Gia tăng vốn vào nông nghiệp sạch
Những cái tên thuộc hàng “đại gia” của giới doanh nghiệp Việt “lấn sân” sang lĩnh vực nông nghiệp ngày một dài thêm. Sau Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát lại có thêm VinGroup, Hùng Vương…, tất cả đều đặt mục tiêu đưa ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, nuôi trồng khép kín, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sản xuất sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, đảm bảo an toàn từ trang trại đến bàn ăn đang là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới và dốc hàng nghìn tỷ đồng để phát triển lĩnh vực kinh doanh này.
Từ cuối năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai đã chính thức bắt tay đầu tư chăn nuôi bò quy mô công nghiệp với nguồn giống nhập khẩu từ Úc, New Zealand nuôi tại Việt Nam, Lào.
Những tưởng đây là một sự “rẽ ngang” không đúng sở trường của một doanh nghiệp chuyên đầu tư cho bất động sản, phát triển cây công nghiệp nhưng hóa ra việc nuôi bò của “bầu Đức” lại khá xuôi chèo mát mái. Chỉ tính riêng trong quý I/2016 doanh thu bán bò của công ty đã là 1.233 tỷ đồng trong khi giá vốn là 1.100 tỷ đồng.
Được xem là “đại gia” của ngành thép nhưng Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng không giấu tham vọng trở thành một cái tên được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp khi quyết định bỏ vốn đầu tư các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cùng hệ thống chuồng trại để nuôi heo theo tiêu chuẩn châu Âu.
Ngoài nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên đã đi vào hoạt động với công suất 300.000 tấn/năm, Hòa Phát đang tích cực triển khai nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 2 có công suất tương đương tại Đồng Nai, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay và một nhà máy thứ 3 cũng sẽ được xây tại tỉnh Phú Thọ.
Bên cạnh đó, HPG đã nhập 2 đợt heo giống thuần chủng từ Đan Mạch với tổng số 1.400 con từ Công ty Dan Bred International của Đan Mạch để nuôi tại 2 trại ở Yên Bái và Bình Phước.
Lãnh đạo HPG khẳng định, việc chăn nuôi sẽ được áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất theo công nghệ an toàn sinh học của châu Âu cho toàn bộ hệ thống chuồng trại của tập đoàn tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Không dừng lại ở đó, HPG cũng đang có dự định gây khoảng một triệu con gà, cung cấp trứng và thành phẩm ra thị trường.
Tập đoàn VinGroup cũng đã ký kết hợp tác với 3 đối tác hàng đầu thế giới về cung ứng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp với tổng trị giá lên tới trên 1.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, một cái tên rất “hot” trong ngành thủy sản là Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) vừa nhập về 750 con heo giống từ Đan Mạch. Đây là lô heo giống đầu tiên do Tập đoàn Danbred của Đan Mạch cung cấp cho HVG theo hợp đồng mua trọn gói 4.200 con đã được ký hồi cuối năm ngoái.
Dự kiến đến tháng 3/2017, HVG sẽ có heo thương phẩm ra thị trường. HVG đang đẩy mạnh dự án xây dựng hệ thống trang trại tại An Giang, Long An, Bến Tre, Bình Định và các tỉnh thành khác. Trước đó, vào quý I/2016, doanh nghiệp này đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Long An có công suất 500.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD theo dây chuyền công nghệ hiện đại của châu Âu.
Để thu hút các doanh nghiệp rót vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp quy mô lớn, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ ưu đãi như: ưu đãi về thuế đất, thuê mặt nước, hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phát triển thương hiệu.
Với một thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam trong khi nguồn thực phẩm cung cấp luôn bị nghi ngờ là thiếu an toàn vệ sinh thì việc các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt được xem là tín hiệu tích cực.
Điều này không chỉ giúp cho người dân được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch mà còn thay đổi cách làm nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đảm bảo phát triển ổn định, an toàn và bền vững.
Tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư vừa được tổ chức, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - chia sẻ: Làm nông nghiệp không thể có lời nhanh, tuy nhiên, đầu tư nông nghiệp về lâu dài sẽ giúp công ty phát triển ổn định, bền vững.