Duy trì đà xuất siêu

Theo baocongthuong.com.vn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý III/2016, cả nước đã xuất siêu 2,17 tỷ USD. Với đà tăng xuất siêu liên tục từ đầu năm đến nay, dự kiến năm 2016 nước ta vẫn duy trì mức xuất siêu.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 128,2 tỷ USD.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 128,2 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa trong tháng 9 ước đạt 15 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng 8. Tuy vậy, tính chung 9 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK ước đạt 128,2 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 37 tỷ USD, tăng 5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 91,2 tỷ USD, tăng 7,4%. Xuất siêu của cả nước đạt 2,17 tỷ USD.

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước diễn ra mới đây, bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, “điểm sáng” trong bức tranh XK 9 tháng qua chính là mức xuất siêu được duy trì tương đối ổn định. Xuất siêu đã góp phần ổn định sản xuất, ổn định thị trường tiền tệ và nền kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế trong nước duy trì tăng trưởng kim ngạch XK sau một thời gian dài gặp khó, thậm chí tăng trưởng âm là kết quả đáng ghi nhận.

Xét về các nhóm hàng, trong hoàn cảnh khó khăn chung, một số ngành hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Đơn cử, rau quả giữ vị trí top đầu trong nhóm hàng nông sản với mức tăng 31% sau 9 tháng. Năm nay, rau quả đang tràn trề hy vọng khi lần đầu tiên vượt qua gạo về kim ngạch XK.

Tuy nhiên, nhìn chung, XK vẫn gặp nhiều khó khăn, do giá của hầu hết các mặt hàng XK đều giảm. Trong nhóm hàng nông - lâm - thủy sản, hai mặt hàng chủ lực là gạo và sắn đều suy giảm cả về giá và lượng. Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản vẫn tiếp đà giảm sâu từ vài năm gần đây. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chỉ tăng 8,5% sau 9 tháng...

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, năm 2016 khó đạt mục tiêu tăng trưởng XK 10%, cần phải đi sâu đánh giá con số tăng trưởng đã đạt được. Ví dụ, trong 9 tháng, tăng trưởng XK cả nước chỉ đạt 6,7%, nhưng nếu so với mức tăng trưởng âm của Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia thì đây là kết quả đáng ghi nhận.

Trước tình hình XK khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 06 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng XK. Cục Xuất nhập khẩu liên tục có các buổi làm việc chuyên đề với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp để tăng trưởng XK đạt mức cao nhất có thể.

Ngoài ra, hàng loạt các giải pháp xúc tiến thương mại lớn đã được Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua như: Tham gia Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO); tổ chức Tuần hàng Việt tại Nhật Bản, Hội chợ hàng Hà Nội tại Matxcova (Nga)…, giúp quảng bá hàng hóa Việt tại thị trường ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần xem xét lại cách đăng ký chỉ tiêu XK hàng năm. Bởi nếu các doanh nghiệp đã hoạt động hết công suất, mức tăng trưởng cũng đạt “đỉnh” thì không thể đăng ký tăng trưởng kim ngạch XK 10% đều đặn hàng năm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: 


Xúc tiến thương mại là giải pháp dài hơi và kết quả luôn có độ trễ nhất định. Có thể năm nay tổ chức nhưng năm sau hàng hóa mới có thể bám rễ vào thị trường. Cho nên, giải pháp quan trọng vẫn là phát huy nội lực của doanh nghiệp và nền kinh tế, nỗ lực sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường.