Gắn trách nhiệm của chủ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính vừa công bố toàn bộ nội dung của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, lấy ý kiến công khai trước khi trình Chính phủ trình Quốc hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

3 tiêu chí phân loại tài sản công

Bộ Tài chính cho biết, dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công gồm 12 Chương, 146 Điều. Do tài sản công bao gồm nhiều loại khác nhau, một số loại đã được quy định tại các luật khác, vì vậy, bên cạnh những quy định áp dụng chung cho tất cả các loại tài sản công, trong nội dung dự thảo khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản có sự phân biệt các cấp độ khác nhau.

Theo đó, dự thảo Luật đã quy định toàn diện chế độ quản lý, sử dụng đối với những loại tài sản đang được điều chỉnh tại Luật Quản lý, sử dụng TSNN hiện hành và những loại tài sản đang được quy định chế độ quản lý, sử dụng tại các văn bản dưới luật. Cụ thể gồm: tài sản công tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức; tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định chế độ quản lý tài chính và những nội dung luật quản lý tài sản chuyên ngành chưa quy định đối với những loại tài sản đã được quy định tại các luật quản lý chuyên ngành, như đất đai; tài nguyên thiên nhiên; tài sản dự trữ nhà nước; tài sản công tại doanh nghiệp nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, quy định như vậy nhằm bảo đảm nguyên tắc tất cả các loại tài sản công đều được điều chỉnh bởi pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Cũng theo Bộ Tài chính, để thuận lợi trong xây dựng chế độ và tổ chức quản lý, sử dụng tài sản công, dự thảo Luật thực hiện phân loại tài sản công theo 3 tiêu chí: theo nguồn gốc hình thành; theo đối tượng, mục đích sử dụng và theo hình thái biểu hiện.

Luật khẳng định tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng tài sản công theo quy định của Luật này. Đối tượng được giao quản lý, đối tượng được giao sử dụng tài sản công có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Giám sát cộng đồng đối với tài sản công

Về chính sách quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công, dự thảo Luật quy định Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển, khai thác và bảo vệ tài sản công; thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện đầu tư vốn, khoa học công nghệ phát triển tài sản công; nhận chuyển giao quyền đầu tư, khai thác hoặc thuê quyền khai thác tài sản công.

Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát, kế thừa các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 và các luật có liên quan, dự thảo Luật quy định 7 nhóm nguyên tắc để áp dụng thống nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong đó, chú trọng tới việc giao tài sản cho đối tượng quản lý, đối tượng sử dụng nhằm xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công; quán triệt nguyên tắc hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.

Về kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công, theo Bộ Tài chính, chi phí cho việc đầu tư xây dựng, mua sắm, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, bảo trì tài sản công chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu đầu tư công, chi NSNN; đồng thời nguồn thu từ khai thác, xử lý tài sản công cũng chiếm một tỷ trọng lớn trong thu NSNN.

Tuy nhiên, quá trình hình thành, khai thác, sử dụng, xử lý tài sản công trong thời gian qua bị phân tán, chưa tạo được sự chủ động do chưa có quy hoạch, kế hoạch chung thống nhất về tài sản công. Vì vậy, dự thảo Luật quy định về Kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công 5 năm (tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch sử dụng đất 5 năm...).

Kế hoạch quản lý, sử dụng tài sản công 5 năm xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài sản công; các định hướng lớn về phát triển, bảo vệ, sử dụng, khai thác tài sản công; số thu từ khai thác tài sản công, số chi để phát triển tài sản công; các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch. Kế hoạch này được lập ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định về nội dung công khai, nguyên tắc công khai và hình thức công khai đối với tài sản công. Để bảo đảm quy định về công khai đi vào thực chất, ngoài chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với tài sản công.

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát tài sản công của cộng đồng tập trung vào các nội dung: việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tình hình quản lý, sử dụng tài sản công và việc thực hiện công khai tài sản công./.

Dự thảo Luật quy định: “Tài sản công bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, thềm lục địa, tài nguyên thiên nhiên khác; tài sản tại cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia; tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước; tài sản dự trữ nhà nước và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.