EU tìm cách lôi kéo các "đồng minh" của Trung Quốc


Nghe có vẻ ngược đời, nhưng châu Âu đang phải tìm cách lôi kéo các “sân sau” của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đặt dấu ấn mạnh mẽ trên nhiều nơi trên thế giới.

EU đang "âm thầm" lên kế hoạch cạnh tranh ảnh hưởng quốc tế với Trung Quốc
EU đang "âm thầm" lên kế hoạch cạnh tranh ảnh hưởng quốc tế với Trung Quốc

Theo tài liệu mà Politico có được mới đây, các quan chức hàng đầu EU đã tổ chức một cuộc họp bí mật để lên kế hoạch nhằm gia tăng ảnh hưởng tại Brazil, Chile, Nigeria và Kazakhstan.

Nhắm vào “đồng minh” quan trọng của Trung Quốc

Dễ thấy rằng, đây đều là những “chốt chặn” về tài nguyên thiên nhiên cho nền kinh tế tương lai. Nếu Brazil, Chile và Nigeria là các quốc gia có nền kinh tế phát triển trong khu vực với tài nguyên khoáng sản dồi dào, thì Kazakhstan lại nắm giữ những mỏ dầu lớn ở Trung Á.

Đây đều là những khu vực mà Trung Quốc đã ít nhiều để lại dấu ấn trong suốt những năm qua, khi Mỹ và phương Tây mải mê theo đuổi các khu vực khác như Trung Đông và Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

Trung Quốc hiện là đối tác hàng đầu của khu vực Mỹ La-tinh. Trong giai đoạn 2002 - 2020, thương mại của Bắc Kinh với khu vực tăng 8 lần, từ 788 triệu USD lên 7,1 tỷ USD. Trung Quốc cũng là điểm đến của 1/3 khoáng sản khai thác và 1/5 sản lượng nông sản của khu vực.

Trong khi đó, các chính phủ châu Phi từ lâu đã rất ưa thích các khoản vay giá rẻ và dễ dãi của Trung Quốc thông qua BRI. Từ 2000 đến 2019, thương mại của Trung Quốc với lục địa Đen đã tăng hơn 2.000%, đạt 200 tỷ USD. Trung Quốc cũng tài trợ châu Phi 1 tỷ USD để hỗ trợ xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng cần thiết, tạo thuận lợi cho thương mại của lục địa.

Với những dấu ấn sâu đậm như vậy, bất kể Mỹ và phương Tây có muốn “chặt đứt” chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc, thì Bắc Kinh cũng vẫn có những “quân bài” chiến lược đóng vai trò nguồn cung chủ chốt để Bắc Kinh duy trì tham vọng về chất bán dẫn của mình.

Kế hoạch lôi kéo hé lộ “nỗi buồn” của EU

Tập hợp xung quanh mình những quốc gia giàu tài nguyên, Trung Quốc đã khiến Mỹ và châu Âu phải “giật mình” khi nhìn lại liên minh địa kinh tế của mình.

Các đồng minh của Mỹ hầu hết nắm thế mạnh về công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, để cung ứng được các khoáng sản trọng yếu của công nghệ như lithium, mangan, ali, asen và neon, phương Tây khó có thể trông chờ vào nhau nếu tách khỏi Trung Quốc. 

Trong các tài liệu bị rò rỉ, Mỹ Latinh được coi là khu vực được EU ưu tiên nhất, với hai trụ cột là Brazil và Chile.

Một quan chức cấp cao của EU nói với tờ Politico: “Đa số các nhà lãnh đạo của khối tin chắc chắn rằng Mỹ Latinh và Caribe là một chìa khóa.” Theo ông này, một lợi thế lớn của EU là khu vực này chia sẻ rộng rãi “các nguyên tắc dân chủ của phương tây”, cũng như niềm tin “phải duy trì hệ thống đa phương”.

Kế hoạch của EU là đẩy mạnh hợp tác với Brazil về mặt thương mại, bao gồm nỗ lực khôi phục lại thỏa thuận MERCOSUR với các quốc gia Nam Mỹ mà Brazil là trọng tâm. Mặc dù là người theo đường lối cảnh tả, nhưng tân Tổng thống của quốc gia Nam Mỹ, Luiz Inácio Lula da Silva, sẵn sàng mở cửa hợp tác với các bên, bao gồm cả EU.

Chính phủ mới đang nỗ lực nâng tầm Brazil lên thành một “tác nhân toàn cầu” được coi trọng, trong đó cần một nền thương mại quốc tế mạnh mẽ. Nước này cũng được cho là không muốn phụ thuộc vào Nga và Belarus về phân bón – một lĩnh vực mà EU có lợi thế, hay muốn EU tập trung hỗ trợ về “chuyển đổi xanh và kỹ thuật số”.

Với Chile, mặc dù nhà lãnh đạo cánh tả Gabriel Boric mới lên cầm quyền, nhưng các đánh giá của EU cho rằng họ có thể coi Chile là một “đồng minh” về các chính sách xanh và vấn đề Ukraine. Do đó, EU đang nghiên cứu hoàn thiện một thỏa thuận kinh tế EU-Chile với thuế quan được cắt giảm.

Với Kazakhstan, EU đang tìm cách giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt với quốc gia này do vận chuyển dầu Nga. Đồng thời, Brussels có thể lôi kéo quốc gia Trung Á qua một số nhu cầu của nước này như: miễn thị thực, hợp tác hàng không, xuất khẩu dầu. Trong khi đó, EU cũng đang nghiên cứu nhu cầu của Nigeria trong lĩnh vực di cư, thị thực, năng lượng.

Những nỗ lực này nhiều khả năng sẽ khó thay thế được ảnh hưởng của Bắc Kinh, nhưng ít nhất nó cho thấy một chiến lược đối ngoại nghiêm túc của EU trước sức mạnh của Trung Quốc.

“Trong thời đại địa kinh tế hiện nay, EU sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến an ninh kinh tế. Điều này sẽ yêu cầu tất cả các công cụ hiện có một cách chiến lược hơn”, một quan chức cấp cao của EU nói với Politico.

Một nhà ngoại giao khác cho biết, “Thật tốt khi khối đang tập hợp lại thành một chiến lược có phần chặt chẽ. Mục đích cuối cùng là đề xuất các giải pháp thay thế có thể hấp dẫn hơn những gì Trung Quốc đưa ra.”

Theo Trường Đặng/Diendandoanhnghiep.vn