Giá điện đã tính đúng, tính đủ chưa?
Bộ Công thương đã điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 1/12 với mức tăng 6,08% so với giá bán hiện hành. Như vậy, giá bán lẻ điện mới sẽ là 1.720,65 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng). Bình luận về quyết định này, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc tăng giá điện là không thể trì hoãn, tuy nhiên còn nhiều điều phải bàn về mức tăng, thời điểm tăng cũng như câu chuyện minh bạch cơ cấu giá thành.
TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế: Thời điểm tăng giá chưa hợp lý
TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế. |
Tóm lại tăng giá điện 6,08% cũng chỉ đủ bù vào lạm phát. Bên cạnh đó là việc bù trừ giữa giá bán điện trong đất liền cũng như giá điện tại các đảo, do tăng giá xăng dầu năm 2017 của thế giới… thì quyết định tăng giá và mức tăng có phần hợp lý.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng việc tăng giá điện chắc chắn sẽ khiến một bộ phận người dân băn khoăn, bởi hiện nay nhiều số liệu quan trọng của ngành điện chưa được công bố, như cơ cấu về chi phí quản lý, chi phí lương, những hoạt động đầu tư trong và ngoài ngành của ngành điện, các khoản bù lỗ… Nếu giải trình được các vấn đề này, thì quyết định tăng giá điện chắc chắn sẽ tạo sự đồng thuận của người dân tốt hơn.
Một vấn đề khác cũng cần lưu ý là thời điểm tăng giá điện. Bất kỳ sự tăng giá nào cũng đều tạo tâm lý không tốt đối với người dân và doanh nghiệp vì lo ngại làm tăng chi phí tiêu dùng, chi phí sản xuất. Đó là chưa kể áp lực cộng thêm từ việc tăng chi phí các dịch vụ công khác, sẽ tác động kép làm tăng lạm phát. Từ đó sẽ gây ra nhiều khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, cũng như làm giảm sút sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Lần này, ngành điện chọn đúng lúc giáp Tết để tăng giá điện. Thời điểm này các hoạt động sản xuất tiêu dùng tăng vọt nên ngành điện sẽ được lợi mà doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ bị thiệt nhiều hơn. Như vậy các tác động bất lợi từ việc tăng giá điện lại càng được thể hiện rõ hơn do việc chọn thời điểm tăng thiếu hợp lý.
TS. Ngô Đức Lâm, Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường, Bộ Công thương: Cần thị trường điện cạnh tranh để minh bạch giá
TS. Ngô Đức Lâm, Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường, Bộ Công thương. |
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là người dân muốn biết rõ giá điện tính đã đúng chưa, đã minh bạch chưa. Đã là cơ chế thị trường, đầu vào tăng thì đầu ra cũng phải tăng và ngược lại. Nhưng ở đây có nghịch lý là hàng chục năm nay chưa bao giờ có chuyện giá thành sản xuất điện giảm và giá bán giảm.
Có những năm thủy điện chiếm nhiều trong cơ cấu sản xuất tức là giá thấp, nhưng ngành điện lại không giảm giá bán. Đây là điều cần nhắc lại để đặt ra vấn đề tính toán giá cho năm sau. Năm vừa qua lũ lụt rất nhiều, nước rất nhiều thì có thể sang năm 2018 sẽ phát thủy điện nhiều hơn do thừa nước, liệu lúc đó có giảm giá điện không?
Ở các nước, khi tính giá điện tăng 1 lần thì xã hội ảnh hưởng đến 20 lần. Có những ngành công nghiệp dùng nhiều điện thì vì tăng giá điện mà doanh nghiệp đội chi phí sản xuất, tăng giá bán và không bán được hàng, hậu quả là đánh sập cả một ngành công nghiệp đó. Cho nên mỗi lần tăng giá điện phải tính đến lợi ích của nhiều bộ phận, nếu không sẽ là được lợi ngành này mà hỏng ngành khác.
Bên cạnh đó, cần tính tới câu chuyện dài hạn là giá điện là phải theo giá thị trường, tức là phải có thị trường sản xuất, phát điện, mua bán điện, trong khi hiện nay rõ ràng là khoảng 2/3 cơ cấu thị trường của ngành này vẫn chưa thoát được thế độc quyền. Điều đó dẫn đến nhiều yếu tố không minh bạch trong giá điện.
Hiện nay ngành điện chỉ có một “ông chủ” là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn những doanh nghiệp khác có tham gia nhưng với tỷ lệ rất ít và EVN gần như quản lý toàn bộ. Gọi là thị trường điện nhưng thực chất không phải là thị trường cạnh tranh mà là EVN độc quyền. Chúng ta cần đôn đốc, phát triển thị trường điện để có có sự cạnh tranh thực sự, khi đó giá điện mới thực sự là giá thị trường.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế: Lạm phát năm sau chắc chắn bị đẩy lên
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế. |
Chính vì thế quan trọng là có sự hài hòa giữa vấn đề bù đắp chi phí sản xuất điện và chỉ số lạm phát hiện tại. Theo tôi, mức tăng giá điện 6,08% là khá cao, tăng khoảng 5% là hợp lý hơn, vì tỷ lệ lạm phát hiện là 4% cộng thêm 1% nữa để bù trừ cho giá xăng dầu tăng trên thế giới. Mức tăng 6,08% chắc chắn sẽ đẩy lạm phát trong năm sau lên chứ khó có thể giữ được ở mức 4%.
Ngoài mức tăng thì thời điểm tăng giá cũng là vấn đề cần lưu ý. Tại thời điểm chuẩn bị cho lễ tết này, khi mà các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng, việc tăng giá điện sẽ tạo tác động cộng hưởng. Những người sử dụng điện trực tiếp chỉ chịu ảnh hưởng bởi mức tăng 6,08%, nhưng tất cả hàng hóa mà họ sử dụng sẽ bị tăng giá thêm nhiều vòng.
Từ đó việc tăng giá điện mang tính chất dây chuyền, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy tôi cho rằng quyết định tăng giá nên để sau dịp Tết, khi giá cả hàng hóa, dịch vụ đã giảm xuống, cụ thể là vào khoảng tháng 3/2018 thì hợp lý hơn.