Giấc mơ Đông Á của Ấn Độ
Thủ tướng Narendra Modi đang lên kế hoạch thực hiện ước mơ đưa Ấn Độ trở thành một “Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ” bằng cách vận dụng hình mẫu phát triển Đông Á - vốn dựa vào thúc đẩy sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, với một Ấn Độ đang đối mặt với những nhiệm vụ khẩn cấp là tạo công ăn việc làm và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng già nua thì mô hình Đông Á chỉ là một lời hứa hẹn.
Tấm gương từ Đông Á
Khát vọng trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu theo hình mẫu Đông Á là rất đáng ngưỡng mộ, song Chính phủ hiện nay của Ấn Độ dường như đang gặp nhiều khó khăn trong việc biến ý tưởng thành hành động. “Phép thuật” của ông Modi có vẻ đang dần mất đi sức mạnh trong bối cảnh cải cách kinh tế bị trì hoãn, đầu tư chậm chạp, sản lượng công nghiệp tăng trưởng chậm, nhu cầu nông nghiệp suy yếu, và xuất khẩu giảm liên tục trong 16 tháng. Tuyên bố sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới của Ấn Độ thậm chí còn gây tranh cãi khi mà nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về các phương pháp mới trong việc tính toán GDP.
Với những cấu trúc chính trị, kinh tế, xã hội phức tạp và khác biệt, giấc mơ Đông Á của Ấn Độ cần được điều chỉnh thích hợp với bối cảnh cụ thể của đất nước. Cũng cần đặc biệt lưu ý rằng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất lợi và những động lực kinh tế biến đổi nhiều so với vài thập kỷ trước, mô hình Đông Á có thể không còn là chuẩn mực đối với nền kinh tế toàn cầu đang thừa năng lực sản xuất, và nhu cầu hạn chế ở thế kỷ XXI này. Tuy nhiên, những kinh nghiệm của mô hình đó vẫn rất hữu ích và có giá trị đối với giới hoạch định chính sách Ấn Độ.
Đầu những năm 1990, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thực hiện một nghiên cứu về phát triển kinh tế Đông Á nhằm tìm hiểu xem các nền kinh tế tại khu vực này đã làm thể nào để có thể tăng trưởng nhanh. Kết luận cho thấy, sự phân phối hiệu quả về nguồn lực con người và vật chất là một trong những bí quyết chính của “Phép màu Đông Á”. Các nước Đông Á đã lựa chọn những chính sách, khu vực hoặc lĩnh vực ưu tiên và dồn lực vào chúng. Chiến lược “lựa chọn và tập trung” này chính là nguyên tắc cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Hàn Quốc, theo đó cứ 5 năm một lần lại điều chỉnh các khu vực ưu tiên tùy theo các động lực và sự tăng trưởng trong môi trường kinh tế.
Bên cạnh đó, các quốc gia Đông Á luôn coi trọng việc xây dựng lòng tin và tạo dựng môi trường cùng có lợi, đồng thời đề ra và thực thi đầy đủ các chính sách công phù hợp với những ưu tiên trên. Sự ổn định và có kế hoạch trong các chính sách là một mục tiêu lớn của các nhà hoạch định. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài và nỗ lực thiết lập một môi trường nơi các ngành công nghiệp trong nước có thể học hỏi từ các đối tác nước ngoài cũng được khuyến khích. Đầu tư nước ngoài được coi là những phương tiện cải thiện kỹ năng và năng lực của lực lượng lao động cũng như cải tiến kỹ thuật tốt hơn.
Kỳ vọng nhưng phải thực tế
So với những kinh nghiệm của Đông Á, Ấn Độ dường như đang đi theo một hướng đối ngược. Kể từ khi nắm quyền điều hành đất nước vào tháng 5.2014, Chính phủ của ông Modi đã công bố một danh sách dài vô tận những dự án lớn như Sản xuất tại Ấn Độ, Ấn Độ Công nghệ số, Ấn Độ sạch, Ấn Độ khởi sắc, Thành phố Thông minh, Ấn Độ có kỹ năng… Có thể hiểu được khao khát phát triển càng nhanh càng tốt mọi khía cạnh của nền kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, Ấn Độ lại quá thiếu nhân sự và không có khả năng điều hành và bao quát những kế hoạch nói trên. Thêm vào đó, rất nhiều trong số các dự án này đều vạch ra những mục tiêu phi thực tế và không thể đạt được. Chẳng hạn, với mức độ phát triển hiện nay, cái Ấn Độ thực sự cần là những thành phố có đầy đủ chức năng và được trang bị những dịch vụ cơ bản như hệ thống vệ sinh rác thải, hệ thống cung cấp điện nước đầy đủ, hệ thống y tế… chứ không phải những thứ có thể thấy ở các thành phố thông minh trong mơ.
Ngoài ra, mặc dù Chính phủ của ông Modi nhận thức rõ về tầm quan trọng của vốn nước ngoài và công nghệ trong nỗ lực thực thi những kế hoạch đã công bố, nhưng những lo ngại về các khoản thuế cũ hay các hạn chế lợi ích đối với nhà đầu tư… vẫn đang hiện hữu, đã làm suy giảm nhiệt huyết của chính phủ ông Modi so với thời kỳ đầu bước vào nhiệm sở. Chính phủ dường như phụ thuộc nhiều vào những con số đầu tư được cam kết để từ đó dựng nên một viễn cảnh đầu tư cho đất nước.
Một trong những nguyên nhân khác khiến giấc mơ Đông Á của Ấn Độ bị chậm trễ còn là sự phức tạp trong hệ thống chính trị nước này, nơi hàng loạt cuộc xung đột lợi ích tỷ lệ thuận với số lượng những thành phần cấu tạo nên nó. Quả thực, nếu không nắm được đầy đủ quyền lực chính trị, Thủ tướng Modi không thể tạo ra những thay đổi như mong muốn, và đó là lý do vì sao ông đang dồn tập trung vào các cuộc bầu cử bang sắp tới.