Dự trữ ngoại hối của Việt Nam và những tác động của sai lệch tỷ giá
Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đến nay đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về hiện tượng sai lệch tỷ giá với mục đích nhận biết được dấu hiệu của sai lệch tỷ giá, kịp thời đưa ra những điều chỉnh, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sai lệch tỷ giá gây ra nhiều bất ổn kinh tế, gia tăng khuyết tật của thị trường, thậm chí là khủng hoảng. Vì vậy, mỗi quốc gia cần xác định mức tỷ giá cân bằng dài hạn như là mỏ neo cho các hoạt động kinh tế.
Tình hình dự trữ ngoại hối của Việt Nam
Quy mô dự trữ ngoại hối là một trong những chỉ số quan trọng đối với các nền kinh tế, nhất là đối với các nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Nếu một nước có lượng dự trữ ngoại hối thấp hoặc quá mỏng sẽ gây tác động tiêu cực tới khả năng thanh toán quốc tế cũng như an ninh tài chính tiền tệ của nước đó. Ngược lại, nếu nguồn dự trữ quá lớn thì sẽ làm phát sinh chi phí cho việc nắm giữ dự trữ ngoại hối, do lợi nhuận thu được từ đầu tư dự trữ ngoại hối thường thấp hơn chi phí đi vay vốn nước ngoài.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguồn ngoại tệ chủ yếu trong lượng dự trữ của Việt Nam, tính đến tháng 10/2016 là khoảng 40 tỷ USD, phần lớn thu được từ xuất khẩu hàng hóa. Phân tích dữ liệu giai đoạn (từ quý I/1995 – quý II/2016) có thể thấy, khi Việt Nam bắt đầu đặt mối quan hệ thương mại bình thường trở lại với Mỹ (quý I/1995), dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới chỉ ở mức 961 triệu USD. Nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu tương ứng cùng quý I/1995 (là 1.234 triệu USD), thì dự trữ ngoại hối không đủ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu theo quy định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Đến quý I/2008, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã ổn định trở lại, có bước tăng trưởng đột biến, khi dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào giai đoạn 2007 - 2008 với mức tăng từ 13 tỷ USD lên hơn 26 tỷ USD. Những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như các bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước đã khiến cho thị trường ngoại hối, cũng như tỷ giá VND/USD liên tục bị biến động mạnh.
Để tiếp tục bình ổn thị trường ngoại hối cũng như tỷ giá VND/USD, bên cạnh những biện pháp chính sách tiền tệ và hành chính, từ đầu năm 2009, NHNN đã tích cực ổn định thị trường ngoại hối, sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường, khiến cho quỹ dự trữ ngoại hối giảm xuống mức đáy là 12,58 tỷ USD vào tháng 01/2011. Cùng với các chính sách và nỗ lực ổn định thị trường ngoại hối, thị trường vàng, ổn định lạm phát, từ năm 2012 dự trữ bắt đầu tăng, đạt tới mức kỷ lục khoảng 40 tỷ USD vào tháng 10/2016.
Tuy NHNN Việt Nam đã tranh thủ mua vào 10 tỷ USD trong ba năm qua, song dự trữ ngoại hối vẫn là thấp nếu so với các nước trong cùng khu vực cũng như nếu tính theo tuần/tháng nhập khẩu. Thống kê vào năm 2014 của Ngân hàng ANZ cho thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể chịu đựng tối thiểu 3,1 tháng nhập khẩu nếu tính theo kim ngạch nhập khẩu của năm 2015 (165,6 tỷ USD theo số liệu của Tổng cục Hải quan). Trong khi đó, nếu so sánh với các nước trong khu vực, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ bằng 1/2 của Indonesia, 1/3 của Singapore và 1/8 của Trung Quốc.
Bên cạnh mối quan ngại đó, tín hiệu tích cực của sự gia tăng trong quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã duy trì lòng tin về khả năng đảm bảo thanh toán nghĩa vụ nợ nước ngoài của nền kinh tế, khả năng hỗ trợ giá trị của VND, khả năng đảm bảo tài chính của quốc gia, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài…
Tác động của sai lệch tỷ giá tới dự trữ ngoại hối của Việt Nam
Hình 1 cho thấy, mấu chốt của vấn đề là nội tệ định giá thực thấp đã khuyến khích xuất khẩu, kéo theo mức tăng dự trữ ngoại hối. Dĩ nhiên là còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối nhưng có thể khẳng định rằng, ở đây có sự tương quan thuận chiều ở các giai đoạn từ quý II/2011 trở về đây. Mức tăng dự trữ ngoại hối lớn nhất vào quý I/2014 lên tới 30,36%.
Ở một số thời điểm tình hình bất ổn của kinh tế thế giới tác động đến kinh tế trong nước, tuy nội tệ định giá thực thấp nhưng NHNN cũng phải can thiệp vào thị trường ngoại hối, nên ít nhiều quy mô dự trữ ngoại hối cũng bị giảm sút, nhất là hai năm 2009 và 2010.
Đôi khi, sai lệch tỷ giá lại có ảnh hưởng không tốt tới mức tăng dự trữ do chi phí can thiệp trung hòa lớn của Ngân hàng Trung ương. Ví dụ: Giai đoạn 2006 - 2008, lượng kiều hối và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ồ ạt chảy vào Việt Nam làm nội tệ lên giá và lạm phát tăng. Như vậy, trong vai trò quản lý Ngân hàng Trung ương có thể thực thi 2 giải pháp sau: Cho phép tỷ giá giảm; Can thiệp để ngăn chặn tỷ giá giảm.
Thực tế hiện nay cũng cho thấy, NHNN Việt Nam đã lựa chọn cách thứ hai, can thiệp để ngăn ngừa tỷ giá giảm, tránh cho tỷ giá biến động nhiều, gây hậu quả là mức dự trữ ngoại hối sụt giảm, lạm phát tăng...
Với biện pháp điều hành tỷ giá linh hoạt, phát hành trái phiếu, tăng tỷ lệ dự trữ… NHNN đã góp phần ổn định mối quan hệ giữa tăng cung tiền với tăng lạm phát. Tuy nhiên, cả lý thuyết và thực nghiệm đều chỉ ra rằng, các biện pháp trên chỉ mang tính ngắn hạn. Bởi vì, với lượng trái phiếu NHNN phát hành ra nhiều hơn khả năng hấp thụ của thị trường tài chính trong nước thì buộc NHNN phải tăng lãi suất của các trái phiếu. Khi đó, lãi suất cần thiết để làm cho trái phiếu và các công cụ nợ khác hấp dẫn trở nên tốn kém đối với cả ngân sách và chính sách can thiệp của NHNN.
Ngoài ra, chi phí can thiệp trung hòa là rất lớn. Thông thường, để trung hòa nội tệ trong lưu thông, NHNN phải phát hành tín phiếu với lãi suất cao (Mức lãi suất cao nhất là 11,68% ngày 25/3/2010). Trong khi đó, hình thức đầu tư của dự trữ ngoại hối Việt Nam hiện cũng còn đơn giản, chủ yếu là dưới dạng tiền gửi tại các ngân hàng và các công cụ tài chính như trái phiếu chính phủ.
Mức chênh lệch giữa chi phí NHNN bán tài sản nợ nội tệ với lợi tức cao để mua tài sản có ngoại tệ với lợi tức thấp làm tăng thêm rủi ro lãi suất. Mức chênh lệch càng lớn sẽ đẩy chi phí can thiệp cao lên. Do đó, can thiệp mua ngoại tệ có thể làm xấu đi nhanh chóng bảng cân đối tài sản của ngân hàng Trung ương, làm xói mòn tính độc lập và niềm tin vào chính sách tiền tệ.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Quang Huy, Nguyễn Thị Thu Hằng và Vũ Phạm Hải Đăng (2011), Tỷ giá hối đoái giai đoạn 2000 - 2011: Mức độ sai lệch và tác động đối với xuất khẩu, nghiên cứu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội (Chủ trì), NXB Tri thức (2013);
2. Đinh Thị Thanh Long và cộng sự (2014), Đo lường mức độ sai lệch tỷ giá: Kinh nghiệm quốc tế và những gợi ý chính sách cho Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học, Học viện Ngân hàng;
3. Michael Funke and Jörg Rahn, (2005), “Just How Undervalued is the Chinese Renminbi? The World economy”, Vo. 28, 2005, p. 465 – 489;
4. Các website: sbv.org.vn, mof.gov.vn,customs.gov.vn, gso.org.vn, imf.org, worldbank.org…