M&A trên thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội - ngoại đua sức

Theo Nguyễn Minh/thoibaonganhang.vn

Sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ luôn rất lớn. Trong cuộc đua giành thị phần các DN nội đang có nhiều lợi thế sân nhà để có những bứt phá quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu cũng như chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt.

Sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ luôn rất lớn. Nguồn: internet
Sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ luôn rất lớn. Nguồn: internet

Được ví là “chiếc bánh béo bở” và còn nhiều tiềm năng, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự đầu tư mạnh mẽ của các DN cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới cũng đã có mặt, khiến “cuộc chiến” trên thị trường này trở nên rất khốc liệt. Không chấp nhận thua trên sân nhà, các DN bán lẻ lớn trong nước như Vingroup,  Saigon Co.op... cũng có những chiến lược mở rộng thị phần bằng các thương vụ M&A và đã tạo ra cuộc đua sôi động hơn.

Những năm qua, Việt Nam luôn nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và đang tiếp tục là thị trường hấp dẫn với các DN cả trong và ngoài nước trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2019 ước tính đạt 409,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng khá cao này thể hiện cầu tiêu dùng trong dân tăng. Điều này càng khẳng định thị trường bán lẻ Việt vẫn đang có sức hấp dẫn rất lớn.

Theo Bộ Công thương, hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có khoảng 110 cơ sở bán lẻ có diện tích 500 m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart… 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, trước những tiềm năng của thị trường bán lẻ, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đã xuất hiện ở Việt Nam và đang giữ vững được thị trường cũng như khẳng định được thương hiệu như Lotte hay Aeon, Circle K…

Để bước chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam, các DN ngoại này thường chọn phương án mua lại các hệ thống bán lẻ của DN trong nước bằng hình thức M&A, rồi đưa công nghệ hiện đại vào khai thác kinh doanh. Với lợi thế tiềm lực tài chính lớn, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ cùng nhiều lợi thế khác đã giúp các tập đoàn nước ngoài nhanh chóng khẳng định được vị thế tại Việt Nam.

Tập đoàn Central Group của Thái Lan với việc mua lại hệ thống siêu thị BigC, siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã dần chiếm lĩnh thị trường trải rộng khắp cả nước. Lotte của Hàn Quốc hay Aeon của Nhật Bản cũng đang từng bước mở rộng quy mô bằng cách đẩy nhanh tốc độ mở rộng chuỗi siêu thị. Chính người tiêu dùng Việt Nam cũng đã dần quen thuộc với những “ông lớn” nước ngoài này. Bà Đinh Thị Mỹ Loan khẳng định, chính việc đầu tư từ những tập đoàn nước ngoài đã khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng sôi động hơn và tạo nên nhiều sức hấp dẫn mới.

Sự đổ bộ của những DN ngoại khiến cho nhiều DN trong nước đứng trước những sức ép rất lớn. Không ít DN nhỏ do không trụ được đã phải chấp nhận rời cuộc chơi và nhượng lại thị phần, sáp nhập hoặc bán cổ phần cho những DN lớn. Tuy nhiên, một số DN bán lẻ trong nước vẫn đang nỗ lực phát triển lớn mạnh nhằm chiếm giữ thị phần cũng như khẳng định vị thế sân nhà. Nhận định của Công ty Nielsen Việt Nam trong nghiên cứu mới nhất về thị trường bán lẻ cho thấy, các DN nội địa đang ngày càng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, cạnh tranh trực tiếp với các DN đa quốc gia.

Một ví dụ điển hình là thị trường bán lẻ trong nước đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Vingroup. Từ việc mua lại hệ thống siêu thị Fivimart và phát triển hàng loạt chuỗi siêu thị VinMart+, Vingroup dần khẳng định vị thế dẫn đầu của nhà bán lẻ số 1 trên thị trường. Tháng 4/2019, Vingroup đã mua lại chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go của CTCP Cửa hiệu và Sức sống. Sau khi nhận sáp nhập Shop&Go, VinCommerce tiếp tục dẫn đầu thị trường bán lẻ về quy mô độ phủ với 108 siêu thị VinMart và khoảng 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Đồng thời Vingroup chính thức dẫn đầu thị trường bán lẻ hiện đại trong nước.

Đại diện Công ty Vincommerce - đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ cho biết, với việc mở rộng chuỗi siêu thị và nâng cấp chất lượng, quy mô, Vingroup đang mong muốn khẳng định vị thế của DN Việt trên sân nhà và sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán lẻ.

Cùng với đó, tuy không liên tục tạo nên các thương vụ đình đám như Vingroup nhưng nhiều năm qua Saigon Co.op luôn khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op chia sẻ, việc tiếp quản Auchan khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Saigon Co.op trong lĩnh vực thương mại hiện đại và thể hiện trách nhiệm của Saigon Co.op đối với người tiêu dùng Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu sự lớn mạnh của Saigon Co.op trên thị trường phấn đấu trở thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam vào năm 2025.

Có thể thấy, sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ luôn rất lớn. Trong cuộc đua giành thị phần các DN nội đang có nhiều lợi thế sân nhà  để có những bứt phá quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu cũng như chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt.