Giá xăng dầu tăng, người nuôi tôm siêu thâm canh gặp khó
Thời gian gần đây, mặt hàng xăng dầu trên thị trường tăng giá kỷ lục, tác động trực tiếp đến sản xuất và nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân huyện Cái Nước. Trong đó, loại hình nuôi tôm siêu thâm canh (STC) chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bởi xăng dầu tăng giá kéo theo chi phí vận chuyển thức ăn, hóa chất và vật tư đầu vào tăng cao, vì thế bà con nuôi tôm STC đang đối mặt khó khăn, dẫn đến diện tích nuôi sụt giảm so với cùng kỳ.
Theo thống kê của ngành chuyên môn huyện Cái Nước, đến thời điểm này toàn huyện có gần 470 hộ dân thả tôm nuôi STC, với hơn 670 ao đầm, gần 100 ha; trong đó có 50 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân 50 tấn/ha/vụ, sản lượng trên 2.500 tấn. So với cùng kỳ, diện tích thả nuôi giảm 42 ha.
Ông Huỳnh Xuân Diện - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, cho biết, kể từ khi xăng dầu trên thị trường tăng giá kỷ lục, giá thức ăn tôm nuôi ngay lập tức được điều chỉnh tăng giá bán từ 900-1.200 đồng/kg, nâng giá thức ăn tôm nuôi lên từ 39-42 ngàn đồng/kg. Tuy mỗi ki-lô-gram thức ăn tôm tăng giá không nhiều nhưng tác động đáng kể, bởi loại hình tôm nuôi STC sử dụng một lượng thức ăn rất lớn cho vụ nuôi.
Để thu hoạch được 1 kg tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, bà con nông dân đầu tư từ 1-1,1 kg thức ăn; trung bình mỗi hécta tôm nuôi STC thu hoạch từ 45-50 tấn tôm nguyên liệu, đồng nghĩa với bà con nông dân phải đầu tư từ 45 tấn đến hơn 50 tấn thức ăn cho vụ tôm STC. Khi giá thức ăn tôm nuôi trên thị trường điều chỉnh tăng từ 900-1.200 đồng/kg do xăng dầu tăng giá dẫn chi phí vận chuyển tăng theo, thì mỗi hécta tôm STC bà con nông dân phải chi thêm từ 40-60 triệu đồng tiền thức ăn.
Không chỉ thức ăn tôm nuôi điều chỉnh tăng giá, mà tất cả các mặt hàng phục vụ nuôi trồng thuỷ sản cũng không ngoại lệ, trong khi đó giá tôm nguyên liệu trên thị trường đang có xu hướng sụt giảm. Hiện tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái thu mua dưới 100 ngàn đồng/kg, dẫn đến loại hình tôm STC càng gặp khó khăn hơn.
Ông Huỳnh Xuân Diện so sánh: Để thu hoạch được 1 kg tôm thẻ chân trắng nguyên liệu, bà con nông dân phải đầu tư con giống, thức ăn, hoá chất xử lý ao đầm và tiền điện chạy quạt tạo ôxy cho tôm nuôi, tổng chi phí tương đương 70 ngàn đồng. Nhưng với giá tôm nguyên liệu như hiện nay, bà con nuôi tôm STC chỉ còn có lãi hơn 20 ngàn đồng/kg, chưa khấu hao tài sản và công chăm sóc.
Ông Nguyễn Thanh Việt (ấp Trần Mót, xã Tân Hưng Đông), người có gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi tôm STC, chia sẻ, đắng cay, ngọt bùi từ nghề nuôi tôm STC ông từng mếm trải, nhưng chưa khi nào gặp khó khăn như thời điểm hiện nay. Xang dầu tăng giá không chỉ làm cho chi phí nuôi tôm tăng cao, mà giá tôm nguyên liệu trên thị trường cũng bị sụt giảm, bà con nuôi tôm đang bị thiệt hại về giá, một phần do chi phí vận chuyển tôm nguyên liệu từ ao đầm về nhà máy chế biến tăng.
Vào thời điểm đầu năm, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái thu mua với giá trên 100 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 98 ngàn đồng và thường xuyên biến động. “Cứ trung bình 1 kg tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, bà con nuôi tôm STC thiệt hại về giá ít nhất từ 2.000-5.000 đồng, tính ra mỗi hécta cho thu hoạch 45-50 tấn tôm nguyên liệu, bà con nông dân bị thiệt hại ít nhất 100 triệu đồng do giá tôm sụt giảm”, ông Việt ước tính.
Nghề nuôi tôm STC đang phải đối mặt với khó khăn. Để ứng phó với xăng dầu tăng giá, duy trì nghề nuôi, hầu hết bà con nuôi tôm STC trên địa bàn huyện Cái Nước đang tính toán chi phí đầu tư và lựa chọn thời điểm lên hầm xuất bán tôm nuôi phù hợp nhất, bởi giá tôm nguyên liệu trên thị trường có xu hướng tôm có trọng lượng càng lớn bán thì càng được giá cao và ngược lại.