Tiềm năng thị trường kiều hối?
Mô hình kinh doanh kiều hối không chỉ đơn thuần giúp các ngân hàng có thêm một khoản thu phí, mà còn được hưởng lợi từ hai hoạt động khác là kinh doanh ngoại hối và bán chéo sản phẩm cho người gửi, người nhận. Đây chính là lý do khiến các ngân hàng đang lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh kiều hối.
Trong nội dung làm việc tại đại hội cổ đông năm nay, một số ngân hàng thương mại cho biết sẽ xin ý kiến cổ đông thành lập công ty kiều hối, bởi dịch vụ này được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, quy định để được ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận không hề dễ dàng.
Trào lưu thành lập công ty kiều hối
Thống đốc NHNN vừa có văn bản chấp thuận việc thành lập công ty trong lĩnh vực kiều hối của hai ngân hàng gồm Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Bắc Á (BacABank) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Như vậy, sau một năm chuẩn bị, hai ngân hàng trên đã chính thức thành lập công ty con chuyên kinh doanh kiều hối. Cụ thể, BacABank và OCB cùng sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty con để hoạt động trong lĩnh vực kiều hối.
Trước đó, tại đại hội cổ đông năm 2016, hai ngân hàng này đã trình cổ đông về việc thành lập công ty chuyển tiền quốc tế. Trong đó, công ty kiều hối OCB có vốn điều lệ 25 tỷ đồng, còn BacABank là 77 tỷ đồng.
Bước vào “sân chơi” này, ngoài những “ông lớn” trong ngành ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, còn có hai ngân hàng tư nhân khác, ngân hàng DongAbank và Sacombank, cũng đã sớm thành lập công ty kiều hối và liên tục đạt được doanh số ấn tượng trong những năm qua.
Năm 2016, công ty kiều hối của DongAbank đạt doanh số chi trả 1,43 tỷ USD; vượt năm 2015 khoảng 5%. Lợi nhuận trước thuế kiều hối tăng 17,8% so với cùng kỳ 2015, đạt 15,2 tỷ đồng. Sacombank cũng có con số doanh thu chi trả kiều hối năm 2016 khá khả quan không kém, dao động trong khoảng 1,5 tỷ USD.
Ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc công ty Kiều hối Sacombank, cho biết khoảng 60% doanh số kiều hối được chuyển qua kênh ngân hàng, số còn lại được chuyển qua công ty kiều hối. Vì vậy, có thể xem các công ty kiều hối trực thuộc ngân hàng là cánh tay nối dài cho ngân hàng trong hoạt động nhận và gửi tiền về nước.
Dù tăng trưởng doanh thu cao, song các chuyên gia ngân hàng cho rằng hiện nay dịch vụ kinh doanh kiều hối đang được các công ty trong nước thực hiện giao dịch với khách hàng chủ yếu vẫn diễn ra tại quầy, hình thức trực tuyến 100% chưa được chú trọng khai thác.
Trong khi đó, các tổ chức chuyển tiền quốc tế áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, chủ yếu sử dụng hình thức trực tuyến với mức phí giao dịch thấp hơn so với các ngân hàng trong nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiềm năng thị trường rất lớn bởi hoạt động kiều hối không chỉ đơn giản là thu phí mà các ngân hàng còn được hưởng lợi từ kinh doanh ngoại hối và bán chéo sản phẩm cho người gửi, người nhận. Cùng với đó, ngân hàng còn duy trì được lượng tiền gửi trong tài khoản và thu thập thông tin người dùng.
Có thể xem các công ty kiều hối trực thuộc ngân hàng là cánh tay nối dài cho ngân hàng trong hoạt động nhận và gửi tiền về nước.
Đầu tư để gặt “trái ngọt”
Trao đổi với báo chí, bà Thái Hương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BacABank, cho biết BacABank sẽ hướng công ty kiều hối vào hình thức giao dịch trực tuyến. Hình thức này sẽ giảm chi phí dịch vụ, giúp ngân hàng có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
Thực tế, những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh kiều hối thường không đặt nặng vấn đề lợi nhuận trực tiếp từ mảng này mà nhằm mở rộng kinh doanh, tăng thêm nguồn thu lợi nhuận từ dịch vụ này.
Đại diện ngân hàng OCB cho biết, bên cạnh lý do thành lập công ty kiều hối để thu hút nguồn kiều hối về Việt Nam, OCB cũng đã thể hiện rõ quan điểm gia tăng thêm lợi ích kèm theo.
Cụ thể, theo OCB, khi phát triển dịch vụ kiều hối sẽ gia tăng nguồn thu dịch vụ phi tín dụng, phát triển nguồn khách hàng cá nhân, định vị dịch vụ chuyển tiền OCB tại thị trường Việt Nam và đưa thương hiệu OCB ra quốc tế.
Theo dự kiến của ngân hàng này, hoạt động của công ty chuyển tiền quốc tế ngân hàng OCB sẽ đạt hiệu quả thông qua thanh khoản doanh số có được dự tính năm 2017 là 4.131 tỷ đồng và năm 2018 là 6.885 tỷ đồng.
Nhận thấy kinh doanh kiều hối là mảnh đất màu mỡ, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch thành lập công ty kinh doanh kiều hối. Theo một số chuyên gia, dù được NHNN khuyến khích nhưng không phải ngân hàng nào muốn cũng có thể thành lập được công ty kiều hối.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, việc thành lập công ty chuyển tiền quốc tế sẽ thu hút nguồn kiều hối chính thức gửi về Việt Nam, giúp bổ sung nguồn ngoại tệ góp phần cân đối cán cân thương mại cho quốc gia.
Vì vậy, các ngân hàng luôn nhận được sự hỗ trợ khuyến khích từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, muốn được NHNN chấp thuận, các ngân hàng phải đảm bảo hoạt động lành mạnh và kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Ngoài ra, theo quy định của NHNN, ngân hàng xin thành lập công ty kiều hối trực thuộc phải được NHNN cho phép thực hiện nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ, có bộ máy quản trị điều hành và hệ thống kiểm tra nội bộ hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải đảm bảo được số vốn điều lệ thực có sau khi trừ đi số vốn đã cấp cho công ty trực thuộc.