Đưa doanh nghiệp nhỏ vào quỹ đạo xuất chính ngạch
Thị trường Trung Quốc chứa đựng những cơ hội cho trái cây cũng như các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam nhưng cũng rất cần có sự định hướng đúng để các doanh nghiệp đi vào quỹ đạo chính ngạch.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) chủ lực, hiện đứng thứ nhất về thị trường nhập khẩu trái cây từ Việt Nam. Mới đây, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) đã lưu ý với các doanh nghiệp (DN) một số quy định quản lý của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu trái cây vào thị trường này.
Doanh nghiệp còn lơ mơ
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đăng tải "Danh sách các vườn trồng 8 loại trái cây" (gồm chôm chôm, thanh long, vải, nhãn, xoài, dưa hấu, chuối, dứa) và "Danh sách các cơ sở đóng gói của Việt Nam" được phép XK chính thức vào Trung Quốc trên hệ thống thông tin của cơ quan này. Các quy định tương tự như của Trung Quốc cũng đã và đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam áp dụng.
"Tuy nhiên, nhiều thương nhân XK nông sản, trái cây Việt Nam (bao gồm cả bạn hàng của họ là các DN nhập khẩu Trung Quốc) chưa có sự quan tâm đầy đủ để thực hiện", Vụ Thị trường châu Á – châu Phi nhấn mạnh.
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng với 97 – 98% DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa như hiện nay khó có năng lực để thay đổi trước những cú sốc về thương mại. Tuy nhiên, khả năng để DN nhỏ tận dụng XK vào thị trường như Trung Quốc là cao lên.
Theo ông Thiên, thị trường Trung Quốc chứa đựng cơ hội cho các DN nhỏ so với những thị trường khác mà họ chưa có cải thiện gì đặc biệt. Việc chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc tốt nhất là nên bắt đầu từ những chính sách vĩ mô, định hướng cho DN đi vào "quỹ đạo" chính ngạch. Còn nếu vẫn cứ thúc đẩy tiểu ngạch thì khó có thể nâng cấp được các DN nhỏ và rủi ro cũng sẽ rất lớn.
"Chúng ta phải chuyển thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc sang một đẳng cấp cao hơn và lấy điều đó để áp lực cho cải cách trong nước, cho áp lực cạnh tranh của DN trong nước thì may ra sẽ tốt lên", ông Thiên nhấn mạnh.
Để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm XK bền vững sang Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị các thương nhân sản xuất, XK nông sản, trái cây cần chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường này.
Lo đà chạy theo không kịp
Là chủ một DN XK nông sản hàng đầu của Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc công ty Vina T&T Group, cũng cho rằng các DN XK trái cây cũng nên hướng đến XK chính ngạch vào Trung Quốc. Trong hai năm nay, ông Tùng vẫn hy vọng thị trường lớn nhất là Trung Quốc sẽ "siết" quy định, đi vào sân chơi chung, để sản phẩm Việt đủ tiêu chuẩn đi được khắp nơi.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình (Long An), người có nhiều kinh nghiệm XK nông sản chính ngạch, cho biết qua nhiều cuộc tiếp xúc gần đây, các khách hàng Trung Quốc bày tỏ rất muốn làm chính ngạch với các DN Việt Nam, nhưng hình như "cái đà của chúng ta chạy theo không kịp với nhu cầu".
Trong câu chuyện loại trái cây nào có thể XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, ông Huy cho rằng sự đàm phán từ cơ quan chức năng của hai bên phải nỗ lực. Dù rất lo lắng về chuyện này, nhưng để đáp ứng được yêu cầu XK hàng hóa chính ngạch sang Trung Quốc thì riêng DN chưa đủ sức.
"Khách hàng Trung Quốc của tôi trước đây nói rằng từ 01/01/2019 đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc, trong khi tại một cuộc họp do một đơn vị tổ chức ở trong nước, người ta lại bảo sẽ bắt đầu từ tháng 10/2019. Những thông tin như vậy khiến phía DN khá lúng túng về mặt thời gian", ông Huy chia sẻ.
Cũng theo ông Huy, hiện chưa định vị ai sẽ chính thức cung cấp những thông tin như vậy cho các DN XK. DN phải chạy nước rút nhằm kịp với tiến độ để hàng hóa kịp thông quan.
Về quy định truy xuất nguồn gốc, Bộ Công Thương cho biết như đã thông tin trước đây, kể từ tháng 5/2018, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu thông qua các quy định yêu cầu DN nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu.
Theo Bộ Công Thương, thông tin trên tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… Danh sách vườn trồng, DN đóng gói phải được cơ quan quản lý nước XK thông báo chính thức cho phía Trung Quốc.
"Đây không phải là quy định mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế, trước đây thực hiện chưa nghiêm. Đến nay, trước nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lưu ý và thực hiện nghiêm túc hơn", Vụ Thị trường châu Á – châu Phi nhấn mạnh.