Giá dầu quá cao tạo áp lực sụt giảm mạnh với các đồng nội tệ châu Á

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Nhà đầu tư đã giảm sự quan tâm với đồng won Hàn Quốc, đồng bath Thái, đồng yên Nhật và nhiều đồng tiền châu Á khác khi mà đồng USD ngày một mạnh hơn.

Ảnh: Nikkei
Ảnh: Nikkei

Các đồng tiền khắp châu Á đang chịu nhiều áp lực khi mà nhà đầu tư rút khỏi khu vực trong bối cảnh nỗi lo về quá trình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại tăng lên, giá hàng hóa tăng nóng và xuất hiện thêm nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát toàn cầu đang tăng lên, theo nội dung bài đăng mới đây trên Nikkei.

Nhà đầu tư đã giảm sự quan tâm với đồng won Hàn Quốc, đồng bath Thái, đồng yên Nhật và nhiều đồng tiền châu Á khác khi mà đồng USD ngày một mạnh hơn bởi kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị nâng lãi suất cơ bản đồng USD khi đại dịch COVID-19 căng thẳng, nhiều khả năng quyết định chính sách này sẽ được đưa ra vào đầu năm sau.

Trong tuần trước, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm lên mức cao nhất từ giữa tháng 5/2021, nhiều thành viên thị trường dự báo lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, đặc biệt nếu Fed đẩy nhanh quá trình siết chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát cao hơn.

Kỳ vọng này đã ảnh hưởng xấu đến giá trị của các đồng nội tệ châu Á, đồng yên hạ 35 trong tháng vừa qua và rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng gần 4 năm ở mức 114,69 yên/USD.

Trong vài tuần gần đây, đồng won Hàn Quốc và đồng bath Thái Lan đã giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm. Đồng won hạ 8% còn đồng bath đã mất hơn 10% giá trị trong năm nay, hai đồng tiền này như vậy có mức suy giảm mạnh nhất tại châu Á.

Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại ngân hàng Mizuho ở Hồng Kông, ông Ken Cheung, nhận xét việc Mỹ nâng lãi suất sớm hơn kỳ vọng trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao có thể coi như mối lo lớn nhất liên quan đến các đồng nội tệ châu Á.

Diễn biến mới nhất đã khiến cho một số nước đang chuyển hướng sang việc bình thường hóa chính sách tiền tệ cũng như kiềm chế áp lực lạm phát. Ngân hàng Trung ương Singapore mới đây đã gây ngạc nhiên khi thắt chặt chính sách tiền tệ lần đầu tiên trong vòng 3 năm, như vậy Singapore đã tiếp bước nhiều ngân hàng trung ương khác trong khu vực như Hàn Quốc hay New Zealand.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt tại nhiều nước khi mà hoạt động kinh tế hồi phục. Và khi mà một số nhà hoạch định chính sách kinh tế đã cố gắng làm dịu tâm lý của nhà đầu tư, giá cả nhiều loại nguyên liệu từ than đá, khí đốt cho đến dầu thô tăng cao đang khiến cho áp lực lạm phát dâng cao hơn.

Áp lực giá năng lượng tăng cao khác nhau tại các nước. Trong khi các nước xuất khẩu ròng năng lượng được hưởng lợi, các nhà nhập khẩu trong khi đó lại chịu áp lực từ giá dầu cao bởi ngân sách của người tiêu dùng chịu ảnh hưởng tiêu cực và áp lực lạm phát tăng lên.

Nhóm các nền kinh tế nhập khẩu năng lượng như Hàn Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến đồng nội tệ của họ suy yếu. Trong tháng này, đồng won rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm, chính vì vậy Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã buộc phải can thiệp.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng lira đã sụt giá hơn 10% trong tháng vừa qua và rơi xuống mức thấp nhất chưa từng thấy so với đồng USD. Đồng lira giờ đây chịu nhiều áp lực suy giảm khi mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang cố gắng kiểm soát nhiều hơn Ngân hàng Trung ương nước này và ép họ hạ lãi suất.