệp. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định đưa ra lộ trình áp dụng quy định này sau 3 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị triển khai áp dụng.
Quy định một thành viên HĐQT của CTĐC không được đồng thời làm thành viên HĐQT tại trên 05 công ty khác. Tại Thông tư số 121, quy định này chỉ áp dụng với CTNY.
Quy định như tại Dự thảo Nghị định nhằm từng bước nâng cao chất lượng QTCT, đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả của HĐQT và phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự thảo Nghị định cũng đưa ra lộ trình áp dụng quy định này là sau 2 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị triển khai áp dụng.
Thứ hai, quy định về giao dịch với người có liên quan được chi tiết hóa nhằm hạn chế các giao dịch của công ty với người có liên quan gây tổn hại cho cổ đông và công ty, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề đặc thù nhất định.
Dự thảo Nghị định quy định không cho phép CTĐC cung cấp khoản vay cho cổ đông và quy định hạn chế CTĐC thực hiện một số giao dịch với người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này.
Thực tế, tại Thông tư số 121 đã có quy định hạn chế về việc CTĐC thực hiện một số loại giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và những người có liên quan của các đối tượng này. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định đã chi tiết hóa các loại giao dịch không được phép thực hiện, giao dịch nào phải được sự chấp thuận của HĐQT hoặc ĐHĐCĐ.
Cách thức phân loại giao dịch tại Dự thảo Nghị định hướng tới việc hạn chế tối đa hình thức góp vốn khống tại CTĐC, lạm dụng các giao dịch với người có liên quan để gây tổn hại cho doanh nghiệp và công khai, minh bạch các giao dịch giữa công ty với người quản lý doanh nghiệp theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định này có hiệu lực sẽ đáp ứng được các chuẩn mực mới về QTCT quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 nhằm cải thiện tính minh bạch thông tin của CTĐC như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?
Dự thảo Nghị định hướng dẫn về QTCT có một chương quy định về báo cáo và công bố thông tin (CBTT). Nội dung chương này bao gồm một số quy định mang tính nguyên tắc về báo cáo, CBTT của CTĐC.
Các nguyên tắc này định hướng việc CBTT công khai, minh bạch không chỉ CTĐC mà bao gồm cả các tổ chức, cá nhân là người có liên quan của CTĐC. Chương về Báo cáo và CBTT cũng quy định về CBTT mô hình tổ chức, quản lý của doanh nghiệp, CBTT của Tổng giám đốc theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Đối với các giao dịch với người có liên quan, Dự thảo Nghị định cũng cụ thể hóa trách nhiệm báo cáo, CBTT của người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này khi có phát sinh các giao dịch với CTĐC theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp.
Quy định này sẽ đảm bảo cơ chế giám sát của cổ đông, nhà đầu tư và cơ quan quản lý đối với các hoạt động liên quan đến QTCT của doanh nghiệp, đảm bảo sự công khai, minh bạch của CTĐC.
Ngoài ra, để đảm bảo việc truyền tải thông tin của doanh nghiệp và việc tiếp cận thông tin của cổ đông và nhà đầu tư được công bằng, theo thông lệ quốc tế, Dự thảo Nghị định đã đưa ra quy định về Người phụ trách QTCT.
Theo quy định tại Dự thảo Nghị định, Người phụ trách QTCT có trách nhiệm hỗ trợ các hoạt động liên quan đến QTCT của doanh nghiệp và có vai trò là cầu nối giữa cổ đông và HĐQT công ty, góp phần đảm bảo sự minh bạch, công khai và công bằng đối với tất cả cổ đông.
Thưa Phó Chủ tịch, việc ban hành Nghị định hướng dẫn về QTCT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý, các thành viên thị trường cũng như các CTĐC trong việc triển khai công tác QTCT như thế nào?
Đối với cơ quan quản lý, từ năm 2007 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 02 văn bản hướng dẫn về QTCT (gần đây nhất là Thông tư số 121), đây là cơ sở pháp lý để các công ty thực hiện.
Đối với việc tạo điều kiện cho các CTĐC triển khai hoạt động QTCT, dự thảo Nghị định hướng dẫn QTCT đã hệ thống hóa các quy định về QTCT thành nội dung các chương, như chương về Cổ đông và ĐHĐCĐ; chương về HĐQT và thành viên HĐQT; chương về BKS và kiểm soát viên; chương về ngăn ngừa xung đột lợi ích; chương về Báo cáo và CBTT.
Việc hệ thống hóa các quy định thành các chương có nội dung liên quan sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham chiếu xây dựng và thực thi QTCT phù hợp với quy định hiện hành.
QTCT là một yếu tố hết sức quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Thực tế thị trường cho thấy những doanh nghiệp thực hiện tốt QTCT thì sẽ có đường hướng phát triển tốt.
Việc ban hành Nghị định QTCT là khung pháp lý quan trọng, cơ bản để các doanh nghiệp đại chúng thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa cho TTCK, giúp cho TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung phát triển một cách bền vững, đảm bảo tính công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Ngoài ra, về việc đảm bảo khả năng áp dụng trong thực tiễn, như đã nói ở trên, dự thảo Nghị định hướng dẫn về QTCT có đưa ra một số quy định mang tính tiến bộ về QTCT, hướng tới thông lệ quốc tế về QTCT tốt, cụ thể là quy định về tư cách thành viên HĐQT.
Tuy nhiên, để đảm bảo khả năng thực thi trong thực tiễn, phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp Việt Nam, các quy định này đều đưa ra lộ trình thực hiện sau khi Nghị định có hiệu lực. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có khoảng thời gian chuẩn bị để triển khai thực thi, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!