Hy Lạp đổ vỡ từ liên kết tiền tệ:
Bài học bổ ích với ASEAN
Cho đến nay, liên minh tiền tệ (với chính sách tiền tệ chung và sử dụng đồng tiền chung duy nhất) là cấp liên kết khu vực cao nhất và mới chỉ Eurozone có được cấp liên kết này. Chính vì vậy, việc Hy Lạp - quốc gia Eurozone đầu tiên vỡ nợ, đã chỉ ra bài học sâu sắc đối với các tổ chức liên kết khu vực khác, rằng luôn phải có sự cân bằng giữa lợi ích khu vực và quốc gia.
Hy Lạp vỡ nợ do đâu?
Nhiều phân tích được đưa ra để lý giải về tình trạng vỡ nợ của Hy Lạp, một quốc gia đang phải gánh số nợ 270 tỷ euro, bằng 190% GDP. Chính phủ ở Athens bị đổ lỗi đầu tiên với những cáo buộc như chi tiêu ồ ạt, lãng phí, thiếu hiệu quả, quản lý nợ công lại yếu kém, thiếu minh bạch. Nhưng nhìn kỹ còn thấy rằng, một quốc gia nếu liên kết kinh tế, tài chính không lượng sức mình thì không thể không trả giá.
Ngay sau EU thực hiện liên minh chính trị, liên minh tiền tệ được thiết lập - tức Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với 19 nước thành viên, ra đời.
Eurozone là liên minh tiền tệ duy nhất cho tới nay với các tiêu chí chung như: tỷ lệ lạm phát tối đa cao hơn 1,5% so với trung bình ba quốc gia thành viên có mức lạm phát tốt nhất; tỷ lệ thâm hụt ngân sách chính phủ hằng năm dưới 3% GDP; tỷ lệ tổng nợ chính phủ dưới mức tương đương 60% GDP; lãi suất dài hạn danh nghĩa thấp hơn 2% trung bình ba quốc gia thành viên có mức lãi suất thấp nhất...
Liên minh Kinh tế và Tiền tệ sử dụng các biện pháp này, được gọi là Quy chế ổn định và tăng trưởng (SGP), để giám sát các hoạt động kinh tế các nước thành viên và xây dựng các chính sách phù hợp.
Các nước thành viên, trong đó có Hy Lạp, phải tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn này để bảo đảm sự ổn định của Eurozone. Tuy nhiên, SGP chỉ áp dụng trong những tình huống bình thường, hơn nữa EU không phải là một quốc gia.
Vì vậy, những điều kiện của SGP đối với Hy Lạp đang khó khăn về tài chính sẽ càng khiến tình trạng của họ trở nên trầm trọng hơn. Chẳng hạn, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển và 6 thành viên mới của EU không tham gia Eurozone, một trong những lý do là họ muốn giữ chính sách tài khóa riêng - chỉ số cơ bản của chủ quyền kinh tế quốc gia.
Khi tham gia đồng tiền chung, quốc gia đó phải chuyển giao chính sách tài khóa độc lập cũng như sự tự do kinh tế chính trị của mình cho tổ chức siêu quốc gia, điều này dẫn đến các nước thành viên mất khả năng thực hiện chính sách tài chính cần thiết để kích thích nền kinh tế khi xảy ra khủng hoảng.
Đây là thực tế và là vấn đề cơ bản của những khó khăn hiện nay giữa Hy Lạp và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - định chế tài chính siêu quốc gia trong khu vực.
Lời nhắc nhở nghiêm túc
Theo chuyên gia Kiki Verico thuộc Đại học Kinh tế Indonesia, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp như một lời nhắc nhở nghiêm túc cho ASEAN và các nước trong khu vực Đông Nam Á khi ý tưởng về một đồng tiền chung một lần nữa đứng trước sự lựa chọn để bảo đảm cho các quốc gia tránh “mối nguy hiểm về đạo đức” do không có sự “bảo hiểm toàn bộ” trong thế giới của hội nhập kinh tế.
Rõ ràng liên minh tiền tệ và đồng tiền chung không nhất thiết có trách nhiệm bảo vệ các quốc gia thành viên khỏi các cuộc khủng hoảng tài chính, bởi giải pháp cuối cùng dựa trên năng lực của từng nước. Do đó, cuộc khủng hoảng tài chính, cho dù đến từ sự bất ổn toàn cầu hay khu vực, phải được quản lý thông qua hợp tác khu vực và nỗ lực của từng nước.
Một bài học kinh nghiệm trong cuộc chiến chống khủng hoảng kinh tế là luôn phải cân bằng giữa lợi ích khu vực và quốc gia. Đối với ASEAN, có ít nhất năm bài học cốt lõi cần phải được rút ra từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp.
Thứ nhất, một liên minh tiền tệ chỉ hiệu quả nếu như tỷ giá hối đoái của một nước có lạm phát cao được neo vào một loại tiền tệ lạm phát thấp, một cơ chế được gọi là lợi thế “buộc tay người”.
Thứ hai, di chuyển lao động được sử dụng như các yếu tố điều chỉnh trước những cú sốc tiền tệ. Như đã thấy trong trường hợp gần đây của EU, người Hy Lạp thất nghiệp không thể tự do tìm việc ở các nước thành viên EU khác.
Thứ ba, một nền kinh tế mở, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, không có nghĩa sẽ giúp nền kinh tế ổn định hơn mà trên thực tế khiến nó tiếp xúc nhiều hơn với các cú sốc bên ngoài.
Thứ tư, tăng nguồn thu thuế tại quốc gia có nền kinh tế phát triển để cân bằng và tăng dịch chuyển sang quốc gia có nền kinh tế đang trên đà suy thoái, kết quả là ngân sách khu vực sẽ được cân bằng. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng do khu vực bao gồm những quốc gia khác nhau.
Thứ năm, cần phải có một tương quan tích cực về hội nhập tiền tệ khu vực và các lĩnh vực khác để giảm chi phí điều chỉnh trước bất kỳ một cuộc khủng hoảng tiền tệ nào.
Những gì mà EU và Hy Lạp đối mặt ngày hôm nay có thể sẽ là những vấn đề tương lai của ASEAN khi tổ chức trở thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một bước chuyển đổi quan trọng từ giai đoạn hội nhập cơ bản đến hội nhập tiền tệ.
Các nước ASEAN cần phải chuẩn bị hành động chiến lược trong ngắn hạn để ngăn chặn những tác động bên ngoài từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp và sự bất ổn của đồng euro, tránh đi vào “vết xe đổ” hiện nay của Hy Lạp và Eurozone.