Giá trị trái phiếu xanh phát hành năm 2024 tăng 275%

Minh Lâm

6,87 nghìn tỷ đồng là giá trị lô trái phiếu xanh được phát hành trong năm 2024 đáp ứng tiêu chí xanh của Hiệp hội thị trường vốn Quốc tế (ICMA), tăng 275% so với năm 2023.

Phát triển thị trường trái phiếu xanh là bước đi cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế xanh ở Việt Nam.
Phát triển thị trường trái phiếu xanh là bước đi cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế xanh ở Việt Nam.

Phát hành minh bạch, lãi suất cạnh tranh

Theo FiinRatings, năm 2024, thị trường trái phiếu Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận sự tham gia của các lô trái phiếu xanh do doanh nghiệp phi tài chính phát hành.

Cụ thể, tháng 11/2024, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I đã phát hành thành công lô trái phiếu xanh có giá trị 1.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 40 triệu USD) nhằm tài trợ cho các dự án thúc đẩy nuôi trồng và sản xuất cá tra bền vững, thân thiện với môi trường. Lô trái phiếu này được FiinRatings đánh giá độc lập và GuarantCo bảo lãnh. 

 

Trái phiếu xanh là các công cụ nợ phát hành nhằm mục đích huy động vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động khác nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

Mới đây, Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai đã có kết quả phát hành trái phiếu gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Từ ngày 19/11 – 27/11, Công ty này đã chào bán thành công 8.781 trái phiếu mã HBXCH2444001, với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Theo đó, Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai đã huy động thành công hơn 875 tỷ đồng từ lô trái phiếu nói trên.

Theo bà Nguyễn Thảo Hạnh - Chuyên gia Khối Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính Xanh (FiinRatings), sự xuất hiện của một số lô trái phiếu xanh trong các ngành phi tài chính cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực nâng cao hiểu biết và năng lực về phát triển bền vững, từ đó chủ động xây dựng khung tài chính xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế và phát hành trái phiếu dựa trên khung này.

Trong lĩnh vực tài chính, ngày 14/11/2024, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh, kỳ hạn 2 năm, để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường. Đây là lần đầu tiên Vietcombank phát hành trái phiếu xanh, khẳng định vai trò tiên phong của Vietcombank trong lĩnh vực tài chính bền vững cũng như hỗ trợ các dự án thân thiện với môi trường.

Trước đó, tháng 9/2024, BIDV phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững, kỳ hạn 5 năm, để tài trợ các dự án môi trường và xã hội. Trái phiếu bền vững của BIDV có cấu trúc không tài sản bảo đảm, không cần bảo lãnh thanh toán. Việc trái phiếu bền vững được các nhà đầu tư đặt mua 100% giá trị chào bán thể hiện mức độ tín nhiệm cao về năng lực và uy tín của BIDV. Đợt phát hành thu hút các nhà đầu tư tổ chức hàng đầu thị trường như: công ty bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ và doanh nghiệp.

Như vậy, trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu xanh phát hành thành công đạt 6,87 nghìn tỷ đồng, tăng 275% so với năm 2023.

Năm 2024, các lô trái phiếu xanh được phát hành đều tuân thủ chuẩn mực quốc tế, minh bạch, lãi suất cạnh tranh, ổn định và đóng góp vào xu hướng đầu tư bền vững. Các lô trái phiếu xanh của các doanh nghiệp, ngân hàng trên đều tuân thủ Nguyên tắc Trái Phiếu Xanh của ICMA, được đánh giá độc lập bởi FiinRatings, S&P, Moody’s trước và sau phát hành, đảm bảo minh bạch và ngăn chặn “rửa xanh”. Với sự bảo lãnh từ các tổ chức uy tín như GuarantCo và xếp hạng tín nhiệm nội địa từ FiinRatings, các lô trái phiếu xanh đã thu hút đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường vốn

Lợi ích của trái phiếu xanh tại Việt Nam đã dần được khẳng định thông qua những giá trị mà loại hình tài chính này mang lại. "Từ kinh nghiệm thực tiễn trong việc đánh giá độc lập các trái phiếu xanh, chúng tôi nhận thấy rằng, lợi ích cho doanh nghiệp không chỉ rõ ràng mà còn có ý nghĩa chiến lược sâu rộng", bà Nguyễn Thảo Hạnh chia sẻ.

Một điểm nổi bật khác là kỳ hạn của trái phiếu xanh thường dài hơn đáng kể so với các loại trái phiếu thông thường, dao động từ 10 - 20 năm so với mức trung bình 3 năm trên thị trường. Đơn cử như lô trái phiếu 20 năm của Công ty Nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai được xem là một kỳ hạn ấn tượng, phù hợp để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

Không chỉ dài hạn, lãi suất của trái phiếu xanh cũng được thiết kế hợp lý với cơ chế cố định, dao động từ 5,5% đến 6%. Mức lãi suất này thường thấp hơn mặt bằng chung nhờ cấu trúc tín nhiệm vững chắc. Cơ chế cố định còn giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động lãi suất, mang lại sự ổn định cho nhà phát hành và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, trái phiếu xanh góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường vốn. Việc áp dụng quy trình xếp hạng tín nhiệm từng lô trái phiếu và đánh giá xanh minh bạch không chỉ tạo niềm tin cho nhà đầu tư, mà còn thu hút sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước. Điều này đồng thời góp phần nâng cao vị thế và chất lượng hàng hóa tài chính tại Việt Nam.

Hiện các lô trái phiếu xanh trên thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam được phát hành bởi các doanh nghiệp do yêu cầu của phía nhà đầu tư. FiinRatings dự báo sẽ có sự phát triển đáng kể về số lượng lẫn giá trị phát hành trái phiếu xanh và tín dụng xanh trong thời gian tới khi mà quy định về phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh được Chính phủ ban hành trong thời gian tới đây.