Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế: Không có cửa “luồn lách” xóa nợ thuế
Việc xóa nợ thuế sẽ được quản lý rất chặt chẽ, không có chuyện doanh nghiệp chỉ tuyên bố đóng cửa là được xóa nợ thuế.
Đây là đánh giá của ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội với DĐDN về "Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước".
PV. Việc xóa nợ thuế sẽ làm minh bạch nguồn thu ngân sách, nhưng vấn đề nhiều người quan tâm là làm thế nào để xóa nợ thuế đúng địa chỉ để đảm bảo sự công bằng, thưa ông?
Ông Trần Văn Lâm: Điều này còn phụ thuộc vào việc theo dõi quản lý của các cơ quan chức năng từ trước đến nay trong hệ thống sổ sách chốt đến thời điểm hiện tại có những đối tượng nộp thuế nào đã bị giải thể, phá sản, mất tích, không còn khả năng nộp thuế… tất cả dữ liệu này đều được phản ánh trên hệ thống theo dõi thuế của các cơ quan quản lý.
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào số liệu của các cơ quan quản lý, đề phòng những trường hợp khai báo không đúng thì luật cũng có quy định với những đối tượng đã được xóa tiền nợ thuế nếu có quay trở lại kinh doanh thì vẫn phải có trách nhiệm nộp lại cho nhà nước số tiền đã được xóa trước đây.
Ngoài ra, việc xóa nợ thuế được quản lý rất chặt chẽ, không có chuyện doanh nghiệp chỉ tuyên bố đóng cửa là được xóa nợ thuế. Doanh nghiệp đóng cửa nhưng không thể truy tìm, truy cứu được, chủ doanh nghiệp được thông báo mất tích thì mới được xóa.
Cùng với việc cho ra đời Nghị quyết này, các cơ quan chuyên môn như ngành thuế hay tài chính phải xây dựng một quy trình kiểm soát chặt chẽ để có thể thanh lọc đúng các đối tượng...
Còn bây giờ chủ doanh nghiệp đã được ghi vào “sổ đen” là đã được xóa nợ thuế, nhưng ngay sau đó lại thành lập doanh nghiệp mới thì ngay lập tức chủ doanh nghiệp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm về việc đang còn nợ đọng tiền thuế. Trong Luật Xuất nhập cảnh cũng quy định nếu chủ doanh nghiệp còn nợ thuế thì sẽ không được xuất cảnh. Do đó, quản lý hệ thống thông tin trong việc nợ thuế phải được quản lý rất chặt chẽ.
Nghị quyết này ra đời liệu có xử lý triệt để được vấn đề nợ thuế của doanh nghiệp không, thưa ông?
Nghị quyết này ra đời không phải để làm nhiệm vụ xóa nợ thuế. Vì Luật Quản lý thuế mới đã có một chương về nội dung khoanh tiền nợ thuế, xoá nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Các quy định này được áp dụng cho đối tượng nợ thuế phát sinh từ ngày 1/7/2020 trở đi, không áp dụng đối với các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2020.
Do đó, với các khoản tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp phát sinh trước khi Luật Quản lý thuế năm 2006 có hiệu lực và sau đó vẫn chưa có chế tài nào để xử lý dù Luật đã được sửa đổi. Do vậy, cần thiết phải có một Nghị quyết của Quốc hội để xử lý các khoản nợ đọng trước 1/7/2020.
Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ xử lý phần tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, chứ không xử lý phần nợ gốc. Theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019, các khoản nợ gốc nếu được xử lý xóa nợ sẽ phải đảm bảo các quy định rất ngặt nghèo với thời gian tối thiểu phải là 10 năm.
Vậy với tình trạng doanh nghiệp “chết nhưng không được chôn”, Nghị quyết này sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?
Nghị quyết này chỉ xử lý trên mối quan hệ doanh nghiệp với cơ quan thuế, còn việc có “chôn” được hay không còn phụ thuộc vào những mối quan hệ kinh tế khác liên quan đến luật Doanh nghiệp hay Sở KHĐT địa phương. Cho nên cũng chưa thể khẳng định được việc “chôn” hay không, nhưng chắc chắn Nghị quyết này sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc xử lý sạch số tiền doanh nghiệp nợ thuế.
Có ý kiến đề xuất cần thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế, để đảm bảo minh bạch, công khai. Theo ông việc này có cần thiết hay không?
Vấn đề này cũng đã được Quốc hội bàn rất kỹ, hiệu quả hoạt động như thế nào? Mục tiêu chính của hội đồng này chỉ để đảm bảo công khai, minh bạch, nhưng liệu những người tham gia hội đồng có nắm sâu nghiệp vụ bằng những người đang công tác chuyên ngành hay không.
Trong quy trình xét xóa giảm nợ thuế cũng đã được thiết kế để những thành phần có liên quan cùng tham gia một cách công khai, minh bạch. Như vậy, thành lập hội đồng chưa hẳn đã tốt, phát sinh thêm bộ máy quản lý, hành chính… Do đó, không nhất thiết phải thành lập ra một hội đồng, vì đôi khi chỉ mang tính hình thức.
Xin cảm ơn ông!