Giải đáp thủ tục đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu
Độc giả Mai Thị Hà hỏi: Áp dụng cơ chế một cửa quốc gia trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa có tác dụng như thế nào và mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp; Thủ tục đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp cần phải gửi kèm những tài liệu nào để có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh?
Về trường hợp doanh nghiệp thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng và đăng ký chứng nhận sự phù hợp đồng thời trên Cơ chế một cửa quốc gia thì hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng và hồ sơ đăng ký chứng nhận sự phù hợp là một. Hồ sơ này do doanh nghiệp khai và gửi đồng thời đến cơ quan quản lý về chất lượng và tổ chức đánh giá sự phù hợp nên không thể lệch thông tin được.
Trường hợp doanh nghiệp đã có kết quả đánh giá sự phù hợp và up load lên khi đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng thì có thể có sai lệch về thông tin. Nếu sai lệch so với hồ sơ đăng ký hồ sơ nhà nước về chất lượng thì doanh nghiệp phải khai bổ sung lại.
Do vậy, để tránh việc sai lệch hồ sơ thì doanh nghiệp nên thực hiện việc đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng, đồng thời với việc đăng ký đánh giá sự phù hợp trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Các tài liệu cần phải đính kèm khi đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu như: Hợp đồng, vận đơn, hóa đơn, tờ khai hải quan, kết quả đánh giá sự phù hợp… Các tài liệu này được quy định cụ thể các thông tư gồm: Thông tư 27/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa NK thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ; Thông tư 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 27/2012/TT-BKHCN; Thông tư liên tịch số 77/2016/TTLT- BTC-BKHCN ngày 3/6/2016 của liên Bộ Tài chính- Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ.