Formosa cơ bản khắc phục xong các lỗi vi phạm

Theo Anh Bình/nhadautu.vn

Cùng với công tác bồi thường, tích cực đóng góp an sinh xã hội trên địa bàn, trong 3 năm qua, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã chủ động, tích cực, từng bước khắc phục các lỗi vi phạm, đầu tư kinh phí đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý môi trường hiện đại.

Một góc Formosa Hà Tĩnh. Nguồn: internet
Một góc Formosa Hà Tĩnh. Nguồn: internet

Hành trình khắc phục sự cố

Dự án khu liên hợp gang thép của Formosa tại KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh là dự án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay về đầu tư FDI tại Việt Nam với tổng mức đầu tư  11,6 tỷ USD, trên diện tích 3.318 ha (trong đó 2.025 ha đất liền, và 1.293 ha diện tích mặt biển).

Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp thép, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH toàn diện. Dự án khởi công xây dựng năm 2009 và cơ bản hoàn thành việc lắp đặt, vận hành thử các máy móc, thiết bị vào đầu năm 2016.

Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 4/2016, trong quá trình sục rửa đường ống trước khi đi vào vận hành chính thức, FHS đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng và đáng tiếc tại Việt Nam. Trước sự cố này, lãnh đạo Tập đoàn Formosa đã nhận trách nhiệm về sự cố môi trường và xin lỗi người dân và Nhà nước Việt Nam; bồi thường, hỗ trợ cho người dân 4 tỉnh miền Trung.

Cùng với công tác bồi thường, tích cực đóng góp an sinh xã hội trên địa bàn, trong 3 năm qua, FHS đã chủ động tích cực, từng bước khắc phục 53 lỗi vi phạm. Đặc biệt, FHS đã đầu tư bổ sung hệ thống hồ chỉ thị sinh học và ứng phó sự cố, và mời các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trên thế giới để lập phương án chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô. Đây là 2 hạng mục quan trong nhất trong tổng số 53 hạng mục “lỗi” được FHS khắc phục.

Trong chuyến thị sát kiển tra công tác khắc phục sự cố môi trường của FHS vào tháng 7/2018, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những nỗ lực của Formosa trong việc khẩn trương đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục bảo vệ môi trường và công khai các kết quả giám sát nước thải, khí thải cho người dân theo dõi.

Nơi “gác cổng” trước khi xả thải

Để đảm bảo nguồn nước thải khi xả thải ra môi trường đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Bộ TN&MT, FHS đã đầu tư 300 triệu USD xây dựng hồ sinh học để xử lý riêng biệt 2 dòng nước thải sinh hóa và công nghiệp. Sau 1 năm sự cố môi trường, hệ thống này đã được khẩn trương thi công và đưa vào vận hành từ tháng 8/2017.

Hệ thống hồ sinh học bao gồm: hồ sự cố, hồ sau xử lý, bãi lọc trồng cây, hồ chỉ thị sinh học (nuôi cá)... với tổng diện tích khoảng 10ha. Hệ thống được thiết kế làm nhiều bậc để nếu có sự cố về chất độc thì có thể khắc phục, bơm tuần hoàn ngay từ các bậc hồ đầu tiên trở về trạm xử lý nước thải xử lý lại.

Nước thải sau khi đã được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải được đưa vào hồ chỉ thị sinh học môi trường để lưu giữ trong một khoảng thời gian đủ để quan trắc ít nhất 6 ngày, đánh giá tính an toàn bằng chỉ thị sinh học. Qua các thông số quan trắc nếu nguồn nước trong hồ đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì được phép xả thải ra môi trường.

Khi đi vào vận hành, hệ thống hồ sẽ nâng cao khả năng kiểm soát, đảm bảo hiệu quả xử lý ngay cả khi xảy ra sự cố tại các trạm xử lý nước thải, giảm thiểu rủi ro ô nhiễm bởi nước thải, giúp Formosa, ngành chức năng và người dân giám sát một cách chặt chẽ nguồn nước thải ra môi trường.

Hệ thống hồ được giám sát bằng 11 camera, bao gồm: giám sát hồ sự cố sinh hóa, giám sát hồ sự cố công nghiệp, giám sát hồ sau xử lý sự cố công nghiệp, giám sát bãi lọc trồng cây, giám sát bể nuôi cá trong nhà điều hành hệ thống hồ sinh học, giám sát bể nước xả thải tại trạm quan trắc.

Ngoài ra, để người dân được cùng tham gia giám sát, FHS đã lắp đặt màn hình ngoài cổng để công khai hình ảnh nuôi cá, số liệu quan trắc nước thải, khí thải. Cùng với đó là lắp đặt 3 cửa chắn nước mưa (van điện) tại cửa thoát nước mưa. Ngày thường đóng của van để thu gom nước mưa và sẽ thu hồi tái sử dụng.

Theo đánh giá của các tổ chức tư vấn nước ngoài có uy tín trên lĩnh vực môi trường như Atkins của Anh và Veolia của Pháp, công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý chất thải đã được FHS đầu tư bài bản, quy mô, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới.

Kết quả giám sát và kết quả quan trắc tự động, liên tục cho thấy: nước thải, khí thải của FHS đều đạt QCVN quy định. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển khu vực Hòn La, tỉnh Quảng Bình đều đạt quy chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt thông số tổng Phenol và Cyanua thấp hơn rất nhiều lần QCVN quy định (Cyanua < 0,004 mg/l, quy chuẩn là ≤ 0,01 mg/l; Tổng Phenol từ 0,01-0,014 mg/l, quy chuẩn là ≤ 0,03 mg/l).

FHS đã thân thiện với môi trường

Thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên & Môi trường về đảm bảo yếu tố môi trường trong vận hành dự án, FHS phải lần lượt hoàn thành chuyển đổi công nghệ dập cốc từ ướt sang khô (CDQ) số 1 trước tháng 3/2019 và số 2 trước tháng 6/2019.

Ông Dư Khánh Chương – Phó TGĐ FHS cho biết, qua nhiều vòng tuyển chọn công nghệ, FHS đã chọn đối tác cung cấp, lắp đặt thiết bị là Công ty thép Nippon (Nhật Bản) – đơn vị có công nghệ luyện cán thép tiên tiến trên thế giới hiện nay. Đây là công nghệ sản xuất than coke sạch & thu hồi nhiệt đạt các tiêu chuẩn môi trường theo cơ chế phát triển sạch CDM giảm lượng khí thải nhà kính theo Nghị định thư Kyoto. Xét tổng thể, công nghệ này mang lại lợi ích thiết thực trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng và giám khí phát thải CO2.

Theo báo cáo của lãnh đạo FHS, đến nay, tiến độ công trình CDQ đã hoàn thành. Cụ thể, lò CDQ số 1 đã hoàn thành và vận hành thử nghiệm (ngày 20/2). Kết quả phân tích khí thải trong giai đoạn này cho thấy đều phù hợp với tiêu chuẩn kiểm soát quốc gia. Lò CDQ số 2 đã hoàn thành, đang tiếp tục vận hành thử nghiệm, và sẽ đưa vào vận hành chính thức trước 30/6, đáp ứng yêu cầu tiến độ của cơ quan chức năng.

Khi chuyển đổi sang công nghệ CDQ, trong quá trình sản xuất sẽ thu hồi nhiệt than cốc tạo ra hơi nước và sử dụng hơi nước để chạy tua bin hơi phát điện cung cấp lại cho nhà máy. Công suất phát điện đạt 36MW. Đây là nguồn năng lượng sạch, đảm bảo việc chủ động nguồn điện sản xuất và sinh hoạt cho FHS.

Cũng theo đại diện FHS, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát chất lượng xả thải khí thải của xưởng thiêu kết, ngoài hoàn thành lắp đặt các thiết bị xử lý bụi và hệ thống quan trắc tự động liên tục hiện có, FHS đã tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến, chủ động đầu tư, lắp đặt bổ sung hệ thống khử SO2/NOX/Dioxin.

Ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT, Tổ phó Tổ giám sát hoạt động bảo vệ môi trường tại FHS của Bộ TN&MT cho biết, từ sau sự cố môi trường biển tháng 4/2016 đến nay, dưới sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh Hà Tĩnh, sự nỗ lực quyết tâm của FHS, đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của FHS cơ bản đã đảm bảo phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường (BVMT).

Tính đến cuối tháng 7/2017, FHS đã hoàn thành đầy đủ các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải để đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu của Bộ TN&MT. Riêng việc chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, đến nay FHS đã đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống CDQ số 1 từ tháng 3/2019; hệ thống CDQ số 2 đã hoàn thành việc xây dựng, đang chuẩn bị các điều kiện để đưa vào vận hành thử nghiệm trước 30/6/2019 như đã cam kết.

Với những nỗ lực khắc phục các lỗi vi phạm, đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, Formosa đã, đang thực hiện đúng cam kết với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, là trung tâm công nghiệp trong khu vực và cả nước.