Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Văn Ninh:

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả cấp gạo hỗ trợ cho học sinh nghèo

PV.

Trên đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong công văn số 8064/VPCP-KGVX ngày 06/10/2015 về kết quả cấp gạo hỗ trợ cho học sinh năm học 2014-2015 gửi Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban dân tộc do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định vừa ký. Đây là niềm động viên lớn đối với mỗi cán bộ Tổng cục DTNN để các anh, các chị tiếp tục hăng say hơn nữa với công việc được Đảng, Chính phủ tin tưởng giao phó.

Nhiệm vụ mới của ngành Dự trữ Quốc gia

Nhiệm vụ cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) để hỗ trợ cho học sinh là nhiệm vụ mới được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) triển khai thực hiện từ năm 2013 cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quyết đinh sô 36/QĐ - TTg ( QĐ 36).

Ngay từ khi được giao nhiệm vụ, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện, nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và định mức hỗ trợ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương về: i) xác định đối tượng thụ hưởng chính sách; ii) đề xuất nhu cầu, thời gian, số lần giao nhận gạo hỗ trợ cho học sinh; iii) Bộ Tài chính sẽ chủ động tạm ứng gạo hỗ trợ cho học sinh ngay từ thời điểm khai giảng năm học; (iv) quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng gạo và kinh phí đảm bảo cho việc xuất cấp gạo hỗ trợ cho học sinh; (iv) trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến nay việc hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo QĐ 36 đã là năm học thứ 3 (2013 - 2014, 2014 - 2015 và 2015 – 2016). Sau mỗi năm học, Tổng cục DTNN có tổng kết và báo cáo với Bộ Tài chính chuẩn bị nguồn lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, để chuẩn bị cho năm học mới, Tổng cục DTNN đã yêu cầu các Cục DTNN khu vực chuẩn bị sẵn sàng nguồn gạo, phương án thuê vận chuyển để kịp thời tổ chức triển khai cấp phát tối đa là 2 lần/ học kỳ (4 lần/ năm học) cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương; chủ động phối hợp với Sở Giáo dục & đào tạo, Sở Tài chính để rà soát, xác định chính xác đối tượng học sinh được hỗ trợ để tham mưu lãnh đạo tỉnh phê duyệt.

Với các cán bộ ngành DTQG, rõ ràng, thêm nhiệm vụ là thêm vất vả, nhọc nhằn nhưng điều đó không hề khiến các anh, các chị nản lòng. Ngược lại, mỗi chuyến hàng đến với các điểm trường, được thấy niềm vui, sự mong chờ, đón đợi của các em học sinh, phụ huynh, mọi mệt nhọc dường như tan biến. “Nhiều lần, anh em phải bắt đầu làm nhiệm vụ từ 12 giờ đêm, 1 giờ sáng để đảm bảo sáng sớm hôm sau có gạo ở trường. Những nỗi nhọc nhằn ấy với chúng tôi nhanh chóng tan biến khi bình minh lên, xe chở hàng vào đến điểm tập kết đã có những bậc phụ huynh, các em học sinh đón chờ…”, chị Nguyễn Thị Minh Anh, Phó cục trưởng Cục DTNN khu vực Cục Cửu Long chia sẻ.

Dù rằng, trong quá trình triển khai cũng gặp không ít vướng mắc như công tác rà soát đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ gạo, một số địa phương triển khai còn chậm; việc rà soát số liệu chưa chính xác dẫn đến số liệu phải điều chỉnh nhiều lần, hoặc có địa phương rà soát thiếu đối tượng thụ hưởng gạo nên phải bố sung cấp gạo cho cả học kỳ I, II của năm học 2014-2015, giá cước vận tải tăng, các điểm trường không có nơi chứa gạo, đường xá xa xôi, hiểm trở...thế nhưng các anh, các chị luôn đúng hẹn.

Gần 500.000 học sinh được nhận gạo hỗ trợ

Hơn hai năm qua, biết bao chuyến hàng chở gạo DTQG đã vượt đèo, vượt dốc để đến với các em học sinh. Vì thế, đã có gần 500.000 học sinh của 46 tỉnh, thành phố được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ. Chỉ tính riêng trong năm học 2013-2014, Tổng cục DTNN đã xuất cấp 58.340 tấn gạo từ nguồn DTQG cho trên 430.000 học sinh thuộc 46 tỉnh, thành phố- tương đương giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Còn trong năm học 2014-2015, Tổng cục DTNN đã xuất trên 65.000 tấn gạo từ nguồn DTQG hỗ trợ trên 482.000 học sinh của 49 tỉnh, thành phố- tương đương giá trị khoảng 664 tỷ đồng.

Từ thực tiễn thực hiện nhiêm vụ hỗ trợ gạo cho cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; do đặc điểm từng vùng miền của các địa phương khác nhau và để có thời gian ổn định tổ chức lớp học, xác định chính xác số lượng học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ gạo, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp tạm ứng tối đa là 02 tháng (theo số học sinh dự tính của năm học trước) để các địa phương chủ động hỗ trợ ngay cho học sinh ngay từ đầu năm học.

Đối với năm học mới 2015-2016, ngay từ đầu tháng 6/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục DTNN tạm ứng hơn 14.000 tấn gạo cho 2 tháng đầu học kỳ I năm học 2015-2016 cho các em học sinh của 39 tỉnh, thành phố theo phương châm “gạo chờ học sinh”. Sau khi địa phương xác định chính xác số học sinh và số gạo cần hỗ trợ của năm học, Bộ Tài chính điều chỉnh việc cấp phát trong năm học đảm bảo đúng đối tượng, đúng định mức.

Từ những hạt gạo dẻo thơm được nhận, mỗi năm, số học sinh tựu trường trong cả nước ngày càng chuyên cần, đông đủ. Chính sách này đã góp phần làm vơi đi khó khăn, không chỉ cho các em mà cả các bậc phụ huynh và các thầy cô. Bởi vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho học sinh do Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) thực hiện trong hơn hai năm vừa qua. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tích hợp hỗ trợ học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để áp dụng từ năm học 2016-2017.

Đối tượng thụ hưởng chính sách gồm: Học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đang học tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập.

Mức hỗ trợ: Học sinh thuộc đối tượng nêu trên được hỗ trợ 15 kg gạo/1 tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Nguồn gạo hỗ trợ từ nguồn gạo dự trữ quốc gia.