Đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
Ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 46. Tại phiên họp lần này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng trong đó có việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Theo quy định của Luật Giá 2012 và các văn bản hướng dẫn, sách giáo khoa thuộc mặt hàng kê khai giá với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá.
Tại cuộc họp Ban điều hành giá của Chính phủ hôm 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá.
Trước đây Nhà nước bao cấp một số nội dung trong công tác biên soạn, in ấn, kể cả phát hành.
Hiện nay, khi thực hiện xã hội hóa thì nhà xuất bản phải trả nhuận bút cho tác giả, khâu đọc thẩm định bản thảo, tập huấn.
Bên cạnh đó, bộ sách theo chương trình giáo dục mới thì số lượng đầu sách tăng hơn. Sách được in mầu, chất lượng tốt hơn, chi phí cao hơn, dẫn đến việc giá thành bộ sách giáo khoa mới cao hơn bộ sách cũ. Theo đó, nhằm quản lý giá sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Ngày 26/3/2020, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 45/TTr-BTC báo cáo Chính phủ đề xuất bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (hình thức giá tối đa).