Gắn kết cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang là một vấn đề cần được quan tâm. Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra mục tiêu đưa khoảng 500 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80 - 90% lao động đã qua đào tạo. Để thực hiện hóa mục tiêu này, cần tiếp tục tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa việc các trường nghề và các doanh nghiệp XKLĐ.
Xây dựng chiến lược để lao động Việt Nam tiếp cận tốt với thị trường
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, Việt Nam bắt đầu XKLĐ từ những năm 1980, đến nay, mỗi năm đưa khoảng hơn 100.000 người đi làm việc ngoài nước. Lao động Việt Nam hiện có mặt tại 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề, mỗi năm gửi về hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, lao động Việt Nam sang nước ngoài chủ yếu làm công việc giản đơn và thời gian tới cần tăng tỷ lệ người có trình độ cao.
Nhiều doanh nghiệp XKLĐ cho hay, có tới 90% người đi làm việc ngoài nước chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%.
Như vậy, đào tạo nghề là giải pháp đột phá tạo điều kiện cho người lao động có thêm cơ hội tìm được việc làm ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc gắn kết giữa đào tạo nghề và XKLĐ thời gian qua còn nhiều hạn chế, cơ sở dạy nghề chưa nắm được nhu cầu của các doanh nghiệp để đào tạo còn doanh nghiệp XKLĐ thì không sâu sát với cơ sở dạy nghề để tìm được lao động đạt trình độ tay nghề tốt.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp XKLĐ mới chỉ đầu tư, tham gia đào tạo một số nghề đặc thù, chi phí ít tốn kém mà khả năng thị trường lao động Việt Nam không cung cấp đủ. Còn lại, các ngành nghề khác chủ yếu là tuyển thẳng từ thị trường và các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp XKLĐ chỉ bổ túc thêm để nâng cao kỹ năng nghề thích ứng với thị trường lao động.
Tình trạng thiếu cơ chế liên kết đào tạo lao động xuất khẩu đang diễn ra. Mặc dù đại bộ phận số lao động có nghề đều đã được đào tạo trong các trường dạy nghề, song các doanh nghiệp tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài lại chủ yếu qua “kênh” từ các địa phương, từ nhà máy, xí nghiệp.
Như vậy, sự hợp tác giữa doanh nghiệp XKLĐ và cơ sở dạy nghề trong dạy nghề, huấn luyện, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nhỏ lẻ, có tính chất thời vụ, chưa có chiến lược lâu dài. Số doanh nghiệp XKLĐ đến tuyển trực tiếp tại các cơ sở dạy nghề tăng nhưng quy mô còn nhỏ.
Hiện nay, giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp XKLĐ đang gặp khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung. Nhiều học viên tốt nghiệp ra trường vẫn khó tìm việc vì trình độ, kỹ năng nghề yếu, không sát với yêu cầu của các doanh nghiệp XKLĐ. Điều này có nguyên nhân từ nội dung, chương trình chưa phù hợp; cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ cho giảng dạy, học tập còn lạc hậu; thời gian thực hành ít…
Do vậy, tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở các doanh nghiệp XKLĐ diễn ra cả về mặt số lượng và chất lượng. Từ đó đặt ra một yêu cầu cấp bách là phải đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Mô hình hợp tác này đã và đang được các nước phát triển áp dụng thành công, nhưng ở Việt Nam mới trong giai đoạn định hướng.
Kết nối doanh nghiệp XKLĐ với các trường nghề
Từ thực trạng về mối quan hệ giữa doanh nghiệp XKLĐ với hệ thống trường nghề như đề cập ở trên, giải pháp trọng tâm hiện nay chính là việc tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp cũng như việc hình thành mô hình các trường dạy nghề của doanh nghiệp.
Là đơn vị chủ động khai thác các thị trường lao động nước ngoài để cung ứng lao động, vì thế các doanh nghiệp XKLĐ sẽ nắm rõ nhất nhu cầu lao động của thị trường lao động quốc tế. Mặc khác, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại chính là “địa chỉ” có thể cung cấp nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường và các đơn hàng mà doanh nghiệp đã khai thác. Sự kết nối này chính là yêu cầu gắn kết giữa cung và cầu lao động.
Để giải quyết được vấn đề chất lượng lao động cho thị trường lao động ngoài nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp phải đàm phán, cùng hợp tác chứ không dừng lại ở ký các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác. Theo đó, cần gắn các trường lớp với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế, đồng thời có chính sách, cơ chế thích hợp để các cơ sở đào tạo này là nguồn đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trực tiếp, cung cấp cho các đơn hàng XKLĐ của các doanh nghiệp XKLĐ.
Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về lợi ích của dạy nghề đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ đó chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào công tác dạy nghề. Coi việc khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân phát triển các trường nghề, trung tâm đào tạo nghề phục vụ XKLĐ là nội dung quan trọng. Trong đó, cần tập trung cho việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, các ngành nghề đào tạo, các chương trình đào tạo và đội ngũ giáo viên dạy nghề để đào tạo nhân lực kỹ thuật các nghề mà thị trường nước ngoài có nhu cầu.
Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh, phải làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp XKLĐ với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động. Theo đó, các doanh nghiệp có thể trên cơ sở yêu cầu của đối tác nước ngoài, hợp tác với các trường nghề để đào tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu về trình độ tay nghề. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể dựa trên cơ sở kết quả đầu ra trong việc đào tạo của các trường nghề để tuyển chọn những lao động có kỹ năng phù hợp yêu cầu của đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, cùng với việc đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Đây không chỉ là người quyết định chất lượng đào tạo mà còn là nòng cốt trong việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và thực hiện công bằng trong đào tạo nghề. Phát triển giáo viên theo cả hai hướng: đảm bảo về số lượng và chuẩn về chất lượng. Cùng với đó, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho đào tạo nghề tạo môi trường thuận lợi cho công tác giảng dạy của giáo viên. Tiếp đó, tập trung đào tạo giáo viên các ngành, nghề mà thị trường lao động quốc tế đang có nhu cầu lớn, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm, kỹ thuật công nghiệp mới cho giáo viên.
Bên cạnh đó, quan tâm tăng cường hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng, đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức quốc tế khai thác và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ thực hiện. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ làm tốt việc thống kê, đánh giá về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo ngành, nghề, công việc cũng như thu thập thông tin về xu hướng nhu cầu của các thị trường lao động ngoài nước để xây dựng kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn lao động phù hợp.