EU đưa ra quy tắc trách nhiệm pháp lý mới đối với sản phẩm và AI
Mới đây, Ủy ban châu Âu đã thông qua hai đề xuất liên quan đến các Chỉ thị mới nhằm điều chỉnh các quy tắc trách nhiệm pháp lý phù hợp với thời đại kỹ thuật số, nền kinh tế tuần hoàn và tác động của chuỗi giá trị toàn cầu. Mục đích là để bảo vệ người tiêu dùng cũng như thúc đẩy đổi mới. Được biết, đề xuất của Ủy ban sẽ cần được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua trong thời gian tới.
Theo ec.europa.eu, đề xuất thứ nhất hiện đại hóa các quy tắc hiện hành về trách nhiệm nghiêm ngặt của nhà sản xuất đối với các sản phẩm bị lỗi (từ công nghệ thông minh đến dược phẩm). Các quy tắc sửa đổi sẽ mang lại cho các doanh nghiệp sự chắc chắn về mặt pháp lý để họ có thể đầu tư vào các sản phẩm mới và sáng tạo, đồng thời bảo đảm rằng các nạn nhân có thể được bồi thường công bằng khi các sản phẩm bị lỗi, bao gồm cả sản phẩm kỹ thuật số và tân trang, gây hại.
Ở đề xuất thứ hai, lần đầu tiên Ủy ban nói đến sự hài hòa có mục tiêu các quy tắc trách nhiệm quốc gia đối với AI (trí tuệ nhân tạo), giúp các nạn nhân của thiệt hại liên quan đến AI dễ dàng nhận được bồi thường hơn. Phù hợp với các mục tiêu của Sách trắng về AI và đề xuất về Đạo luật AI năm 2021 của Ủy ban, các quy tắc mới sẽ bảo đảm rằng nạn nhân được hưởng lợi từ các tiêu chuẩn bảo vệ tương tự khi bị các sản phẩm hoặc dịch vụ AI làm tổn hại.
Chỉ thị về trách nhiệm sản phẩm
Chỉ thị về trách nhiệm sản phẩm đã được sửa đổi, phù hợp với quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ thị hiện đại hóa và củng cố các quy tắc đã được thiết lập tốt hiện nay, dựa trên trách nhiệm nghiêm ngặt của các nhà sản xuất, đối với việc bồi thường thương tích cá nhân, thiệt hại tài sản hoặc mất dữ liệu do các sản phẩm không an toàn, từ ghế làm vườn đến máy móc tiên tiến.
Nó bảo đảm các quy tắc công bằng cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng bằng cách: Hiện đại hóa các quy tắc trách nhiệm pháp lý cho các mô hình kinh doanh nền kinh tế tuần hoàn bằng cách bảo đảm rằng các quy tắc đó rõ ràng và công bằng cho các công ty sửa đổi cơ bản sản phẩm; Hiện đại hóa các quy tắc trách nhiệm pháp lý đối với các sản phẩm trong thời đại kỹ thuật số: cho phép bồi thường thiệt hại khi các sản phẩm như robot, máy bay không người lái hoặc hệ thống nhà thông minh trở nên không an toàn bởi các bản cập nhật phần mềm, các dịch vụ AI và kỹ thuật số cần thiết để vận hành sản phẩm cũng như khi các nhà sản xuất không giải quyết được các lỗ hổng bảo mật mạng; Tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa các nhà sản xuất EU và ngoài EU: khi người tiêu dùng bị thiệt hại do các sản phẩm không an toàn nhập khẩu từ bên ngoài EU, họ sẽ có thể yêu cầu nhà nhập khẩu hoặc đại diện của nhà sản xuất tại EU để được bồi thường; Đặt người tiêu dùng bình đẳng với nhà sản xuất: bằng cách yêu cầu nhà sản xuất tiết lộ bằng chứng, tạo sự linh hoạt hơn đối với các giới hạn thời gian đưa ra các yêu cầu và giảm bớt gánh nặng chứng minh cho nạn nhân trong các trường hợp phức tạp, chẳng hạn như liên quan đến dược phẩm hoặc AI.
Ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của Ủy ban châu Âu cho biết: “Chỉ thị về trách nhiệm sản phẩm là nền tảng của thị trường nội bộ. Nó sẽ giúp ứng phó tốt hơn với những thách thức trong những thập kỷ tới. Các quy tắc mới sẽ phản ánh chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy sự đổi mới và niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh”.
Chỉ thị về trách nhiệm pháp lý của AI
Mục đích của Chỉ thị về trách nhiệm pháp lý của AI là đặt ra các quy tắc thống nhất để truy cập thông tin, đồng thời giảm bớt gánh nặng chứng minh liên quan đến các thiệt hại do hệ thống AI gây ra, thiết lập sự bảo vệ rộng rãi hơn cho nạn nhân (có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp) và thúc đẩy lĩnh vực AI bằng cách tăng các khoản bảo lãnh.
Nó cũng sẽ hài hòa các quy tắc nhất định đối với các khiếu nại nằm ngoài phạm vi của Chỉ thị về trách nhiệm sản phẩm, trong trường hợp thiệt hại được gây ra do hành vi sai trái. Điều này bao gồm những vi phạm liên quan đến quyền riêng tư hoặc thiệt hại do các vấn đề an toàn gây ra. Chẳng hạn, các quy định mới sẽ giúp nạn nhân dễ dàng nhận được tiền bồi thường hơn nếu bị phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng liên quan đến công nghệ AI…
Chỉ thị đơn giản hóa quy trình pháp lý cho các nạn nhân khi cần chứng minh rằng lỗi của ai đó đã dẫn đến thiệt hại. Ngoài ra, các quy tắc mới còn tạo ra sự cân bằng giữa bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy đổi mới, loại bỏ các rào cản bổ sung để nạn nhân tiếp cận khoản bồi thường, đồng thời đặt ra nhiều bảo đảm cho lĩnh vực AI.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách về giá trị và tính minh bạch, bà Věra Jourová cho biết: “Chúng tôi muốn các công nghệ AI phát triển mạnh ở EU. Để điều này xảy ra, mọi người cần tin tưởng vào các đổi mới kỹ thuật số. Với đề xuất về trách nhiệm dân sự của AI, chúng tôi cung cấp cho người tiêu dùng nhiều công cụ để khắc phục trong trường hợp thiệt hại do AI gây ra, giúp họ có được sự bảo vệ tương tự như với các công nghệ truyền thống. Đồng thời, chúng tôi bảo đảm tính chắc chắn về mặt pháp lý cho thị trường nội bộ của EU”.
Trong khi đó, Ủy viên Tư pháp, Didier Reynders chia sẻ: “Trong khi xem xét tiềm năng to lớn của các công nghệ mới, chúng tôi phải luôn bảo đảm sự an toàn của người tiêu dùng. Các tiêu chuẩn bảo vệ phù hợp đối với công dân EU là cơ sở cho sự tin tưởng của người tiêu dùng và nhờ đó đổi mới thành công. Các công nghệ mới như máy bay không người lái hoặc dịch vụ giao hàng do AI vận hành chỉ có thể hoạt động khi người tiêu dùng cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Chúng tôi muốn khung pháp lý phù hợp với thực tế của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số”.
Giới chức châu Âu đề xuất, 5 năm sau khi Chỉ thị về trách nhiệm pháp lý của AI có hiệu lực, Ủy ban sẽ đánh giá sự cần thiết của các quy tắc trách nhiệm đối với các khiếu nại liên quan đến AI nếu cần thiết.
Bối cảnh phát triển
Các quy định hiện hành của EU về trách nhiệm sản phẩm, dựa trên trách nhiệm nghiêm ngặt của các nhà sản xuất, đã gần 40 năm tuổi. Các quy tắc hiện đại về trách nhiệm pháp lý rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, đặc biệt là để thích ứng với các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo. Điều này nhằm cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp và bảo đảm người tiêu dùng được bảo vệ tốt trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Trong Hướng dẫn chính trị của mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa ra cách tiếp cận phối hợp của châu Âu về AI. Ủy ban cam kết thúc đẩy sự hiểu biết, cũng như giải quyết toàn diện các rủi ro liên quan đến việc sử dụng và các thiệt hại tiềm ẩn của AI. Điều này đã được đưa vào Sách trắng về AI ngày 19/2/2020. Bên cạnh đó, trong báo cáo về trách nhiệm pháp lý của AI kèm theo Sách trắng, Ủy ban xác định những thách thức cụ thể do AI đặt ra đối với các quy tắc trách nhiệm hiện hành.
Ủy ban cũng thông qua đề xuất của mình cho Đạo luật AI, trong đó đưa ra các quy tắc chiều ngang về trí tuệ nhân tạo, tập trung vào việc ngăn ngừa thiệt hại, vào tháng 4/2021. Đạo luật AI là sáng kiến hàng đầu để bảo đảm an toàn và đáng tin cậy của các hệ thống AI có rủi ro cao được phát triển và được sử dụng ở EU. Nó sẽ bảo đảm an toàn và các quyền cơ bản của người dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường sự tiếp thu, đầu tư và đổi mới của AI.
Có thể nói, cùng với việc sửa đổi Chỉ thị về trách nhiệm sản phẩm, những sáng kiến này bổ sung cho nỗ lực của Ủy ban châu Âu nhằm làm cho các quy tắc trách nhiệm pháp lý phù hợp với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh.