Giá dầu không ngừng tăng mạnh trở lại
Mỹ công bố thông tin kinh tế mới lạc quan giúp nhà đầu tư bớt bi quan về triển vọng tiêu thụ dầu, chuyên gia phân tích.
Giá dầu tăng khoảng 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm khi mà dữ liệu kinh tế Mỹ phát đi tín hiệu tích cực, đồng thời tiêu thụ nhiên liệu Mỹ ở mức cao giúp làm giảm đi những nỗi lo về kịch bản tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước suy giảm sẽ khiến cho nhu cầu năng lượng đi xuống.
Đóng cửa phiên, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 2,94USD/thùng tương đương 3,1% lên 96,59USD/thùng trên thị trường London. Còn trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 2,39USD/thùng tương đương 2,7% lên 90,50USD/thùng.
Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên liền trước đó dù rằng đã có lúc giá dầu Brent rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 2/2022 bởi thêm nhiều dấu hiệu kinh tế chững lại tại một số khu vực kinh tế của thế giới.
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại OANDA, ông Edward Moya, nhận xét: “Giá dầu tăng sau khi Mỹ công bố thông tin kinh tế mới lạc quan giúp nhà đầu tư bớt bi quan về triển vọng tiêu thụ dầu”. Đồng thời cũng theo các chuyên gia, OPEC sẽ không chấp nhận để cho giá dầu giảm sâu hơn nữa.
Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm, dữ liệu của tuần trước đó được điều chỉnh giảm, như vậy điều kiện trên thị trường lao động vẫn hạn chế bất chấp việc Fed nâng lãi suất.
Tổng thư ký mới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Haitham Al Ghais, nói với Reuters rằng các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia và việc thiếu đầu tư trong lĩnh vực dầu và khí đốt chính là nguyên nhân gây ra tình trạng giá dầu cao.
Trong cuộc họp sắp tới vào tháng 9/2022, ông Al Ghais nói rằng nhóm OPEC+, trong đó có bao gồm nước cung cấp dầu như Nga, sẽ có thể giảm hoặc tăng quy mô sản xuất nếu cần thiết, mọi chuyện còn tùy thuộc vào diễn biến tình hình ra sao.
Số liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố mới đây cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm khoảng 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 12/8/2022, mức giảm này cao hơn rát nhiều so với kỳ vọng 275.000 thùng. Xuất khẩu dầu của Mỹ lập kỷ lục 5 triệu thùng dầu/ngày.
Quy định cấm của Liên minh châu Âu (EU) áp dụng với xuất khẩu dầu của Nga sẽ có thể khiến cho nguồn cung chịu nhiều hạn chế và đẩy giá tăng lên trong những tháng tới.
Tổ chức tư vấn BCA nhấn mạnh trong một nghiên cứu mới đây: “Các quy định cấm của EU áp với Nga sẽ khiến cho nguồn cung hao hụt khoảng 1,6 triệu thùng dầu/ngày trước thời điểm cuối năm, mức hao hụt nguồn cung này có thể lên đến 2 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2023”.
Nga, trong khi đó, dự báo về khả năng sản lượng và xuất khẩu dầu tăng cao cho đến cuối năm 2025, theo tài liệu mới công bố của Bộ Kinh tế Nga. Cơ quan này khẳng định nguồn thu từ dầu sẽ tăng 38% trong năm nay, một phần do khối lượng xuất khẩu tăng lên.
Giá dầu tăng bất chấp khả năng nguồn cung từ Iran leo thang và nhu cầu Trung Quốc sụt giảm nếu giới chức Trung Quốc áp dụng thêm các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, cùng lúc đó, tăng trưởng kinh tế chững lại khi mà các ngân hàng trung ương nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Thị trường hiện đang chờ đợi diễn biến từ các cuộc đối thoại nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran với các cường quốc trên thế giới, nếu các cuộc đối thoại thành công, xuất khẩu dầu của Iran có thể tăng thêm 1 triệu thùng/ngày. Đồng USD mạnh lên ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu bởi nó khiến cho dầu trở nên đắt đỏ đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.