Fed giảm bớt kích thích kinh tế từ cuối tháng này
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hôm thứ Tư thông báo cơ quan này sẽ giảm lượng trái phiếu mua vào hàng tháng từ cuối tháng 11, bước đầu tiên hướng tới ngừng trợ giúp thị trường và nền kinh tế ở quy mô lớn như hiện nay.
Lượng trái phiếu mua vào sẽ giảm bớt 15 tỷ USD mỗi tháng, gồm 10 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và 5 tỷ USD chứng khoán có thế chấp, từ mức 120 tỷ USD/tháng, theo tuyên bố của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang.
Ủy ban cho biết động thái này diễn ra “trong bối cảnh nền kinh tế đã có những cải thiện đáng kể hướng tới các mục tiêu Ủy ban đặt ra kể từ tháng 12 năm ngoái”.
Tuyên bố, được nhất trí thông qua, nhấn mạnh Fed không đi theo một lộ trình định sẵn và sẽ thực hiện các điều chỉnh đối với quy trình nếu cần thiết.
Động thái trên phù hợp với dự báo của thị trường sau khi Fed đưa ra một loạt tín hiệu cho thấy họ sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng - chương trình được tăng tốc thực hiện từ tháng 3/2020 để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Thị trường phản ứng tích cực sau thông tin này. Giá cổ phiếu chuyển biến tích cực và lợi suất trái phiếu chính phủ nhích cao hơn.
Cùng với động thái giảm bớt lượng trái phiếu mua vào, Fed thay đổi quan điểm về lạm phát một chút, thừa nhận việc giá cả tăng cao diễn ra nhanh và lâu hơn so với dự báo của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, Fed không rút lại việc sử dụng từ “tạm thời” vốn gây nhiều tranh cãi khi nói đến lạm phát tăng, theo CNBC.
“Lạm phát tăng cao chủ yếu phản ánh các yếu tố được dự báo là tạm thời,” tuyên bố cho biết. “Sự mất cân bằng cung-cầu liên quan đến đại dịch và nền kinh tế mở cửa trở lại đã góp phần làm giá cả tăng khá nhiều ở một số ngành.”
Nhiều người tham gia thị trường đã nghĩ Fed sẽ bỏ từ “tạm thời” do lạm phát liên tục tăng.
Paul Ashworth, kinh tế trưởng về thị trường Mỹ của Capital Economics, viết: “Fed đã công bố mức giảm nới lỏng định lượng, như nhiều người đã dự báo, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng sự gia tăng lạm phát phần lớn là tạm thời, điều này cho thấy những quan chức Fed ủng hộ chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn có ưu thế hơn”.
Nới lỏng định lượng (quantitative easing - QE) là một phương thức ngân hàng trung ương sử dụng để kích thích kinh tế bằng cách mua trái phiếu và các tài sản tài chính khác, nhằm tung thêm tiền vào nền kinh tế để thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng khi các vấn đề về nguồn cung vẫn tồn tại, và sau đó bắt đầu giảm trở lại vào khoảng giữa 2022. “Cơ bản, chúng tôi dự báo tình trạng thắt cổ chai và thiếu hụt chuỗi cung ứng sẽ kéo dài sang năm tới và lạm phát tăng cao cũng sẽ vậy”.
“Khi các nút thắt và sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng do đại dịch giảm bớt, tăng trưởng sẽ đi lên và lạm phát sẽ giảm so với mức cao của ngày hôm nay”.
Tuyên bố của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang cũng lưu ý rằng nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, đặc biệt sau khi các vấn đề về chuỗi cung ứng được giải quyết. “Tiến bộ về tiêm chủng và những hạn chế về nguồn cung bớt đi sẽ giúp hoạt động kinh tế và thị trường việc làm sôi động hơn, và lạm phát sẽ giảm”.
Ủy ban đã bỏ phiếu không tăng lãi suất từ mức neo gần 0, một động thái thị trường đã dự báo. Tuyên bố nhấn mạnh các nhà đầu tư không nên coi việc giảm mua trái phiếu là tín hiệu cho thấy lãi suất sắp tăng.
Powell nói: “Chúng tôi cho rằng chưa đến lúc phải tăng lãi suất. Chúng tôi muốn thấy thị trường lao động phục hồi hơn nữa và có những lý do thuyết phục để nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra khi biến thể Delta giảm đi, và thực tế thị trường lao động đang phục hồi”.
Theo lịch hiện tại, việc giảm mua trái phiếu sẽ kết thúc vào khoảng tháng 7/2022. Các quan chức Fed nói họ cho rằng việc tăng lãi suất sẽ chỉ bắt đầu khi quá trình giảm mua trái phiếu kết thúc, và các dự báo được công bố vào tháng 9 cho thấy khả năng có một lần lãi suất tăng vào năm tới.
Lạm phát Mỹ đã ở mức cao nhất trong 30 năm, do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, nhu cầu tiêu dùng cao và mức lương tăng cao xuất phát từ tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Các quan chức Fed nói lạm phát cuối cùng sẽ quay trở lại mục tiêu 2%, nhưng hiện họ cho rằng điều này có thể mất nhiều thời gian hơn để trở thành hiện thực.
Thứ Sáu tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cho biết lạm phát tháng 9 của Mỹ cao nhất trong hơn 30 năm qua dù thu nhập cá nhân giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9, trong đó có thực phẩm và năng lượng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/1991.
Fed đang đối mặt với tình trạng giá cả tăng cao hơn và tăng trưởng thấp đi. GDP Mỹ chỉ tăng 2% trong quý 3, mức thấp nhất kể từ khi phục hồi kinh tế bắt đầu vào tháng 4/2020 - sự phục hồi từ đợt suy thoái ngắn nhất nhưng sâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.