Thấy gì từ phát triển kỹ năng giáo dục nghề nghiệp tại một số nước?
Kinh nghiệm phát triển kỹ năng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại các nước phát triển cho thấy, việc phát triển kỹ năng, phương pháp dạy học cho giảng viên tại các cơ sở GDNN luôn được coi là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo.
Chính vì vậy, để nâng cao năng lực, kỹ năng và kiến thức cho người học, đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp (DN), mỗi nước có chương trình, sáng kiến và phương pháp giảng dạy khác nhau cho học viên. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm phát triển kỹ năng GDNN của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam.
Kinh nghiệm phát triển kỹ năng giáo dục nghề nghiệp
Tại Mỹ: Trong hệ thống giáo dục ở Mỹ, các cơ sở GDNN và kỹ thuật thường thuộc quyền quản lý của khu vực tư nhân. Để khuyến khích các cơ sở GDNN và kỹ thuật phát triển, Chính phủ Mỹ có chính sách hỗ trợ vốn theo chương trình đào tạo chung của các trường nghề.
Để nâng cao chất lượng dạy và học, các giảng viên tại các cơ sở GDNN ở Mỹ được đào tạo và khuyến khích sử dụng các thiết bị kỹ thuật số trong dạy học. Chẳng hạn như: Tại bang Arkansas, khoảng 2/3 giảng viên được đào tạo chuyên nghiệp về sử dụng máy tính và quản lý lớp học bằng các thiết bị điện tử. Nhờ đó, chất lượng dạy học không ngừng được nâng lên, các học viên khi ra trường đã đáp ứng được yêu cầu công việc của DN.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị, kỹ thuật số vào giảng dạy, Mỹ cũng là nước đi đầu trong xây dựng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Năm 1989, Ủy ban Quốc gia về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo Mỹ đã ban hành văn bản về những điều nhà giáo phải biết và có khả năng thực hiện để đáp ứng yêu cầu cải cách giáo dục Mỹ.
Trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, cơ quan quản lý giáo dục của một số bang xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với quan điểm toàn diện và liên tục trong phát triển kỹ năng giáo dục nghề nghiệp cho người học.
Tại Hàn Quốc: Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Chính phủ Hàn Quốc đã có chính sách khuyến khích đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các DN lớn. Theo đó, Chính phủ nước này đã có chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động (đào tạo mới và đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi) tại DN.
Hàn Quốc đã phát triển mô hình hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và thị trường để đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đắn của Chính phủ, các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc như: LG, Huyndai, Samsung... đã có đủ nhân lực qua đào tạo bài bản cống hiến và đóng góp cho các DN phát triển mạnh mẽ và có thương hiệu quốc tế.
Một trong những thành công của Hàn Quốc trong đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho DN là làm tốt công tác dự báo nhu cầu thông qua định hướng chiến lược phát triển của các tập đoàn kinh tế, công ty lớn.
Mặt khác, Hàn Quốc đã chú trọng đào tạo bài bản đội ngũ giảng viên dạy nghề theo khung chương trình đào tạo 4 năm. Trong công tác giảng dạy, mỗi giảng viên chỉ đảm nhận một số lượng học sinh nhất định để đảm bảo hoạt động giảng dạy đạt hiệu quả cao.
Cùng với đó, nước này có chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho giảng viên các trường nghề tiệm cận với các phương pháp giảng dạy tiên tiến trên thế giới. Theo đó, Hàn Quốc đã quy định chi tiết về khung chương trình đào tạo gồm: Đào tạo chứng chỉ; Đào tạo chung; Bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho giảng viên chính trở lên; Chương trình bồi dưỡng đặc biệt; Tham quan thực tế nước ngoài.
Tại Nhật Bản: Các cơ sở GDNN ở Nhật Bản được quy hoạch tại các địa phương với những ngành nghề đào tạo phù hợp với định hướng phát triển của các địa phương, các DN, nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho các DN trên toàn quốc.
Tại Nhật Bản, các cơ sở GDNN cũng chú ý vào đào tạo công việc thực tế, trang bị các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần. Thời gian đào tạo các khóa học cho học viên được thực hiện linh hoạt, trên cơ sở những kỹ năng mà DN cần.
Để nâng cao chất lượng cho công tác đào tạo nghề, ngay từ những năm tái thiết kinh tế, Nhật Bản chú trọng nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giảng viên dạy nghề. Giảng viên dạy nghề ở nước này phần đa trưởng thành từ các DN, được cử đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề tại các nước có nền kinh tế phát triển để trở thành những người thầy giỏi trong đào tạo nghề nghiệp.
Cùng với chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên dạy nghề ở nước ngoài, Nhật Bản có chương trình đào tạo giảng viên dạy nghề trong nước tại các trường sư phạm hoặc trong các trường đại học khác. Theo đó, chương trình đào tạo giảng viên được thiết kế gồm 3 phần: Giáo dục đại cương, giáo dục chuyên ngành và GDNN giảng viên (nội dung chính để cấp chứng chỉ giảng viên).
Hàm ý cho Việt Nam
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản về kỹ năng phát triển GDNN có thể rút ra một số hàm ý cho Việt Nam như sau:
Một là, xây dựng kỹ năng phát triển GDNN theo hướng hiệu quả, thực chất phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của người học, người sử dụng lao động và ngành nghề. Mọi người trong độ tuổi lao động đều có thể tiếp cận với các dịch vụ đào tạo.
Hai là, xây dựng mạng lưới từ giáo dục cơ bản đến chuyên nghiệp; kết nối giữa Chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng. Khuyến khích đầu tư vào các cơ sở GDNN tư nhân.
Ba là, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và thực hành cho học viên để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN theo hướng chuẩn hóa; Thực hiện tốt các quy định về chế độ làm việc, chính sách ưu đãi, phụ cấp đặc thù của giáo viên trong cơ sở GDNN.
Bốn là, đổi mới cơ chế tài chính cho GDNN theo hướng chuyển từ cơ chế “cấp phát” sang cơ chế “đặt hàng”, giao nhiệm vụ đào tạo căn cứ vào số lượng, chất lượng đầu ra của các cơ sở GDNN. Đồng thời, tăng cường huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho GDNN, kết hợp ngân sách nhà nước với đầu tư nước ngoài và nguồn lực tự có của các cơ sở GDNN.
Năm là, tăng cường hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đặt hàng giữa cơ sở GDNN với DN đảm bảo cho người học sau khi kết thúc khóa học có việc làm. Đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia có chuyên môn, nghiệp vụ thực tiễn tại doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo tại các cơ sở GDNN.