Tỉnh Hậu Giang:

Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã

Theo Ngọc Hưởng/Báo Hậu Giang

Giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao đã khiến các nhà thầu, chủ đầu tư và người dân gặp khó do phải “gánh” thêm chi phí. Do đó, việc đề xuất các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn từ các ngành chức năng đang là mong muốn chung của các bên lúc này.

Giá các loại mặt hàng vật liệu xây dựng tăng khoảng 30-50%. Ảnh: Ngọc Hưởng
Giá các loại mặt hàng vật liệu xây dựng tăng khoảng 30-50%. Ảnh: Ngọc Hưởng

Nguyên liệu đầu vào tăng

Qua khảo sát thị trường cho thấy, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng như: cát, gạch, đá, xi măng, thép, tôn..., đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có mặt hàng tăng trên 50%.

Ông Thanh Sáu, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Thanh Sáu, ở huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Hiện nay đang vào mùa xây dựng nên giá các loại mặt hàng vật liệu tăng khoảng 30-50%, chỉ xi măng tăng nhẹ, còn thép, cát, đá tăng mạnh. Thép cuộn trên 20.000 đồng/kg, đá 1-2 hoặc đá 4-6 là 370.000 đồng/m3. Hồi trước, giá xăng chưa tăng, nhưng giá vật liệu xây dựng cũng tăng luôn. Cửa hàng nhập hàng sắt, thép cũng dễ, riêng cát, đá hơi gặp khó về nguồn hàng”.

Cũng theo ông Sáu, dù giá nhiều loại vật tư tăng nhưng cũng như nhiều đơn vị kinh doanh khác, ông không dự trữ hàng được. Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh, các nhà máy chưa vận hành đều nên lượng hàng cung cấp ra thị trường còn hạn chế. Những kệ sắt trước đây tại cửa hàng luôn đầy ắp, được bổ sung liên tục, giờ đây cứ trong tình trạng lưng chừng.

Dạo một vòng quanh các cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở thành phố Vị Thanh, ông Trần Văn Thanh, ở xã Vị Tân, lắc đầu ngao ngán: “Tôi định sửa nhà với nới nhà bếp cho rộng chút mà hỏi giá xong thấy tăng quá cao. Tiền cát, đá, sắt, thép rồi tiền mướn thợ,... cái nào cũng tăng nên đành dời lại, khi nào giá bình ổn sẽ làm sau, dịch bệnh khó khăn đâu có kham nổi”.

Theo Công ty Cổ phần Ban Liên lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ, các mặt hàng vật liệu xây dựng từ tết đến nay đã trải qua 3 - 4 đợt tăng giá, dao động khoảng 10-20%. Cụ thể, hiện sắt phi 6, sắt phi 8 khoảng 20.000 đồng/kg; cát san lấp khoảng 280.000 đồng/m3; cát xây, tô khoảng 320.000 đồng/m3, đá 1-2 khoảng 510.000 đồng/m3, xi măng khoảng 82.000 đồng/bao. Dù giá cao nhưng việc kêu hàng dễ dàng, không bị khan hiếm.

Ông Nguyễn Thanh Sang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Liên lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ, thông tin: Nhà đầu tư trong trường hợp giao khoán trọn gói, nhà thầu sẽ ôm luôn phần giá tăng nhưng có lẽ sẽ phối hợp để điều chỉnh, nếu nhà thầu ôm luôn sẽ bỏ chạy.

Riêng đối với công ty, các loại vật tư tiêu hao trước tết đã nhập hàng, chỉ có một số ít cát, đá, xi măng cũng không đáng bao nhiêu. Hiện, dự án đã cơ bản hoàn thiện, còn khoảng 25 căn, khối lượng hoàn thiện khoảng 70%. Công nhân làm tại công trình khoảng 40 người, đến ngày 30/4 tới sẽ hoàn thành việc xây lắp. Dự kiến đến ngày 30/6 tới sẽ quyết toán, bàn giao. Công ty vẫn giữ nguyên giá theo như công bố của Sở Xây dựng, không có điều chỉnh là 8,5 triệu đồng/m2 sàn.

Vẫn đảm bảo tiến độ theo cam kết

Thực tế không chỉ chủ đầu tư, người dân mà các nhà thầu xây dựng cũng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá. Hiện, đơn giá xây lắp đang bị đội cao hơn hẳn so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư và nhà thầu vẫn phải gánh chịu phần tăng giá này với các hợp đồng đã ký trước đó.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Tứ Hải, cho biết khi chi phí vật liệu tăng cao thì nhà thầu là đơn vị chịu nhiều thiệt thòi và sẽ bị đội chi phí thi công lên rất nhiều. Ông Hải ví dụ: Nếu như trước đây, giá sắt, thép thời điểm đấu thầu là 16.000-17.000 đồng/kg thì nay tăng lên trên 20.000 đồng/kg. Đá thì lên cũng ít chứ không nhiều. Cát tăng nhiều nhất, giá giao tận công trình hiện khoảng 300.000 đồng/m3, tăng gần gấp đôi so với giá của Sở Xây dựng báo thời điểm năm 2021.

“Giá xăng, dầu tăng khiến chi phí chuyên chở tăng, nhiều chủ cửa hàng cũng tăng theo để bù lại. Việc khai thác cát bị khó nên tăng giá cát nhiều, đây là tình hình chung. Từ lúc trúng thầu tháng 7/2021, do dịch bệnh ngưng lại 3 - 4 tháng, khi cho làm đại trà lại thì ra công trình thi công mất 3 - 4 tháng nên giá cả so với năm 2022 có chênh lệch. Công trình cầu tàu (thành phố Vị Thanh) dự kiến sẽ hoàn thành dịp 30/4 tới, hiện có gần 20 công nhân đang làm việc tại công trình. Đơn vị đã đấu thầu trọn gói nên không được điều chỉnh giá theo thị trường, cam kết thời gian hoàn thành thì phải đảm bảo”,  ông Lê Thanh Hải bày tỏ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và biến động của thị trường, các nhà thầu, doanh nghiệp và người dân rất mong ngành chức năng sớm có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. Bởi thực tế cho thấy, việc tăng phi mã của giá vật liệu xây dựng không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án mà còn tác động đến việc phục hồi phát triển kinh tế của địa phương.