Fed đang hướng nhiều hơn đến việc nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát
Trái với kỳ vọng của thị trường, trong cuộc họp gần nhất, dù đã nâng lãi suất với mức độ nhẹ tay hơn nhưng quan chức Fed vẫn nói nhiều đến việc sẽ vẫn quyết tâm kiềm chế lạm phát.
Trái với kỳ vọng của thị trường, trong cuộc họp gần nhất, dù đã nâng lãi suất với mức độ nhẹ tay hơn nhưng quan chức Fed vẫn nói nhiều đến việc sẽ vẫn quyết tâm kiềm chế lạm phát.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp gần đây nhất phát đi thông điệp rằng có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm đi, tuy nhiên không đủ để làm giảm đi yêu cầu bức thiết của việc cần phải tăng lãi suất, theo biên bản cuộc họp công bố vào ngày thứ Tư.
Dù rằng cuộc họp vào ngày 31/1 và 1/2/2023 đã kết thúc với việc nâng lãi suất ở mức độ thấp hơn các lần trước tính từ đầu năm 2022, các quan chức nhấn mạnh rằng nỗi lo về lạm phát cao của họ còn lâu mới qua.
Lạm phát hiện vẫn ở trên ngưỡng mục tiêu 2% của Fed, biên bản cuộc họp nhấn mạnh. Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường lao động vẫn còn quá thiếu nguồn cung, đồng thời nó tạo ra áp lực lớn hơn lên lương thưởng và giá cả.
Nhìn chung, Fed chấp thuận nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đây là lần nâng lãi suất ở mức độ thấp nhất từ khi chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ bắt đầu. Lãi suất cơ bản đồng USD hiện ở mức 4,5% đến 4,75%. Biên bản cuộc họp cho thấy rằng việc tốc độ điều chỉnh lãi suất được giảm đi, nó vẫn tạo ra nỗi lo rằng lạm phát thực sự là mối họa.
“Các thành viên của Fed nhấn mạnh rằng số liệu lạm phát trong 3 tháng qua cho thấy tốc độ tăng của giá cả giảm đi, tuy nhiên cũng khẳng định sẽ cần thêm bằng chứng cho thấy cần phải có một sự giảm giá hàng hóa trên diện rộng để có thể tin lạm phát đang thực sự đi xuống”, biên bản cuộc họp nhấn mạnh.
Biên bản cuộc họp cũng nhấn mạnh rằng các thành viên tin những đợt nâng lãi suất lần tới là hoàn toàn cần thiết.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm sau khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố còn lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ lấy lại phần lớn mức sụt giảm trong phiên.
Một vài thành viên trong ban điều hành Fed cho biết rằng họ muốn nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, một điểm cơ bản tương đương 0,01%.
Tính từ cuộc họp lần này, chủ tịch Fed tại St. Louis – ông James Bullard và chủ tịch Fed tại Cleveland – bà Loretta Meste đã nói rằng họ thuộc nhóm muốn nâng lãi suất mạnh tay hơn nữa. Biên bản cuộc họp tuy nhiên không nói đến việc có bao nhiêu thành viên thuộc Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) muốn nâng lãi suất nửa điểm phần trăm.
Theo TTXVN, tình trạng cắt giảm việc làm vẫn tiếp tục tại một số tập đoàn lớn nhất của Mỹ, nhưng số khác vẫn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, do những tác động của đại dịch.
Các tập đoàn công nghệ Meta, Amazon và Microsoft, cùng với các công ty, từ Disney tới Zoom, đã thông báo cắt giảm lao động trong vài tuần qua.
Theo một báo cáo của công ty hỗ trợ tìm việc Challenger, Gray & Christmas, các công ty tại Mỹ đã cắt giảm tổng cộng gần 103.000 việc làm trong tháng Một, nhiều nhất kể từ tháng 9/2020.
Amazon trong tháng trước thông báo sẽ cắt giảm 18.000 việc làm. Lực lượng lao động của tập đoàn này là 1,54 triệu người vào cuối năm 2022, gần gấp đôi con số vào cuối năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.
Trong khi đó, Microsoft cho biết sẽ cho nghỉ việc 10.000 người, tương đương 5% lực lượng lao động. Tập đoàn này có 220.000 lao động tính đến cuối tháng 6/2022, so với mức 144.000 người trước đại dịch.
Trong khi đó, các công ty tuyển dụng 517.000 việc làm trong tháng trước, gần gấp ba lần con số mà các nhà phân tích nhận định.
Tình trạng trên khiến việc dự báo về tình hình kinh tế Mỹ trở nên khó khăn hơn. Chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh và gây bất ngờ cho một số nhà kinh tế, dù vẫn có những trở ngại như lãi suất tăng và lạm phát vẫn cao.
Người phụ trách chiến lược toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management, David Kelly, cho rằng đó là một phần tác động khó lý giải của đại dịch.