Giải đáp vướng mắc về khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng bán trả lại
Tổng cục Thuế vừa có Công văn số 1788/TCT-DNL hướng dẫn doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng bán trả lại.
Phúc đáp những thắc mắc của Công ty TNHH thương mại và đầu tư Hồng Quang về việc khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng bán trả lại, Tổng cục Thuế cho biết: Căn cứ Điều 7 Luật Thuế GTGT, giá tính thuế được quy định như sau: Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế GTGT. Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế GTGT.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT.
Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa.
Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung các Bản án sơ thẩm số 13/2017/KDTM-ST ngày 23/08/2017 của Tòa án Nhân dân quận Ba Đình, bản án phúc thẩm số 71/2018/KDTM-ST ngày 03/5, 28/5 và 29/5/2018 của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội do Tổng công ty Dịch vụ viễn thông cung cấp, trường hợp Công ty TNHH thương mại và đầu tư Hồng Quang trả lại hàng cho người bán là Công ty dịch vụ viễn thông (nay thuộc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông) nhưng không lập hóa đơn hàng bán trả lại cho người bán và hiện nay Công ty NHH thương mại và đầu tư Hồng Quang đang dừng kinh doanh có thời hạn; giao dịch trả lại hàng đã được xác nhận giữa 3 bên gồm bên mua, bên bán và ngân hàng bảo lãnh; đồng thời, giao dịch trả lại hàng đã được xác định là căn cứ để tính nghĩa vụ nợ của Công ty Hồng Quang khi xử lý tranh chấp giữa các bên trên cơ sở bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Như vậy, Cục Thuế TP. Hà Nội có trách nhiệm xác định số thuế GTGT của Công ty TNHH thương mại và đầu tư Hồng Quang còn phải nộp hoặc còn được khấu trừ sau khi tính đến việc điều chỉnh giảm số thuế GTGT đầu vào của Công ty TNHH thương mại và đầu tư Hồng Quang đối với hàng hóa đã trả lại cho Công ty dịch vụ Viễn thông.
Đồng thời nhất trí với đề xuất của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc điều chỉnh giảm số thuế GTGT hàng hóa, dịch vụ bán ra của Công ty dịch vụ viễn thông tương ứng với hàng hóa đã nhận lại từ Công ty TNHH thương mại và đầu tư Hồng Quang. Việc điều chỉnh phải đảm bảo nguyên tắc không thất thoát tiền thuế đối với giao dịch trả lại hàng hóa giữa hai bên. Khi Công ty TNHH thương mại và đầu tư Hồng Quang hoạt động kinh doanh trở lại Cục Thuế TP. Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hồng Quang theo quy định của pháp luật.