Dừng cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam

PV.

Đó là quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý ngày 25/7.

Rà soát lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép doanh nghiệp nhập phế liệu. Nguồn: Internet
Rà soát lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép doanh nghiệp nhập phế liệu. Nguồn: Internet
Tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam thời gian qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Tại các cảng hiện còn tồn đọng nhiều container phế liệu nhập khẩu. Theo quy định của Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 9/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về môi trường.
Tuy nhiên, vẫn có các doanh nghiệp lợi dụng khai sai về tên hàng, mã số hàng hóa để gian lận về chính sách nhập khẩu hoặc sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất giả trong việc làm thủ tục hải quan.
Đại diện các bộ, ngành có cùng ý kiến cho rằng, cần tăng cường quản lý, chấn chỉnh tình trạng nhập khẩu như hiện nay dù nhu cầu về phế liệu như giấy vụn, nhựa để làm nguyên liệu là có thật, điều này tuy có mang lại lợi ích về kinh tế cho nhà sản xuất trước mắt, nhưng sẽ gây tác hại cho môi trường về lâu dài.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ liên quan tiếp thu ý kiến để ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu được đánh giá là nghiêm trọng, nhất là số phế liệu nhập về đang tồn đọng tại các cảng hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc, đồng thời, tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn phế liệu vào Việt Nam, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống nhân dân.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã phân công trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương, các bộ liên quan xử lý tiêu hủy, di dời các container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển.

Thủ tướng nêu rõ, cần điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng; Làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe; Rà soát lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép doanh nghiệp nhập phế liệu.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra việc cấp phép thời gian qua, xử lý nghiêm cán bộ, doanh nghiệp vi phạm.  Đồng thời, làm rõ tác động từng sản phẩm phế liệu, từ đó, nêu rõ cơ sở cần thiết để có danh mục phế liệu đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để nhập vào Việt Nam với tinh thần là giảm danh mục tối đa, tránh tình trạng “lợi bất cập hại” do nhập phế liệu vào Việt Nam. Bộ Công Thương cũng phải kiểm tra lại vấn đề tạm nhập tái xuất phế liệu...

Trước đó, ngày 13/6, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tăng trường rà soát, siết chặt mọi hoạt động nhập phế liệu vào Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động mua bán, chế biến phế liệu nhằm đảm bảo an toàn môi trường. Trường hợp vượt thẩm quyền, các bộ cần kịp thời báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5/2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (đạt hơn 16.900 tỷ đồng). Hiện, Việt Nam nhập khẩu phế liệu nhiều nhất của Nhật Bản, với hơn 546.000 tấn, đạt giá trị kim ngạch 200 triệu USD, thị trường thứ 2 là Hoa Kỳ, với lượng nhập phế liệu sắt thép vào khoảng 389.000 tấn, kim ngạch 138 triệu USD.