Sự kiện tiền tệ nổi bật trong nước từ 6 -11/3/2017
Tỷ giá VND/USD trên thị trường ngoại hối tăng nhẹ; Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ; Ngân hàng hỗ tợ cho vay gói 30.000 tỷ đồng đối với ngành Y tế… là những sự kiện tiền tệ nổi bật trong nước tuần qua.
Tỷ giá VND/USD trên thị trường ngoại hối tăng nhẹ
Tính chung tuần qua, tỷ giá VND/USD trên thị trường ngoại hối đã tăng 17 đồng với 2 ngày tăng giá và 4 ngày không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 11/3), tỷ giá trung tâm là 22.263 VND/USD.
Cụ thể, tại ngân hàng Vietcombank và BIDV, tỷ giá được niêm yết ở chiều mua vào và bán ra là 22.765 - 22.835 VND/USD; Tại Vietinbank, tỷ giá mua vào – bán ra, tăng 15 đồng ở cả hai chiều là 22.780 - 22.850 VND/USD; Tại Eximbank, tỷ giá ở chiều mua vào và bán ra niêm yết ở mức 22.760 - 22.840 VND/USD, tăng 10 đồng ở cả hai chiều; Tại Techcombank, tỷ giá ở chiều mua vào và bán ra là 22.760-22.850 VND/USD, giảm 10 đồng ở cả hai chiều.
Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tuần qua, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ với biên độ dao động từ 0,21% - 0,3% đối với tất cả các loại kỳ hạn. Lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,23% về mức 3,74%/năm. Đặc biệt, thông qua hai kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng vốn từ thị trường với tổng cộng 3.955 tỷ đồng.
Theo BVSC, việc lãi suất ngân hàng đảo chiều cùng động thái hút dòng vốn của nhà điều hành cho thấy, trạng thái dư thừa thanh khoản bắt đầu quay trở lại sau hai tuần có phần căng thẳng trước đó. Tăng trưởng cung tiền M2 từ đầu năm đến ngày 20/2 đạt 1,87% trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn (1,23%). Nguyên nhân chính khiến M2 có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tín dụng là do hoạt động bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng dịp trước Tết cũng như mua vào ngoại tệ (ước tính khoảng 1,2 tỷ USD riêng trong tháng 1/2017).
Ngân hàng đầu tiên hỗ trợ cho vay gói 30.000 tỷ đồng đối với ngành Y tế
Ngày 8/3/2017, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Bộ Y tế đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong việc đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính – ngân hàng tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo thỏa thuận hợp tác, Vietcombank dành gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các cơ sở khám, chữa bệnh đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị. Tổng giá trị của gói vay này là 30.000 tỷ đồng, triển khai cho vay đến hết năm 2019. Thời hạn vay của gói tín dụng này lên tới 20 năm, áp dụng với mức lãi suất ưu đãi cho các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó ưu tiên các dự án: Đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu các máy móc/thiết bị y tế tiên tiến phục vụ khám, chữa bệnh chuyên khoa/cao cấp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Dự kiến 3 trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
Theo dự thảo Nghị định này, có 3 trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tự đấu giá.
Cụ thể là, thứ nhất là khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với tổ chức tín dụng bán nợ về giá khởi điểm; Thứ hai, khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường; Thứ ba, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với bên bảo đảm về giá khởi điểm. Việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thực hiện theo quy định về Luật Giá và quy định tại dự thảo Nghị định này…