Huy động nguồn lực tài chính hỗ trợ phòng chống thiên tai

PV.

Ước tính hàng năm ngân sách nhà nước (NSNN) chi khoảng 10.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, nhu cầu chi cho phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai ngày càng tăng đang đặt ra nhiều thách thức đối với nguồn lực tài chính cho công tác này trong thời gian tới.

Ngân sách dành cho công tác cứu trợ sau thiên tai chỉ đầy đủ một cách tương đối. Nguồn: internet
Ngân sách dành cho công tác cứu trợ sau thiên tai chỉ đầy đủ một cách tương đối. Nguồn: internet
Chưa đáp ứng được thực tế 
Thống kê cho thấy, giá trị thiệt hại bình quân hàng năm từ thiên tai tại Việt Nam ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng (chiếm 0,94% GDP). Trong đó, ước tính hàng năm NSNN chi khoảng 10.000 tỷ đồng (25% tổng giá trị thiệt hại bình quân năm) để khắc phục hậu quả thiên tai. Các chi phí khắc phục thiên tai còn lại được huy động từ các nguồn khác (chiếm 75%). 
Hiện nay, nước ta đang dùng một số nguồn kinh phí để cung cấp tài chính cho công tác ứng phó và phục hồi sau thiên tai, bao gồm: Nguồn dự phòng ngân sách ở Trung ương và địa phương, các khoản phân bổ ngân sách cụ thể, nguồn dự trữ nhà nước bằng vật chất, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng chống thiên tai, các công cụ chuyển giao rủi ro như bảo hiểm và viện trợ của các nhà tài trợ.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Thị Thùy Vân, Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), nguồn lực tài chính hỗ trợ phòng chống thiên tai vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm. Cụ thể, mặc dù chính sách hiện hành vẫn đảm bảo thực hiện cho các nhiệm vụ chi cho khắc phục thiên tai, song nguồn kinh phí từ NSNN mới chỉ đáp ứng được một phần tổng thiệt hại hàng năm. Phần lớn thiệt hại của khu vực doanh nghiệp và dân cư không được tài trợ bởi NSNN mà phải thực hiện thông qua cơ chế khác như tự tài trợ hoặc thông qua cơ chế chuyển giao rủi ro. 
Bên cạnh đó, NSNN mới chỉ đảm bảo được các chính sách cứu trợ khẩn cấp sau thiên tai và các chính sách khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh. Ngân sách dành cho đầu tư phát triển sau thiên tai, thảm họa (công tác tái thiết) vẫn chưa đáp ứng được thực tế. Chi phí tái thiết thiệt hại thực hiện thông qua quá trình xây dựng dự toán, lên kế hoạch trong các năm tài chính tiếp theo, đòi hỏi phải có thời gian, điều chỉnh kế hoạch chi cho đầu tư phát triển và nhiều khả năng không đảm bảo tái thiết đầy đủ. Trong điều kiện thiên tai xảy ra với tần suất và mức độ ngày càng lớn và trên diện rộng, NSNN sẽ gặp khó khăn khi xảy ra các thiên tai lớn (50-100 năm một lần) cả về hỗ trợ khẩn cấp và tái đầu tư phục hồi cơ sở hạ tầng…
Thực tế tại Việt Nam cho thấy, ngân sách dành cho công tác cứu trợ sau thiên tai chỉ đầy đủ một cách tương đối vì trên thực tế mỗi khi thiên tai xảy ra hầu hết các ngân sách các địa phương đều không đảm bảo, phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương. Trong khi đó, bản thân ngân sách trung ương dành cho công tác giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai chỉ là một nội dung nhỏ trong chi ngân sách trung ương. Dự phòng ngân sách trung ương và dự trữ tài chính trung ương cũng dành ngân sách cho rất nhiều nhiệm vụ chi khác nhau.
Ngoài ra, dù đã có Luật Phòng, Chống thiên tai và Chiến lược quốc gia năm 2007 về Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, nhưng những khuôn khổ pháp lý hỗ trợ sáng kiến tài chính cho rủi ro thiên tai (DRF) ở Việt Nam (bao gồm cả bảo hiểm) vẫn mới phát triển và vai trò của DRF vẫn chưa được xác định một cách đầy đủ trong khuôn khổ quốc gia.
Huy động nguồn lực tài chính cho phòng chống rủi ro, thiên tai
Trong thời gian tới, một số chuyên gia cho rằng, cần xây dựng và phát triển các công cụ tài chính cho rủi ro thiên tai như bảo hiểm rủi ro thiên tai, trái phiếu rủi ro thiên tai... để chia sẻ rủi ro, đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực phòng chống, khắc phục rủi ro, giảm áp lực cho NSNN.
TS. Lê Thị Thùy Vân cho rằng, trong ngắn hạn, tiếp tục thực hiện bảo hiểm rủi ro thiên tai lồng ghép với các chương trình bảo hiểm do Nhà nước định hướng xây dựng (như bảo hiểm nông nghiệp) và triển khai các sản phẩm bảo hiểm truyền thống hiện có với rủi ro thiên tai là rủi ro bổ sung, phát triển bảo hiểm tài sản gắn với rủi ro thiên tai. Trong dài hạn, xây dựng sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai (sản phẩm truyền thống hoặc phi truyền thống) áp dụng cho một số loại tài sản, công trình tại các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai với mức độ thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là các tài sản công có giá trị lớn để giảm bớt gánh nặng đền bù thiệt hại từ NSNN.
Ngoài ra, cần nghiên cứu thành lập quỹ Giảm rủi ro thiên tai. Quỹ này sẽ trích một phần từ NSNN và từ sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sử dụng cho hoạt động dự báo thiên tai, đào tạo cán bộ cũng như cứu trợ đồng bào trong và sau khi thiên tai xảy ra.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính từ các đối tác, tổ chức quốc tế cho hoạt động bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai...