Thị trường chứng khoán thế giới giằng co trước dữ liệu lạm phát
Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu giao dịch giằng co trước sức ép lạm phát và tín hiệu trái chiều từ chính sách tiền tệ, thương mại. Trong khi Nasdaq tiếp tục lập đỉnh lịch sử nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, các chỉ số chủ chốt khác trên Phố Wall và phần lớn thị trường châu Á quay đầu giảm, phản ánh tâm lý thận trọng lan rộng trong bối cảnh bất định vĩ mô.

Phố Wall giằng co trước lo ngại vĩ mô
Phiên giao dịch ngày 15/7 (sáng 16/7 theo giờ Việt Nam), TTCK Mỹ ghi nhận sự phân hóa rõ rệt khi chỉ số Nasdaq tiếp tục lập đỉnh lịch sử, trong khi Dow Jones và S&P 500 đồng loạt giảm điểm. Sự chênh lệch này phản ánh tâm lý trái chiều của nhà đầu tư trước các dữ liệu kinh tế mới công bố, kết quả lợi nhuận từ nhóm ngân hàng và những lo ngại ngày càng gia tăng về chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump.
Chốt phiên, chỉ số Nasdaq tăng 0,18% lên 20.677,80 điểm nhờ sức bật mạnh mẽ của nhóm công nghệ và cổ phiếu bán dẫn. Đây là phiên thứ 4 trong 5 phiên mà chỉ số Nasdaq đạt mức đóng cửa kỷ lục và là phiên thứ 8 kể từ ngày 27/6/2025.
Cổ phiếu Nvidia - Công ty dẫn đầu lĩnh vực chip trí tuệ nhân tạo - tăng gần 4% sau khi tuyên bố sẽ sớm nối lại việc bán chip H20 cho thị trường Trung Quốc, nhờ việc được chính phủ Mỹ phê duyệt lại giấy phép xuất khẩu. Các nhà sản xuất chip khác cũng được tiếp thêm động lực, với giá cổ phiếu của Advanced Micro Devices và Super Micro Computer cùng tăng hơn 6,4%.
Trái ngược với sự lạc quan tại nhóm công nghệ, chỉ số Dow Jones giảm 0,98% (tương đương 436,76 điểm), xuống còn 44.022,89 điểm, trong khi S&P 500 cũng mất 0,4%, chốt ở mức 6.243,71 điểm. Áp lực chính đến từ lo ngại lạm phát tiếp tục duy trì dai dẳng và triển vọng kinh tế không mấy tích cực từ báo cáo tài chính các ngân hàng lớn.
Dữ liệu công bố ngày 15/7 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,3% so với tháng trước và 2,7% so với cùng kỳ - sát với dự báo. Tuy nhiên, chỉ số CPI lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - tăng 0,2%, thấp hơn mức dự đoán 0,3%, cho thấy áp lực lạm phát đang lan tỏa chậm hơn nhưng vẫn hiện hữu. Nhiều chuyên gia lo ngại chính sách thuế quan mà chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố áp dụng từ ngày 1/8 có thể đẩy giá tiêu dùng tăng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Boston, bà Susan Collins, phát đi thông điệp thận trọng khi cho biết “không vội vàng thay đổi lãi suất trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất định”. Cùng quan điểm, Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan khẳng định, Fed cần thêm dữ liệu để đánh giá tác động từ chính sách thương mại, và không loại trừ khả năng tiếp tục giữ lãi suất ở mức hiện tại trong thời gian dài. Dù vậy, TTCK vẫn duy trì kỳ vọng rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Các giao dịch hoán đổi lãi suất phản ánh khả năng cắt giảm đang được định giá khoảng 60%.
Về phía doanh nghiệp, báo cáo tài chính quý II/2025 từ nhóm ngân hàng lớn gây thất vọng cho nhà đầu tư. Dù lợi nhuận của Wells Fargo vượt dự báo, cổ phiếu ngân hàng này giảm hơn 5% do hạ triển vọng thu nhập lãi ròng. JPMorgan Chase công bố kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng nhờ hoạt động giao dịch và ngân hàng đầu tư, nhưng cổ phiếu vẫn giảm nhẹ. BlackRock – “gã khổng lồ” trong ngành quản lý tài sản - mất gần 6% do doanh thu không đạt kỳ vọng. Citigroup là điểm sáng hiếm hoi khi tăng hơn 3% nhờ lợi nhuận vượt ước tính thị trường.
Ngoài yếu tố lạm phát, tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan ngày càng cứng rắn từ Tổng thống Trump. Ông Trump cho biết, Mỹ sẽ áp mức thuế 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu và Mexico kể từ ngày 1/8. Liên minh châu Âu đã lên tiếng phản đối và chuẩn bị gói thuế trả đũa trị giá 72 tỷ euro, nhắm vào nhiều ngành hàng của Mỹ, bao gồm ô tô, hóa chất và thực phẩm.
Trong bối cảnh bất định hiện nay, giới đầu tư đang chờ đợi loạt báo cáo kết quả kinh doanh từ các tập đoàn công nghệ lớn sẽ được công bố trong tuần này, được kỳ vọng sẽ giữ nhịp tăng trưởng cho Nasdaq và toàn thị trường trong ngắn hạn.

Châu Á giao dịch giằng co trong biên độ hẹp
Trong khi Phố Wall giằng co vì các tín hiệu trái chiều từ lạm phát và lãi suất, TTCK châu Á ngày 16/7 cũng chứng kiến diễn biến phân hóa, với những điểm sáng đến từ Hàn Quốc và Indonesia, trong khi các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông tiếp tục chịu sức ép từ bất ổn kinh tế vĩ mô.
Chốt phiên ngày 16/7, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm nhẹ 28,9 điểm (0,9%) xuống còn 3.186,38 điểm. Tuy nhiên, xét trong cả năm, chỉ số này đã tăng hơn 40% từ đầu năm đến nay, vượt xa hiệu suất của các thị trường lớn trong khu vực. Mới đây, Morgan Stanley đã nâng mục tiêu KOSPI đến tháng 6/2026 lên 3.250 điểm, và thậm chí dự báo trong kịch bản lạc quan, chỉ số có thể chạm mốc 3.500 điểm nếu các cải cách tiếp tục được duy trì và dòng tiền tổ chức ổn định.
Ngân hàng đầu tư Mỹ đánh giá cao các nỗ lực cải cách ở Hàn Quốc, từ sửa đổi luật doanh nghiệp, minh bạch hóa quản trị, đến cải thiện chính sách thuế. Đặc biệt, dòng vốn từ các quỹ hưu trí trong nước và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đang thay thế vai trò dẫn dắt từng thuộc về nhà đầu tư cá nhân - yếu tố từng khiến thị trường Hàn Quốc dao động mạnh trong giai đoạn hậu đại dịch.
Ở chiều ngược lại, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 28,52 điểm (0,07%), còn 39.649,50 điểm do thiếu thông tin hỗ trợ, đồng thời chịu sức ép từ đồng Yên yếu và lạm phát nhập khẩu gia tăng.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai hạ nhẹ 1,22 điểm, tương đương 0,03%, xuống mức 3.503,78 điểm. Dù GDP quý II của Trung Quốc tăng 5,2% so với cùng kỳ, vượt dự báo, nhưng niềm tin thị trường vẫn yếu khi lạm phát tiếp tục âm và lĩnh vực bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Dù vậy, giới đầu tư lạc quan khi Morgan Stanley và UBS đồng loạt nâng dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2025 lên lần lượt 4,8% và 4,7%, nhờ triển vọng tiêu dùng cải thiện và chính sách kích cầu đang được thúc đẩy mạnh hơn. Phó Thủ tướng Hà Lập Phong cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc đẩy nhanh hiện đại hóa công nghiệp, mở rộng hội nhập toàn cầu thông qua các hội chợ và sự kiện thương mại.
Thị trường Hồng Kông cũng giảm 72,36 điểm (0,29%) về 24.517,76 điểm do áp lực chốt lời và tâm lý lo ngại về thuế quan từ Mỹ. Trong khi đó, Malaysia giảm 0,93%, còn Singapore và Indonesia lại tăng điểm. Đặc biệt, Indonesia tăng gần 1% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ với Jakarta - động thái được kỳ vọng sẽ giúp ổn định quan hệ kinh tế song phương.
Ngoài ra, thị trường châu Á cũng đang theo dõi chặt chẽ các phát biểu từ ông Trump - người đã tuyên bố sẽ áp mức thuế 19% lên hàng hóa Indonesia và 30% với EU, cùng những phát ngôn cứng rắn nhắm vào Fed. Các nhà đầu tư đang cân nhắc khả năng thuế quan có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt trong ngành công nghệ và dược phẩm.
Trong ngắn hạn, các chỉ số châu Á nhiều khả năng tiếp tục giao dịch trong biên độ hẹp do thiếu vắng động lực mạnh, nhưng về trung và dài hạn, các thị trường có cải cách nền tảng - như Hàn Quốc - vẫn đang ghi điểm trong mắt giới đầu tư tổ chức. Câu chuyện dòng vốn và chính sách vẫn sẽ là nhân tố quyết định hướng đi của khu vực trong những tháng tới.