Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ Nhà nước:
Thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Chia sẻ về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2017 và xây dựng chương trình công tác năm 2018, ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ Nhà nước (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cho biết: Trong thời gian tới và nhất là trong năm 2018, Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch công tác được giao, góp phần vào thành tích chung của toàn ngành Dự trữ.
Đa dạng, phong phú các hoạt động nghiên cứu khoa học
Để đáp ứng được nhiệm vụ của ngành Dự trữ, năm 2017, Trung tâm đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và đã nghiệm thu trong năm 2017 đề tài “Nghiên cứu giải pháp kéo dài thời hạn lưu kho đối với gạo dự trữ quốc gia (DTQG) bảo quản trong môi trường khí Nitơ trên 98%”; Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đánh giá sự phù hợp và hiệu quả kinh tế của công nghệ bảo quản thóc DTQG do Trung quốc chuyển giao”.
Ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ Nhà nước: |
Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện 01 đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu bảo quản thóc đóng bao trong môi trường bổ sung khí Nitơ với thời gian bảo quản 36 tháng tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong bảo quản thóc DTQG”. Đặc biệt, hiện nay, đề tài đã triển khai thực hiện bảo quản thóc được 30 tháng tại Chi Cục DTNN Việt Yên, Cục DTNN khu vực Hà Bắc, các chỉ tiêu cơ lý và hóa sinh được phân tích đảm bảo chất lượng tốt kéo dài trên 36 tháng.
Trong công tác thử nghiệm, kiểm định hiệu chuẩn, Phòng VILAS 628 của Trung tâm thực hiện kiểm định và hiệu chuẩn máy đo độ ẩm hạt cho 09 Cục DTNN khu vực: Thái Bình, Hà Bắc, Hoàng Liên Sơn, Hải Hưng, Hải Phòng, Bắc Tây Nguyên, Bắc Thái, Hà Nội, Vĩnh Phú. Cấp phiếu kết quả dán tem kiểm định và hiệu chuẩn cho 100 máy đo độ ẩm.
Tháng 5/2017, Phòng VILAS 628 đã được Văn phòng công nhận chất lượng tiến hành đánh giá giám sát, kết quả chuyên gia đánh giá đề nghị Văn Phòng công nhận chất lượng đảm bảo yêu cầu hoạt động theo quy định của Pháp luật.
Đáng chú ý, Trung tâm đã thực hiện việc thử nghiệm thóc, gạo nhập năm 2017 phục vụ công tác kiểm tra theo yêu cầu của Tổng cục, hoàn thành việc làm mẫu và cấp phiếu kết quả thử nghiệm cho 632 mẫu (432 mẫu gạo, 200 mẫu thóc) đảm bảo tiến độ theo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025; Cấp kết quả thử nghiệm cho 03 mẫu gạo của Vụ DTNN Lào và mẫu các đề tài nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, Trung tâm hỗ trợ Cục Hoàng Liên Sơn kiểm tra chất lượng gạo nhập kho theo QCVN 06: 2011/BTC, Trung tâm đã cử cán bộ tham gia lấy mẫu phân tích chất lượng, cấp phiếu kết quả cho từng xe hàng đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn và hướng dẫn kỹ thuật, thủ kho kiểm tra gạo nhập kho.
Song song với các hoạt động trên, Trung tâm đặc biệt rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trong năm 2017, Trung tâm đã mở được 03 lớp bồi dưỡng ngạch với 217 học viên tham gia; mở 01 lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ cơ quan, kho dự trữ. Bên cạnh đó, còn xây dựng chương trình bồi dưỡng công chức, viên chức tập sự đã ban hành tại Quyết định số 663/QĐ-TCDT ngày 03/11/2017 và thực hiện biên soạn tài liệu công chức, viên chức tập sự…
Các hoạt động khác như: Tổ chức hành chính; tài chính kế toán; cải tạo sửa chữa nhà đa năng; thường xuyên cập nhật và phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước theo quy định; Xây dựng quy tắc ứng xử nơi công sở... cũng được Trung tâm đẩy mạnh triển khai.
Tập trung vào 3 nhiệm vụ chính
Trao đổi về chương trình công tác năm 2018, ông Phan Anh Tuấn cho biết: Đơn vị sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Công tác nghiên cứu khoa học; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ; công tác tổ chức hành chính. Trong công tác nghiên cứu khoa học, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện Đề tài “Nghiên cứu đề xuất điều kiện bảo quản và thời gian lưu mẫu tối đa phục vụ cho công tác lưu mẫu, kiểm tra, thanh tra chất lượng thóc gạo” bằng nguồn tự chủ của đơn vị để có căn cứ cho việc lưu mẫu và dự kiến tiết kiệm chi phí bảo quản mẫu như hiện nay.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, triển khai lĩnh vực thử nghiệm, hiệu chuẩn, không ngừng nâng cao tay nghề của nhân viên thử nghiệm để phân tích mẫu đáp ứng cho hoạt động quản lý chất lượng thóc gạo nhập kho 2018 theo yêu cầu của Tổng cục, đồng thời, mở rộng phòng thử nghiệm với những mặt hàng cứu hộ (nhà bạt, phao áo, phao tròn) do Tổng cục trực tiếp quản lý.
Trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, Trung tâm xác định tổ chức thực hiện tốt các lớp bồi dưỡng được Tổng cục giao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; Đề xuất với Tổng cục (Vụ Tổ chức cán bộ) kế hoạch thời gian mở các lớp bồi dưỡng ngạch trong năm 2018 để các đơn vị có thời gian cân đối và bố trí cán bộ công chức tham gia.
Về công tác tổ chức hành chính, theo ông Phan Anh Tuấn, Trung tâm sẽ thực hiện công tác chuyên môn của phòng, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động của đơn vị. Sắp xếp, bố trí lao động hợp lý và sử dụng có hiệu quả năng lực của cán bộ, viên chức trong đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, sẽ bố trí tốt công tác hậu cần phục vụ tuyển dụng công chức Tổng cục DTNN, thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn tự chủ với trách nhiệm dân chủ, công khai minh bạch trong quản lý tài sản, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được giao.