FTA: Cơ hội cho xuất khẩu giày dép
Việt Nam nằm trong tốp bốn nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới về giá trị, chỉ sau Trung Quốc. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước và vùng lãnh thổ.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng giày dép các loại của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng liên tục trong 5 năm vừa qua. Cụ thể trong năm 2011 là 6,5 tỷ USD; năm 2012 là 7,3 tỷ USD; năm 2013 là 8,4 tỷ USD; năm 2014 là 10,3 tỷ USD; năm 2015 là 12 tỷ USD và năm 2016 sơ bộ đạt 13 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2015. Như vậy sau 5 năm, kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước đã tăng lên gấp đôi.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, số liệu thống kê của cơ quan này trong nhiều năm qua cho thấy, chu kỳ xuất khẩu của nhóm hàng giày dép thường bắt đầu tăng trưởng vào quý II và đạt mức cao nhất vào quý III. Trong năm 2016, xuất khẩu nhóm hàng giày dép đạt kim ngạch trung bình là 1,08 tỷ USD/tháng.
Hoa Kỳ luôn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng giày dép của Việt Nam. Xuất khẩu nhóm hàng này sang Hoa Kỳ luôn chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép của cả nước và khoảng 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước sang thị trường này.
Riêng trong năm 2016, kim ngạch nhập khẩu giày dép từ Việt Nam của thị trường Hoa Kỳ đạt 4,48 tỷ USD, tăng 10% so với cùng thời gian năm 2015. Ngoài ra các thị trường nhập khẩu khác của nhóm hàng giày dép đều đạt mức tăng trưởng dương trong năm vừa qua. Cụ thể là thị trường Trung Quốc với kim ngạch 904,9 triệu USD, tăng 20%; tiếp theo là thị trường Bỉ với kim ngạch 825,4 triệu USD, tăng 14%; thị trường Đức đạt 764,7 triệu USD, tăng 8,4% và thị trường Nhật Bản đạt 674,9 triệu USD, tăng 12,9%.
Trong giai đoạn những năm gần đây, mặt hàng giày dép luôn nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong năm 2016, nhóm mặt hàng này đạt giá trị xuất khẩu cao thứ tư, sau nhóm điện thoại và linh kiện đạt khoảng 34 tỷ USD; nhóm dệt may đạt hơn 23,8 tỷ USD và nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 19 tỷ USD.
Theo số liệu của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), Việt Nam nằm trong tốp bốn nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới về giá trị, chỉ sau Trung Quốc. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước và vùng lãnh thổ.
Mặc dù nhìn trong chuỗi thời gian dài 5 năm, xuất khẩu giày dép đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên Lefaso cũng lưu ý, trong năm vừa qua mức tăng trưởng xuất khẩu của ngành này chỉ đạt 8,3%, đã thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 10%.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso cho biết, nguyên nhân khiến xuất khẩu giày dép không đạt mức tăng như kỳ vọng là do ngay từ đầu năm 2016, những bất ổn về chính trị, cụ thể là sự kiện Brexit khiến sức tiêu dùng tại thị trường EU, nhất là thị trường Anh chững lại.
Tình trạng suy giảm đơn hàng ở EU không chỉ ảnh hưởng tới sức tăng trưởng của thị trường này, mà còn kéo theo sự suy giảm của toàn ngành. Bên cạnh đó, một số đơn hàng lớn, gia công đơn giản bị dịch chuyển sang Myanmar, Bangladesh cũng khiến đơn hàng bị thiếu hụt nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, năm 2017 xuất khẩu giày dép sẽ có triển vọng tốt hơn nhờ được các Hiệp định thương mại tự do (FTA) “dọn đường”. Đơn cử như FTA giữa Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) sẽ mở rộng cánh cửa thị trường được đánh giá còn nhiều tiềm năng, nhất là thị trường Nga.
Hiện, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Nga còn rất khiêm tốn. Với những ưu đãi hấp dẫn về thuế quan, FTA này sẽ mở đường cho sản phẩm giày dép Việt đi thẳng vào Nga, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian. Đồng thời từ đây sẽ tạo cầu nối đẩy mạnh xuất khẩu sâu hơn sang các thị trường trong khối như Belarus, Kazakhstan.
Cùng với đó, FTA Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 cũng sẽ tạo một làn sóng mới cho doanh nghiệp trong nước. Lefaso đánh giá, ngành giày dép của Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công cho nước ngoài, yếu kém về khả năng thiết kế, hạn chế về tự chủ nguyên liệu. Hàng năm, ngành này phải nhập khẩu tới gần 60% nguyên phụ liệu mới đủ nhu cầu sản xuất, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là da thuộc. Vì vậy các FTA này cũng sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng lực sản xuất.