Giải cứu tư duy để giải cứu thị trường
Cụm từ “giải cứu nông sản” dường như đã không còn xa lạ khi cứ “đến hẹn lại lên”, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lặp lại vào mỗi vụ thu hoạch và điều này cũng đặc biệt nổi lên trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tình trạng "giải cứu nông sản" diễn ra thường xuyên với nhiều loại nông sản như: dưa hấu, cam sành, thanh long, nhãn, các loại rau, củ...
Các hoạt động "giải cứu nông sản" được người dân khắp mọi miền chung tay ủng hộ thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với người nông dân, tuy nhiên cũng cho thấy rõ nền nông nghiệp cần sự "giải cứu" là một nền nông nghiệp chưa ổn định.
Xung quanh chuyện "giải cứu nông sản", từng có người hài hước rằng cần phải giải cứu luôn hai từ “giải cứu”. Tuy hài hước đấy, nhưng không thể không suy nghĩ. Nếu nhìn thẳng vào vấn đề thì việc "giải cứu nông sản" cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Để giải quyết tình trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ hơn; cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp - tư duy thị trường.
Câu chuyện về vải thiều ở Bắc Giang là một ví dụ điển hình cho việc chuyển đổi tư duy ấy. Dù đang trong tình cảnh gặp khó khăn về đầu ra của nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song UBND tỉnh Bắc Giang là đơn vị tiên phong có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông với mong muốn không dùng từ “giải cứu” khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều nói riêng.
Rõ ràng, khi không chấp nhận việc “giải cứu” quả vải thì cũng có nghĩa là địa phương phải kích hoạt, chuyển đổi tư duy từ sản xuất đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất gắn với thị trường.
Thành công của việc khơi thông thị trường cho quả vải trong thời điểm khó khăn, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, bên cạnh sự tự tin của chính quyền địa phương về thương hiệu vải thiều Bắc Giang còn là sự vào cuộc quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp, phối hợp đồng bộ, xây dựng được chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản.
Có thể kể đến như: việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản; bảo vệ vùng sản xuất vải thiều an toàn; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến tiêu thụ; phát triển đa dạng các kênh phân phối, trong đó tập trung vào các kênh phân phối mới, hiện đại, bền vững trên nền tảng số…
Từ câu chuyện quả vải thiều Bắc Giang càng thấy rõ hơn xu thế tất yếu của việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, xây dựng được chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản, khép kín các khâu từ cánh đồng, chuồng trại đến nhà máy, người tiêu dùng.
Một thực tế cần phải nhìn nhận, đó là bản thân người nông dân – với vai trò chủ thể - vẫn còn bị động trong quá trình sản xuất nông nghiệp, thiếu thông tin thị trường, chỉ tập trung chạy theo mặt hàng có giá cao nhất thời mà không lường trước diễn biến thị trường.
Bên cạnh đó, phương thức sản xuất của người dân không thay đổi, chưa làm theo chuỗi; vẫn còn quen lối tiêu thụ truyền thống với sản phẩm không có nhãn mác, thương hiệu; sản xuất chưa hướng tới người tiêu dùng mà hướng tới thương lái. Chính điều này đã tự trói buộc mình vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”, rơi vào tình huống hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được và buộc phải giải cứu.
Để xây dựng được thị trường đầu ra bền vững cho nông sản, cần thực hiện các giải pháp chiến lược, đồng bộ, trong đó người nông dân cần bỏ tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng, theo đám đông; các ngành chức năng làm tốt công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu; hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường; thực hiện mối liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị; phát triển đa dạng các kênh phân phối, đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa… Đấy cũng là phương thức để tự cứu nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững mà không cần nhờ đến "giải cứu"!