Dự trữ ngoại hối kỷ lục, có tiếp tục tăng?
Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự trữ ngoại hối đạt trên 54 tỷ USD. Nhưng theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, không nên quá cường điệu vào con số tuyệt đối, mà nên so với số nhập khẩu của Việt Nam trên thế giới.
Mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết chỉ riêng 2 tuần đầu năm 2018, NHNN đã mua ròng 2,5 tỷ USD, trong đó chỉ riêng 3 ngày cuối mua được khoảng 1,5 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đã lên mức kỷ lục 54,5 tỷ USD.
Vượt mục tiêu cho năm 2020
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam gia tăng liên tục trong những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018: Đến cuối tháng 12/2017 đạt xấp xỉ 52 tỷ USD, đến ngày 9/1/2018, công bố chính thức tại hội nghị toàn ngành ngân hàng là 53 tỷ USD, và đến ngày 12/1 là 54,5 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục, vượt qua mục tiêu 50 tỷ USD cho năm 2020 từng đặt ra.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết cuối năm 2017, để tránh những biến động trên thị trường ngoại hối khi Sabeco bán vốn với khối lượng lớn, NHNN đã chủ động mua ngoại tệ. “Khi đưa tiền ra mua ngoại tệ, NHNN đã linh hoạt điều tiết để thu tiền về”, Thống đốc khẳng định.
Hơn 54 tỷ USD dự trữ ngoại hối là một con số hết sức ấn tượng, tạo niềm tin tăng cao không chỉ đối với thị trường trong nước, với nhà đầu tư Việt Nam mà còn đối với thị trường nước ngoài và nhà đầu tư quốc tế.
Cùng với lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái ổn định thông qua dự trữ ngoại hối cao là 2 trong những chỉ báo quan trọng đối với ổn định kinh tế vĩ mô của một quốc gia.
Theo các chuyên gia, để có được con số dự trữ ngoại hối tăng cao như vậy một phần là do chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN, thậm chí tỷ giá còn giảm.
Ngoài ra, còn một số yếu tố hỗ trợ cho việc mua dự trữ ngoại hối của NHNN. Đó là trong năm 2017, cán cân vãng lai phản ánh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam với các nước trên thế giới thặng dư khoảng 6 tỷ USD chủ yếu nhờ xuất khẩu tăng 21% giúp cho cán cân thương mại dôi dư gần 3 tỷ USD.
Đồng thời, kiều hối từ nước ngoài chuyển về khá lớn, đạt 8 tỷ USD. Các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng chuyển tiền để đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh.
Thị trường chứng khoán tăng cao nhờ vào giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có sức hấp dẫn nhà đầu tư, qua đó NHNN mua được trên 12 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối.
Tại Việt Nam, dự trữ ngoại hối trong những năm qua cũng liên tục tăng, năm 2015 đạt 37 tỷ USD, năm 2016 lên mức 41 tỷ USD, sang năm 2017 đạt gần 52 tỷ USD.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại tệ của một quốc gia tương đương với 12 –16 tuần nhập khẩu thì có thể xem quốc gia đó có đủ khả năng thanh toán quốc tế khá vững chắc. Năm 2017, Việt Nam đã vượt ngưỡng yêu cầu này khi đạt 13 tuần nhập khẩu.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tính đến thời điểm hiện nay, dự trữ ngoại hối đạt được con số tuyệt vời. Tuy nhiên, không nên quá cường điệu vào số tuyệt đối, mà nên so với số nhập khẩu của Việt Nam trên thế giới. “Chỉ tiêu hợp lý cho dự trữ ngoại hối quốc gia phải đủ để bù đắp 52 tuần nhập khẩu. Con số dự trữ ngoại hối của Việt Nam lúc thì nghe thế này, lúc thì thế kia. Vì vậy cần có sự xác nhận của NHNN đã đủ 52 tuần chưa, nếu đủ thì NHNN nên công bố thường xuyên để người dân cùng biết”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Có thể nói, từ đầu năm 2016 đến nay, tỷ giá đã được NHNN kiểm soát theo đúng định hướng, khi vừa có được sự ổn định nhưng lại vừa có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng được duy trì ổn định ở mức thấp, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở mức cao. Đây là những yếu tố giúp thu hút các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam trong những năm qua.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trong năm 2018, NHNN sẽ tiếp tục và nhất quán với định hướng về công tác điều hành chính sách tỷ giá cũng như thị trường ngoại tệ là giữ vững sự ổn định, đồng thời sẽ tiếp tục mua thêm lượng lớn ngoại tệ nhằm cung ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ cho xuất khẩu. Qua đó củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong tương lai.