Tăng trách nhiệm tài chính của bảo hiểm tiền gửi
Tăng hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi nhưng không tăng chi phí, được đánh giá mang lại lợi ích lớn cho người gửi tiền, song đồng thời gia tăng trách nhiệm tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Phù hợp thông lệ quốc tế
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 12/12/2021. Cụ thể, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, gồm cả gốc và lãi của một người, tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng (quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg là 75 triệu đồng).
Ông Phạm Bảo Lâm, Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cho biết, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ, trên tổng số người được bảo hiểm tiền gửi đến nay là khoảng 91%, như vậy đã đáp ứng được thông lệ quốc tế, trong phạm vi từ 90-95 %.
Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên mức 125 triệu đồng là phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó, không yêu cầu tăng thu phí với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Điều này cũng thể hiện nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng, của bảo hiểm tiền gửi trong việc nâng cao năng lực, bảo vệ đối với người gửi tiền, hỗ trợ giúp đỡ cho hoạt động của các tổ chức hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong thời gian tới. Đặc biệt, Việt Nam đang bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 gây khó khăn rất nhiều cho các hoạt động sản xuất kinh, doanh của nền kinh tế.
Cũng theo ông Lâm, người dân sẽ được hưởng các lợi ích từ chính sách này, bởi hoạt động và sự phát triển của bảo hiểm tiền gửi gắn với xu hướng phát triển của kinh tế xã hội nói chung và của hệ thống ngân hàng nói riêng. Mục tiêu của bảo hiểm tiền gửi là thực hiện bảo vệ một cách tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, qua đó giúp sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng và đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của các hoạt động ngân hàng.
“Trong thời gian tới, bảo hiểm tiền gửi cũng cần phải tăng cường vai trò của mình trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, để bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Đồng thời xác định việc nghiên cứu, áp dụng các thông lệ quốc tế vào hoạt động bảo hiểm tiền gửi, cũng như các hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là rất quan trọng. Vì vậy sẽ từng bước đổi mới hoạt động, để đưa vào bộ nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi nhằm phát triển bảo hiểm tiền gửi một cách hiệu quả của hệ thống Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế, bám sát theo chiến lược phát triển của ngân hàng, cũng như thực tiễn tình hình kinh tế tại Việt Nam”, ông Lâm nhấn mạnh.
Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) đã khuyến nghị, hạn mức bảo hiểm tiền gửi cần được định kỳ đánh giá lại, khoảng 5 năm một lần. Vì vậy, từ khi áp dụng hạn mức 75 triệu đồng vào năm 2017 đến nay, BHTGVN đã thường xuyên đánh giá mức độ phù hợp của hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm vào thời điểm này là phù hợp với các thông lệ quốc tế về BHTG, trong đó có việc đánh giá, điều chỉnh hạn mức theo sự thay đổi các yếu tố vĩ mô, sự phát triển của hệ thống ngân hàng cũng như sự phát triển về nguồn lực của BHTGVN.
Tăng trách nhiệm tài chính
Tính đến nay, BHTGVN đang bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Việc tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi giúp nâng cao mức độ bảo vệ người gửi tiền, song cũng đặt lên vai tổ chức BHTG một áp lực nhất định khi phí BHTG không điều chỉnh tăng theo. Do đó, BHTGVN phải quản lý, đầu tư nguồn vốn một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo thanh khoản tốt để luôn sẵn sàng bảo vệ người gửi tiền.
Theo thống kê, quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt 73.600 tỷ đồng, tăng 14,5 % so với thời điểm cuối năm 2020. Đây là nguồn lực tài chính quan trọng giúp BHTGVN ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ được giao.
“Trong các tháng cuối năm 2021, BHTGVN quyết tâm nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho cán bộ, người lao động, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành kế hoạch hoạt động đã đề ra. Tiếp tục chủ động, sáng tạo nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, tập trung nghiên cứu nội dung sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, phấn đấu xây dựng tổ chức bảo hiểm tiền gửi ngày càng phát triển vững mạnh, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực sự là công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chung ngành ngân hàng”, đại diện BHTGVN cho biết.
Hiện nay, hệ thống ngân hàng đang hoạt động ổn định, không có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn hệ thống. Việc Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm càng củng cố cho cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. BHTGVN cũng cho biết, trong thời gian tới, tổ chức này sẽ thường xuyên theo dõi, đánh giá mức độ phù hợp của hạn mức để báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh khi điều kiện cho phép.
Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 73,6 nghìn tỷ đồng. Với nguồn quỹ này, BHTGVN có thể đáp ứng chi trả ngay lập tức trong trường hợp cần thiết.