Đưa Xuân ấm đến với mọi nhà
“Mặc dù số gạo cấp cho mỗi người dân không nhiều (15kg/ nhân khẩu/tháng) nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Vào những ngày tết như thế này, mỗi cân gạo đến với người dân khó khăn đã góp phần ổn định đời sống và đón năm mới thêm ấm áp, thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ. Với những người làm dự trữ chúng tôi, đó chính là niềm vui, hạnh phúc trong nghề của mình”, ông Đỗ Việt Đức, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước chia sẻ.
PV: Thưa ông, mỗi dịp Tết đến Xuân về, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt để chăm lo Tết cho người nghèo, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn. Đây cũng là dịp mà cán bộ, công chức ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) thêm phần vất vả. Năm nay, Tổng cục DTNN đã triển khai công việc ý nghĩa này như thế nào?
Ông Đỗ Việt Đức - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN |
Việc hỗ trợ gạo DTQG cho các địa phương để hỗ trợ cho người nghèo trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa lớn lao, đậm chất nhân văn thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” sẻ chia của Chính phủ đối với bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa… đặc biệt là giúp hộ nghèo, những hộ dân còn khó khăn về lương thực được "đỏ lửa" trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Trong nhiều năm qua, Tổng cục DTNN luôn đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ đồng bào nghèo dịp Tết. Đây là công việc thường xuyên nên chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị chu đáo. Ngay sau khi nhận được văn bản của các địa phương có nhu cầu hỗ trợ gạo, Tổng cục DTNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời xem xét, quyết định hỗ trợ.
Đồng thời, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực phụ trách địa bàn chủ động sẵn sàng kế hoạch thuê phương tiện vận chuyển, xuất kho, bố trí cán bộ công chức thực hiện xuất cấp hàng DTQG được ngay cho các địa phương khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định để sớm đưa hàng DTQG đến tay các đối tượng hỗ trợ; bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và theo đúng kế hoạch tiếp nhận, phân bổ của các địa phương, phấn đấu hoàn thành việc giao, nhận gạo hỗ trợ trước ngày 27 tháng Chạp.
Hàng năm, cùng với các đợt mưa bão, lũ lụt liên miên, hay mỗi dịp Tết đến, ngoài gạo, người dân còn thiếu thốn nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Tại sao chúng ta không hỗ trợ bằng tiền cho gọn nhẹ, nhanh chóng và thiết thực, thưa ông?
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp cả về tần suất và mức độ ảnh hưởng đến con người. Ngay trong năm 2017, thiên tai liên tục xảy ra và gây thiệt hại trên khắp cả nước, với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông, trong đó có 05 cơn bão (số 2, 4, 10, 12, 14) và 3 cơn áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào nước ta. Đặc biệt, cơn bão số 10 và số 12 đã ảnh hưởng vào khu vực miền Trung, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, sản xuất và cơ sở hạ tầng trong khu vực, để lại hậu quả rất nặng nề.
Ngành DTNN có nhiệm vụ không để xảy ra những thảm họa nhân đạo trên phạm vi các tỉnh và liên vùng. Trong bối cảnh thiệt hại do thiên tai nặng nề, không phải cứ có tiền là mua ngay được những hàng hóa thiết yếu cho người dân. Ngay cả khi có gạo nhưng không có nước dùng, không có chỗ đun nấu, người dân cũng phải chịu đói. Thế nên nhà nước phải dự trữ từ những thứ nhỏ như hạt gạo, hạt muối, to như cái ô tô, xe ủi, xe cẩu, xuồng cứu nạn…
Hiện nay, danh mục hàng DTQG rất đa dạng, nhiều chủng loại và được bố trí tại các kho dự trữ thuộc các Cục DTNN khu vực đóng trên các địa bàn chiến lước trong cả nước. Do vậy, việc sử dụng hàng DTQG hỗ trợ các địa phương trong các tình huống thiên tai, đột xuất, cấp bách, cứu đói giáp hạt, hạn hán cho nhân dân các địa phương là một trong những nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu quan trọng của ngành DTNN. Việc hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn lực DTQG không chỉ giúp các địa phương kịp thời, chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, giải quyết khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn các tỉnh mà còn là công cụ đắc lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Ngoài việc hỗ trợ nhân dân bằng hiện vật từ nguồn DTQG; trong trường hợp cần thiết, hàng năm NSNN vẫn hỗ trợ bằng tiền để các địa phương khôi phục sản xuất; khắc phục, sửa chữa cơ sở hạ tầng, giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Thưa ông, để bảo đảm xuất cấp hàng DTQG kịp thời đến tay người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất nói riêng và trong năm 2018 nói chung, xin ông cho biết công tác chuẩn bị và các giải pháp để triển khai thực hiện xuất cấp kịp thời và sử dụng có hiệu quả nguồn lực DTQG?
Để chủ động sẵn sàng triển khai nhiệm vụ xuất cấp kịp thời hàng DTQG đáp ứng nhu cầu của nhân dân các địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN quán triệt đến cán bộ công chức ngành DTNN thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, các đơn vị, các bộ, ngành có liên quan để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ hàng DTQG bảo đảm đúng đối tượng, mục đích, theo đúng quy định về xuất cấp, quản lý, sử dụng hàng DTQG, đảm bảo hiệu quả. Nhất là việc hỗ trợ gạo DTQG cho các địa phương trong thời điểm Tết Nguyên đán 2018, giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Thứ hai, yêu cầu các Cục DTNN khu vực có kế hoạch bố trí phương tiện vận chuyển, huy động lực lượng cán bộ, công chức sẵn sàng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương chủ động trong công tác giao, nhận hàng DTQG theo đúng quyết định của cấp có thẩm quyền và kế hoạch tiếp nhận của UBND các tỉnh.
Thứ ba, chỉ đạo các Cục DTNN khu vực phụ trách địa bàn chủ động phối hợp với UBND các tỉnh, các đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cấp phát, quản lý, sử dụng hàng DTQG đến đúng đối tượng sử dụng, bảo đảm theo đúng quy định về quản lý, sử dụng hàng DTQG.
Thứ tư, trong tình huống đột xuất cấp bách, để xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương, Tổng cục DTNN sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính kịp thời xuất cấp ngay hàng DTQG hỗ trợ cho các địa phương theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Luật DTQG và Luật NSNN. Đối với giá trị hàng DTQG vượt thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) xử lý xuất ngay hàng DTQG để ứng cấp kịp thời cho các địa phương, đồng thời phối hợp với UBND các tỉnh và các bộ, ngành có liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ và giảm trừ số lượng hàng DTQG Bộ Tài chính đã ứng cấp cho các địa phương.
Xin trân trọng cảm ơn ông!