Giải đáp thủ tục tạm ứng kinh phí ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Mới đây, Bộ Tài chính đã có nội dung giải đáp kịp thời vướng mắc của bà Băng Tâm - kế toán tại Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai về các quy định liên quan đến thủ tục tạm ứng, thanh toán kinh phí ngân sách Nhà nước theo phương thức khoán chi nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Nội dung vướng mắc của Bà Băng Tâm như sau: Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai có cấp tạm ứng cho đơn vị hành chính sự nghiệp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Sau khi đơn vị chi nhiệm vụ đã tiết kiệm và có phương án sử dụng tiết kiệm chi, trích lập quỹ để sử dụng (gồm quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ tăng thu nhập). Đơn vị sự nghiệp làm tờ trình lên Sở đề nghị thanh toán số tiền đã trích lập quỹ nêu trên. Sở làm hồ sơ thanh toán ra Kho bạc Nhà nước Tỉnh để thanh toán số tiền tạm ứng đang còn ở Kho bạc.
Kho bạc Nhà nước Tỉnh yêu cầu phải có chứng từ đã chi mới được thanh toán tạm ứng thì mới tất toán được, nhưng theo quy định nếu hết thời hạn hợp đồng mới thanh toán tạm ứng thì bị nộp phạt.
Tuy nhiên, đơn vị không thể có chứng từ thanh toán ngay được vì kinh phí trích lập quỹ khen thưởng thì chỉ được chi cho khen thưởng, quỹ tăng thu nhập thì đã chi, quỹ phúc lợi thì phải chi cho hiếu hỉ,… quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì phải đợi chi theo quy định tại Nghị định số 54/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, đơn vị khó có thể có ngay được chứng từ.
Vậy, đơn vị bà có cần phải có chứng từ mới thanh toán được tạm ứng với Kho bạc hay không? Nếu có thì theo quy định nào? Nếu không thì quy định tại văn bản nào?
Giải đáp nội dung vướng mắc của bà Băng Tâm, Bộ Tài chính cho biết, tạm ứng, thanh toán kinh phí ngân sách Nhà nước theo phương thức khoán chi nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của liên Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính quy định về khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Theo đó, mức tạm ứng lần đầu theo quy định tại hợp đồng đã ký kết không vượt quá 50% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ được duyệt từ ngân sách Nhà nước và trong phạm vi dự toán ngân sách Nhà nước năm được cấp có thẩm quyền giao.
Bộ Tài chính hướng dẫn, việc tạm ứng các đợt tiếp theo chỉ thực hiện đối với nhiệm vụ đã thanh toán (thu hồi tạm ứng) tối thiểu bằng 50% mức kinh phí đã tạm ứng các đợt trước đó, trừ trường hợp mua sắm thiết bị chưa đủ thủ tục thanh toán vì lý do khách quan được đơn vị quản lý kinh phí (đối với trường hợp tổ chức chủ trì không phải là đơn vị quản lý kinh phí) hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ (đối với trường hợp tổ chức chủ trì đồng thời là đơn vị quản lý kinh phí) xác nhận trên cơ sở đề nghị của tổ chức chủ trì; không vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước liên quan đến tổ chức triển khai nhiệm vụ.
Hồ sơ thanh toán tạm ứng và đề xuất tạm ứng các đợt tiếp theo gửi Kho bạc Nhà nước bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng của đơn vị quản lý kinh phí; Giấy rút dự toán ngân sách Nhà nước (tạm ứng); Bảng kê khối lượng công việc đã thực hiện theo hợp đồng đã ký kết (có chữ ký của kế toán trưởng và thủ trưởng đơn vị quản lý kinh phí xác nhận).
Đối với thanh toán lần cuối, bổ sung Biên bản họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ từ mức “Đạt” trở lên.
Về việc trích lập và sử dụng các quỹ, Bộ Tài chính nêu rõ, căn cứ cơ chế tự chủ của đơn vị, hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên được trích lập các quỹ theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/4/2016 của Chính phủ quy định quy chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.