ECB nói "không" với nâng trần hỗ trợ thanh khoản cho Hy Lạp

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 13/7 đã quyết định giữ nguyên khung tín dụng trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ Thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp.

Ảnh minh họa. Nguồn: debatingeurope.eu
Ảnh minh họa. Nguồn: debatingeurope.eu

Quyết định trên được đưa ra bất chấp trước đó các nhà lãnh đạo Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí thông qua một thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba trị giá tới 86 tỷ euro cho Hy Lạp để giữ nước này ở lại trong khối.

Theo quyết định của ECB, ngân hàng này sẽ không nâng trần hỗ trợ tín dụng thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp, dù trước đó Athens hy vọng ELA có thể được nâng thêm 2 tỷ euro để hỗ trợ các ngân hàng nước này.

Như vậy, với quyết định của ECB, nhiều khả năng Hy Lạp sẽ phải siết chặt thêm biện pháp kiểm soát lưu thông nguồn vốn được áp dụng từ cuối tháng Sáu ở nước này, như không được chuyển tiền ra nước ngoài và chỉ cho phép rút tối đa 60 euro/người/ngày tại các máy rút tiền tự động.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính Hy Lạp, Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã quyết định tiếp tục đóng cửa các ngân hàng trong nước ít nhất tới ngày 15/7 và Athens sẽ sớm thông báo cụ thể về kế hoạch kiểm soát vốn của mình.

Trong khi đó, mặc dù Eurogroup và Hy Lạp đã đạt thỏa thuận về gói hỗ trợ thứ ba sau cuộc họp kéo dài 17 giờ ở Brussels rạng sáng ngày 13/7, nhưng để có thể thực hiện kế hoạch này, cần tám Quốc hội thành viên của Eurozone thông qua.Trong đó, Nghị viện Đức phải có ý kiến hai lần.

Theo thông báo của Chủ tịch Quốc hội liên bang Đức Norbert Lammert, Quốc hội nước này sẽ biểu quyết việc triển khai các cuộc đàm phán chính thức về gói cứu trợ thứ ba với Hy Lạp vào sáng 17/7 tới. Riêng đối với Hy Lạp, nhân vật chính của chương trình cứu trợ mới, Quốc hội nước này sẽ phải thông qua từ nay đến ngày 15/7 dự thảo thỏa thuận được thông qua hôm 13/7 ở Brussels, theo yêu cầu của phía châu Âu, đồng thời phải khởi động kế hoạch mang tính pháp lý về các nguyên tắc cải cách đã hứa.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết điều kiện đảm bảo để Hy Lạp nhận được khoản cứu trợ thứ ba là trong thời gian tới Athens buộc phải thực hiện một số cải cách then chốt, bao gồm cải cách lương hưu, thị trường hàng hóa và lao động.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker cho rằng thỏa thuận đạt được không cho phép Hy Lạp rời khỏi Eurozone và không nên coi đây là sự nhục nhã của người dân Hy Lạp. Ông nói: “Không có người thắng hay người thua. Tôi nghĩ rằng nhân dân Hy Lạp đã rất khiêm nhường. Và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác cũng đã giữ thể diện”.

Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho rằng Hy Lạp cần tiếp tục chương trình tư nhân hóa.

Liên quan đến thỏa thuận cứu trợ tài chính mới dành cho Hy Lạp, một số nước thành viên, điển hình là Cộng hòa Czech (Séc) đã bày tỏ ý định không muốn cho Athens vay tiền, bất chấp kỳ vọng của các thị trường về việc lãnh đạo các nước Hy Lạp, Pháp, Đức và EU đã đạt “thỏa hiệp” giúp Athens tránh phá sản và rời khỏi Eurozone.

Tuy nhiên, Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem đã xác nhận rằng trường hợp với Hy Lạp cũng tương tự như với Bồ Đào Nha và Ireland, cam kết cho Athens vay ngắn hạn liên quan đến tất cả các nước thành viên EU, trong đó Cộng hòa Czech sẽ phải bảo đảm 1,13% khoản vay ngắn hạn nói trên./.