PGS.,TS. Ngô Trí Long:

Giá dầu giảm và cuộc chiến dầu mỏ sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn


Trả lời phóng viên, PGS.,TS. Ngô Trí Long cho biết tình hình giá dầu giảm và cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và Ả-rập Xê-út sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Vì vậy, PVN cần bình tĩnh và theo dõi tình hình, qua đó đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu tối đa tổn thất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vào thứ Bảy tuần trước, Ả-rập Xê-út tuyên bố sẽ chính thức giảm giá bán dầu cho tháng Tư, và quốc gia này cũng đang chuẩn bị tăng sản lượng lên mức 10 triệu thùng mỗi ngày.

Động thái giảm giá của Ả-rập Xê-út xuất hiện sau khi các cuộc đàm phán ở Vienna bị phá vỡ vào tuần trước. Vào thứ Năm, OPEC khuyến nghị cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng Tư và kéo dài đến cuối năm. Nhưng đồng minh của OPEC là Nga đã từ chối các cắt giảm bổ sung khi liên minh 14 thành viên và các đồng minh của họ (được gọi là OPEC+) gặp nhau vào thứ Sáu.

Ngay lập tức, điều này đã khiến giá dầu thô Brent giảm mạnh 30% xuống còn 31,02 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2016. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ giảm 27% xuống còn 30 USD/thùng, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2016.

Hiện tại, giá dầu thô Brent đã tăng lên mức 35,90 USD/thùng trong khi dầu WTI của Mỹ dần phục hồi với 33,11 USD/thùng.

Trước tình hình căng thẳng trên thị trường khiến giá dầu giảm mạnh, nhiều lo ngại đã xuất hiện về việc cuộc chiến dầu mỏ sẽ làm giảm doanh thu của ngành dầu khí Việt Nam, qua đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trả lời phóng viên, PGS.,TS. Ngô Trí Long cho biết, hiện tại, ngành dầu khí đang đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 8,5%. Với doanh nghiệp khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thì việc giá dầu giảm mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ngành. Điều này sẽ làm giảm sút nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Ngoài ra, ông Ngô Trí Long còn lưu ý rằng: "Tình hình giá dầu giảm và cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và Ả Rập Xê Út sẽ chỉ xảy trong ngắn hạn. Những ảnh hưởng của nó đến doanh thu của ngành dầu khí cũng chỉ xuất hiện tại thời điểm này. Vì vậy, PVN cần bình tĩnh và theo dõi tình hình, qua đó đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu tối đa tổn thất".

Một nguồn tin liên quan đến các cuộc thảo luận giữa OPEC và Nga nói rằng những nỗ lực đã được thực hiện để khôi phục đối thoại sau rạn nứt nghiêm trọng vào thứ Sáu. Phát biểu trên kênh nhà nước Russia 24, Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak nói rằng "các cánh cửa không hề đóng" đối với thỏa thuận sản xuất cùng OPEC trong tương lai.

Nhận định về những tín hiệu lạc quan giữa Nga và Ả-rập Xê-út, PGS.,TS. Ngô Trí Long khẳng định: "Điều mà chúng ta cần làm bây giờ đó chính là theo dõi xem tình hình có tiếp tục leo thang hay không. Tuy nhiên, tôi cho rằng cuộc chiến này sẽ sớm đi đến hồi kết. Nga và Ả-rập Xê-út được coi là 2 'ông kẹ' trong ngành dầu mỏ và nguồn thu ngân sách của 2 nước này cũng phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ. Nếu cuộc chiến còn kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ sẽ rất lớn. Đây có thể coi là một phép thử giữa hai bên, vì vậy tôi cho rằng giá dầu sẽ khó có thể sụt giảm thấp hơn nữa".

Nếu cuộc chiến giá dầu của Ả-rập Xê-út buộc Nga phải đồng ý cắt giảm sản lượng, thị trường dầu mỏ có thể nhanh chóng được hồi phục.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng Nga sẽ không lùi bước vì điều đó đồng nghĩa với việc nhượng lại thị phần cho ngành công nghiệp năng lượng đang bùng nổ của Mỹ. Khi điều đó xảy ra, các quốc gia có ngành dầu khí phát triển sẽ phải chuẩn bị cho những cú sốc lớn trong thời gian sắp tới.

Khi được hỏi về vấn đề này, PGS.,TS. Ngô Trí Long cho biết, PVN nói riêng và ngành dầu khí Việt Nam nói chung cần phải xem xét kỹ các giải pháp nếu tình hình căng thẳng leo thang hoặc tiếp tục kéo dài.

"Trong thời điểm đó, chúng ta cần phải đánh giá tổng thể, xem xét tính hiệu quả của các mỏ đang khai thác. Sau đó, dựa vào các kết quả thu được và tạm dừng khai thác các mỏ kém hiệu quả. Việc tiếp tục khai thác các mỏ có chi phí cao sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên, ảnh hưởng đến doanh thu của ngành dầu khí và các kế hoạch trong tương lai", PGS.,TS. Ngô Trí Long nói.