Duy trì thương mại ở mức cân bằng

Theo Nguyễn Hùng/Báo Thời Nay

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, theo Bộ Công thương, có được kết quả xuất khẩu (XK) chín tháng năm 2021 khả quan là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Mặt khác, vấn đề nhập siêu trong những tháng gần đây là không đáng lo, vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu (NK) hàng hóa phục vụ sản xuất, hàng hóa thiết yếu.

Xuất khẩu sẽ khả quan hơn khi các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Phan Thái Sơn
Xuất khẩu sẽ khả quan hơn khi các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Phan Thái Sơn

Xuất siêu 500 triệu USD - tín hiệu tích cực

Theo báo cáo của Bộ Công thương, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2021 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung chín tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD, cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD. 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong chín tháng năm 2021 là do kinh tế thế giới phục hồi nên nhu cầu tăng, các DN của Việt Nam đã tăng lượng NK nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất; giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá NK nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, khiến tăng kim ngạch NK.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá NK, XK lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay. Tháng 6, dịch Covid-19 tác động mạnh đến XK của các DN ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7, 8, 9, dịch tác động mạnh đến XK của các DN tại các tỉnh, thành phố khu vực phía nam.

Hoạt động XK có những thuận lợi khi Việt Nam đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu (XNK) của các DN gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, logistics chưa bình thường trở lại.

Các DN hoạt động trong điều kiện phải bảo đảm phòng, chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng các điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như: cơ khí, điện tử… Quá trình thông quan XK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông - lâm - thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía bắc.

Song, theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, nhập siêu trong những tháng gần đây là không đáng lo, vì Việt Nam chủ yếu NK hàng hóa phục vụ sản xuất, hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt, một tín hiệu tích cực là trong tháng 9/2021, Việt Nam đã xuất siêu 500 triệu USD. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch thì kết quả XK chín tháng năm 2021 là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng DN.

Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong khi đó, Phó Cục trưởng XNK (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho hay, XNK gắn với sản xuất công nghiệp. Quý II, III vừa qua là thời điểm dịch bùng phát mạnh, tác động trực tiếp tới trung tâm sản xuất công nghiệp lớn ở Bắc Ninh, Bắc Giang và 19 tỉnh, thành phố phía nam. Riêng 19 tỉnh, thành phố phía nam chiếm khoảng 45% kim ngạch XNK cả nước. Các địa phương này thực hiện giãn cách xã hội nên tác động tiêu cực tới sản xuất, XK. Nhập siêu đã quay trở lại, tháng 6, tháng 7 có mức nhập siêu lớn, tuy nhiên tới tháng 8 đã giảm và tháng 9 đã quay trở lại xuất siêu.

Ông Trần Thanh Hải phân tích, khoảng cách để chuyển cán cân thương mại từ nhập siêu sang xuất siêu là không quá lớn. Còn khoảng ba tháng cuối năm, nếu không có biến động lớn, hy vọng DN phía nam phục hồi được đà tăng trưởng, thì kết thúc năm 2021, thương mại Việt Nam sẽ duy trì ở mức cân bằng, nếu lạc quan hơn thì có thể xuất siêu. 

Tuy vậy, trong báo cáo, Bộ Công thương đưa ra các con số khá thận trọng. Theo đó, nhu cầu tăng cao vào dịp mua sắm cuối năm là cơ hội đẩy mạnh XK một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, điện tử... Về cán cân thương mại hàng hóa, nếu dịch bệnh được kiểm soát thì XK sẽ được đẩy mạnh trong quý IV. Tuy nhiên, theo chu kỳ, NK quý IV cũng thường tăng cao, do đó dự kiến cả năm NK tăng hơn 20%, nhập siêu khoảng 2 tỷ USD, chiếm 0,63% tổng kim ngạch XK.

Từ nay đến cuối năm, để ngăn chặn đà suy giảm XK do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công thương cho biết, đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường XK, tận dụng tốt nhất lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. 

Đồng thời, Bộ Công thương sẽ tăng cường quản lý XK, NK một số mặt hàng chiến lược; làm việc với phía Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, XK hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

Trên cơ sở sơ bộ tình hình XK những tháng đầu năm, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, Bộ Công thương dự báo, XK cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao (4 - 5%) và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra của Bộ Công thương tại Quyết định số 163/BCT-KH.