Giai đoạn kết thúc kiểm toán gian lận trong quy trình kiểm toán báo cáo tài chính
Bài viết nghiên cứu về các bước công việc của giai đoạn kết thúc kiểm toán gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán độc lập thực hiện. Khảo sát được thực hiện trên 98 kiểm toán viên độc lập đang làm việc cho các công ty kiểm toán độc lập tại Việt Nam từ tháng 6 – 12/2022.
Thông qua phân tích kết quả, bài viết khuyến nghị các giải pháp để nâng cao chất lượng công việc giai đoạn kết thúc kiểm toán gian lận trong quy trình kiểm toán báo cáo tài chính đối với các kiểm toán viên nói riêng và các công ty kiểm toán nói chung tại Việt Nam.
Giới thiệu
Giai đoạn kết thúc là giai đoạn quan trọng trong quy trình kiểm toán bởi vì giai đoạn này là cơ sở kiểm toán viên (KTV) hình thành ý kiến kiểm toán và dựa trên những ý kiến trong báo cáo kiểm toán để những người quan tâm đưa ra quyết định kinh tế đúng đắn (Seifzadeh và cộng sự, 2021).
Tuy nhiên, nhiều vụ gian lận bê bối tài chính của các tập đoàn lớn trên thế giới như: Enron, WorldCom, Qwest, Tyco, Global Crossing, Olympus, Tesco, Toshiba… cho thấy báo cáo tài chính của các tập đoàn này, đều do các công ty kiểm toán hàng đầu trên thế giới thực hiện như: E&Y, PWC... Các hãng kiểm toán này không cảnh báo cho nhà đầu tư về hành vi gian lận trong báo cáo tài chính (BCTC) của các tập đoàn trên báo cáo kiểm toán.
Theo kết quả điều tra của ACFE, KTV độc lập chỉ có thể phát hiện khoảng 3% trong tổng số các vụ gian lận tài chính của các tập đoàn kinh tế trên thế giới. Các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam chỉ tập trung nghiên cứu vào các nhân tố ảnh hưởng tới ý kiến kiểm toán mà chưa nghiên cứu các bước công việc trong giai đoạn kết thúc kiểm toán gian lận (Pamungkas và cộng sự, 2018; Hidayatullah và cộng sự, 2020).
Do đó, nghiên cứu về các bước công việc trong giai đoạn kết thúc kiểm toán gian lận trong quy trình kiểm toán BCTC là chủ đề cần thiết để nghiên cứu nhằm hỗ trợ KTV trong phát hiện gian lận và đưa ra ý kiến kiểm toán thích hợp.
Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận
Trách nhiệm của KTV là phát hiện các sai phạm trọng yếu có ảnh hưởng tới BCTC bao gồm sai sót và gian lận (Gracia và Kurnia, 2021). Tuy nhiên, vì tính phức tạp và tinh vi của hành vi gian lận, đặc biệt là gian lận trong lập BCTC của các tập đoàn kinh tế, Ủy ban chuẩn mực kiểm toán và dịch vụ đảm bảo quốc tế (IAASB) ban hành chuẩn mực kiểm toán 240 về trách nhiệm của KTV trong phát hiện gian lận trong đó có đề cụ thể các bước công việc KTV phải thực hiện trong giai đoạn kết thúc kiểm toán như sau:
Thứ nhất, đánh giá lại rủi ro có sai phạm trọng yếu do gian lận ảnh hưởng tới BCTC: KTV đánh giá bằng chứng kiểm toán thu thập được trong giai đoạn thực hiện kiểm toán để xác định các rủi ro có sai phạm trọng yếu do gian lận đã bị loại bỏ hoặc còn tồn tại ở cấp độ cơ sở dẫn liệu (CSDL).
Dựa trên các bằng chứng kiểm toán thu thập và xét đoán nghề nghiệp, KTV xác định có cần thiết bổ sung thêm các thủ tục kiểm toán hay các thủ tục thay thế khác để loại bỏ các rủi ro có sai phạm trọng yếu do gian lận còn tồn tại. Trong giai đoạn này, KTV thường thực hiện thủ tục phân tích soát xét để xác định xu hướng và các mối quan hệ bất thường tồn tại trong các khoản mục trên BCTC sau khi đã kiểm toán.
Thứ hai, thu thập giải trình của Ban Giám đốc (BGĐ) và Hội đồng quản trị (HĐQT): KTV thu thập thư giải trình bằng văn bản của BGĐ và hội đồng quản trị (HĐQT) về kết quả đánh giá của BGĐ về các rủi ro có sai phạm trọng yếu do gian lận đối với BCTC của các công ty niêm yết, sự hiểu biết của BGĐ và HĐQT về gian lận tồn tại trong các đơn vị được kiểm toán, trách nhiệm của BGĐ và HĐQT trong việc thiết lập và duy trì kiểm soát nội bộ (KSNB) trong ngăn chặn và phát hiện gian lận.
Thứ ba, trao đổi với Ban lãnh đạo: Đối với gian lận trong lập BCTC, KTV phải trao đổi với BGĐ và HĐQT, đặc biệt HĐQT về mức độ ảnh hưởng trọng yếu của gian lận đối với BCTC và phản ứng của BGĐ và HĐQT về biện pháp xử lý đối với gian lận còn tồn tại về những vấn đề sau:
- BGĐ thiếu kiểm soát đối với các rủi ro có gian lận và phát hiện gian lận trong lập BCTC.
- BGĐ không khắc phục hoặc không xử lý kịp thời đối với các khiếm khuyết trọng yếu của KSNB trong việc phát hiện gian lận.
- Trao đổi với HĐQT trong việc đánh giá môi trường kiểm soát của đơn vị, đặc biệt là hoài nghi về tính chính trực của BGĐ.
- Trao đổi với HĐQT về các thay đổi trong chính sách kế toán nhằm điều chỉnh BCTC của BGĐ.
- BGĐ thiếu phê duyệt các nghiệp vụ bất thường của đơn vị, đặc biệt là các giao dịch với các bên liên quan hoặc các đơn vị có mục đích đặc biệt.
Trong trường hợp KTV xác định các sai phạm trọng yếu do gian lận và thuyết phục được các đơn vị được kiểm toán điều chỉnh các sai phạm đó, KTV và CTKT đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần. Trong trường hợp KTV và công ty kiểm toán (CTKT) không thuyết phục các đơn vị được kiểm toán đồng ý điều chỉnh các sai phạm đó, KTV đánh giá mức độ trọng yếu của sai phạm do gian lận và tính lan tỏa của các sai phạm trọng yếu ảnh hưởng tới BCTC để phát hành ý kiến ngoại trừ hoặc ý kiến trái ngược. Nếu KTV không có đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, KTV đánh giá những ảnh hưởng có thể có của các sai phạm trọng yếu do gian lận chưa được phát hiện (nếu có) và tính lan tỏa của sai phạm đó đối với BCTC thì KTV có thể lựa chọn ý kiến ngoại trừ hoặc ý kiến từ chối đưa ra ý kiến về BCTC.
Thứ tư, thông báo với các cơ quan quản lý và cơ quan pháp luật có liên quan theo nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng, KTV không thể thông báo hành vi gian lận ra bên ngoài đơn vị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, với mức độ nghiêm trọng của hành vi gian lận, theo quy định pháp luật và các quy định có liên quan, KTV có thể báo cáo về gian lận đối với cơ quan quản lý như cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, KTV có thể xin ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn pháp luật để xác định sự cần thiết báo cáo các gian lận cho cơ quan quản lý và cơ quan pháp luật có liên quan để đảm bảo lợi ích của người sử dụng thông tin trên BCTC.
Thứ năm, KTV không thể ngừng hoặc rút khỏi hợp đồng kiểm toán trong các trường hợp sau: Kết quả của các thủ tục kiểm toán cho thấy, các rủi ro có sai phạm trọng yếu và lan tỏa đối với BCTC của các đơn vị được kiểm toán ở phạm vi rộng; KTV lo ngại về tính chính trực của BGĐ và HĐQT trong thư giải trình, BGĐ và HĐQT không có biện pháp xử lý đối với việc xử lý các hành vi gian lận, bất đồng của BGĐ và HĐQT đối với CTKT về việc phát hành ý kiến kiểm toán. Trong trường hợp cần thiết, KTV cần tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật khi rút ra khỏi hợp đồng kiểm toán.
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết thực hiện phương pháp nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu khảo sát ý kiến của các KTV độc lập về các công việc thực hiện trong giai đoạn kết thúc kiểm toán gian lận trong quy trình kiểm toán BCTC. Nội dung khảo sát chủ yếu dựa trên nội dung quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam 240 (Bộ Tài chính, 2012). Phiếu khảo sát gửi đến phỏng vấn đối với 200 KTV độc lập đang làm việc cho các công ty kiểm toán độc lập trong khoảng thời gian từ tháng 6 - 12 năm 2022.
Tác giả tiến hành thiết kế mẫu khảo sát dưới dạng Google mail để gửi tới các KTV. Số lượng phiếu khảo sát thu về được 120 phiếu. Tuy nhiên, sau khi làm sạch các phiếu điều tra không hợp lệ thì số phiếu khảo sát hợp lệ là 98 phiếu. Tác giả sử dụng phần mềm SPSS để tiến hành kiểm định thống kê mô tả về các công việc KTV có tuân thủ và hỗ trợ KTV trong việc đưa ra ý kiến kiểm toán thích hợp đối với các trường hợp kiểm toán gian lận được thực hiện.
Kết quả và thảo luận kết quả khảo sát
Thông qua thông tin khảo sát gửi phiếu phỏng vấn thì các thông tin nhân khẩu học của đối tượng phỏng vấn bao gồm như Bảng 1.
Bảng 1: Thông tin nhân khẩu học của KTV |
|||
Thông tin nhân khẩu học |
KTV |
Tỷ lệ % |
|
Giới tính |
Nam |
63 |
64% |
Nữ |
35 |
36% |
|
Ví trị công việc |
Trợ lý KTV |
16 |
16% |
KTV |
44 |
45% |
|
Trưởng nhóm kiểm toán |
29 |
30% |
|
Chủ phần hùn |
9 |
9% |
|
Loại hình công ty kiểm toán |
Công ty kiểm toán Big 4 |
45 |
46% |
Công ty kiểm toán không phải là Big 4 |
53 |
54% |
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của tác giả
Đối tượng khảo sát được gửi phiếu phỏng vấn chủ yếu là các KTV đang làm việc cho các CTKT tại Việt Nam. Về giới tính, KTV nam chiếm tỷ lệ là 64% (bao gồm 63 người) trong đó KTV nữ là 36% (gồm 35 người). Với vị trí công việc đảm nhiệm, đối tượng phỏng vấn chủ yếu đã được cấp chứng chỉ KTV và thường xuyên thực hiện các cuộc kiểm toán chiếm tỷ lệ cao nhất là 45% (bao gồm 44 người), thứ hai là trưởng nhóm kiểm toán cũng là người chịu trách nhiệm kiểm soát quy trình kiểm toán BCTC với tỷ lệ là 30% (gồm 29 người), cuối cùng là trợ lý KTV và chủ phần hùn của CTKT là chiếm 16% và 9%.
Đối với loại hình CTKT thì số lượng kiểm toán trong các CTKT Big 4 và CTKT không phải là Big 4 có tỷ lệ tương đối bằng nhau là 46% và 54%. Như vậy, đối tượng khảo sát là phù hợp vì chủ yếu tập gửi phiếu phỏng vấn đối với những KTV trực tiếp thực hiện quy trình kiểm toán, đặc biệt là giai đoạn kết thúc kiểm toán.
Giai đoạn kết thúc kiểm toán gian lận được lồng ghép trong quy trình kiểm toán BCTC. Tuy nhiên, các công việc trong giai đoạn kết thúc kiểm toán liên quan đến gian lận được phát hiện có những vấn đề cần xử lý khác biệt so với các sai phạm do sai sót được phát hiện (Bảng 2).
Bảng 2: Kết quả thống kê mô tả về các công việc trong giai đoạn kết thúc kiểm toán gian lận trong quy trình kiểm toán BCTC |
||||||
STT |
Số quan sát |
ĐTT |
ĐTĐ |
GTTB |
Độ lệch chuẩn |
|
1. |
Đánh giá lại các rủi ro có sai phạm trọng yếu do gian lận ở cấp độ: |
|||||
CSDL |
98 |
1 |
5 |
3,46 |
1,080 |
|
BCTC |
98 |
1 |
5 |
3,64 |
0,958 |
|
2. |
Đánh giá lại rủi ro có gian lận thường sử dụng các kỹ thuật phân tích nào: |
|||||
Phân tích dọc |
98 |
1 |
5 |
3,35 |
1,056 |
|
Phân tích ngang |
98 |
1 |
5 |
3,56 |
0,935 |
|
Phân tích hồi quy |
98 |
1 |
4 |
1,36 |
0,637 |
|
3. |
Thu thập giải trình bằng văn bản của BGĐ và HĐQT các nội dung phổ biến sau |
|||||
Quy trình và kết quả đánh giá của BGĐ về rủi ro có sai phạm trọng yếu do gian lận |
98 |
1 |
5 |
3,87 |
0,821 |
|
Hiểu biết về sự tồn tại của gian lận trong lập BCTC |
98 |
1 |
5 |
3,54 |
1,034 |
|
Trách nhiệm của BGĐ và HĐQT trong quy trình thiết kế KSNB phát hiện và ngăn ngừa rủi ro gian lận |
98 |
1 |
5 |
3,71 |
0,975 |
|
4. |
Trao đổi với ban lãnh đạo, đặc biệt HĐQT các nội dung sau: |
|||||
BGĐ thiếu kiểm soát đối với các rủi ro có gian lận và phát hiện gian lận trong lập BCTC |
98 |
1 |
5 |
3,67 |
0,963 |
|
BGĐ không khắc phục hoặc không xử lý kịp thời đối với các khiếm khuyết trọng yếu của KSNB trong việc phát hiện gian lận |
98 |
1 |
5 |
2,65 |
0,831 |
|
Tập trung đánh giá môi trường kiểm soát của đơn vị, đặc biệt là hoài nghi về tính chính trực của BGĐ |
98 |
1 |
5 |
3,86 |
0,845 |
|
Trao đổi với HĐQT về các thay đổi trong chính sách kế toán nhằm điều chỉnh BCTC |
98 |
1 |
5 |
3,68 |
0,878 |
|
BGĐ thiếu phê duyệt các nghiệp vụ bất thường của đơn vị, đặc biệt là các giao dịch với các bên liên quan hoặc các SPE |
98 |
1 |
5 |
3,76 |
1,017 |
|
5. |
CTKT thường báo sai phạm trọng yếu do gian lận với các đối tượng |
|||||
Các thành viên của HĐQT |
98 |
1 |
5 |
3,69 |
0,935 |
|
Đại hội đồng cổ đông |
98 |
1 |
5 |
3,23 |
0,816 |
|
Cơ quan cấp trên |
98 |
1 |
5 |
3,13 |
0,878 |
|
Cơ quan pháp luật có liên quan |
98 |
1 |
4 |
1,52 |
0,763 |
|
6. |
KTV và CTKT rút khỏi hợp đồng kiểm toán trong những trường hợp: |
|||||
Kết quả của các thủ tục kiểm toán cho thấy các rủi ro có sai phạm trọng yếu và lan tỏa đối với BCTC |
98 |
1 |
4 |
2,09 |
0,678 |
|
KTV lo ngại về tính chính trực của BGĐ và HĐQT trong thư giải trình |
98 |
1 |
5 |
2,85 |
0,789 |
|
BGĐ và HĐQT không có biện pháp xử lý đối với các hành vi gian lận |
98 |
1 |
5 |
3,15 |
0,768 |
|
Bất đồng của BGĐ và HĐQT đối với DNKT về việc phát hành ý kiến kiểm toán |
98 |
1 |
5 |
4,31 |
0,856 |
|
7. |
Các loại ý kiến kiểm toán được sử dụng khi sai phạm trọng yếu do gian lận được phát hiện nhưng đơn vị được kiểm toán không điều chỉnh sai phạm đó: |
|||||
Ý kiến ngoại trừ |
98 |
1 |
5 |
3,58 |
0,954 |
|
Ý kiến từ chối đưa ra ý kiến |
98 |
1 |
5 |
3,13 |
0,857 |
|
Ý kiến trái ngược |
98 |
1 |
4 |
2,51 |
0,736 |
|
Valid N (listwise) |
98 |
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của tác giả
Thứ nhất, KTV đánh giá lại các rủi ro có gian lận ở cấp độ BCTC (3,46 điểm) và cấp độ cơ sở dẫn liệu - CSDL (3,64 điểm). KTV xác định các rủi ro có sai phạm trọng yếu do gian lận đã được loại bỏ hoàn toàn. Thông qua kết quả khảo sát cho thấy, công việc này thực hiện phổ biến trong các CTKT (xấp xỉ 3,5 điểm). KTV thường sử dụng thủ tục phân tích soát xét để tiến hành đánh giá lại các rủi ro có sai phạm trọng yếu bằng các kỹ thuật phân tích ngang (3,56 điểm) và phân tích dọc (3,35 điểm) để xác định các dấu hiệu bất thường trong các khoản mục và nghiệp vụ chưa được phát hiện, không sử dụng phân tích hồi quy (1,65 điểm).
Thứ hai, thu thập thư giải trình bằng văn bản của BGĐ và HĐQT cam kết: quy trình và kết quả đánh giá rủi ro có gian lận do BGĐ thiết lập (3,87 điểm) và hiểu biết của BGĐ về sự tồn tại của gian lận trong lập BCTC (3,54 điểm), BGĐ và HĐQT đều có trách nhiệm duy trì kiểm soát nội bộ nhằm ngăn ngừa và phát hiện gian lận có ảnh hưởng trọng yếu tới BCTC (3,71 điểm).
Thứ ba, trao đổi các sai phạm trọng yếu do gian lận với BGÐ và HĐQT, đặc biệt HĐQT về các vấn đề: BGĐ thiếu phê duyệt các giao dịch bất thường với các công ty con, trao đổi về việc tập trung đánh giá môi trường kiểm soát, đặc biệt là tính chính trực của BGĐ là nội dung trao đổi nhiều nhất (từ 3,76 điểm trở lên). Tiếp theo là, những thay đổi trong chính sách kế toán và các lỗ hổng của KSNB đối với các rủi ro có gian lận (trên 3,6 điểm). Tuy nhiên, BGĐ không khắc phục và không xử lý kịp thời các khiếm khuyết trọng yếu của KSNB về phát hiện gian lận không là nội dung trao đổi chủ yếu với HĐQT (2,65 điểm).
DNKT trao đổi với BGĐ về sai phạm trọng yếu do gian lận và thuyết phục đơn vị điều chỉnh sai phạm đó. Nếu đơn vị được kiểm toán đồng ý điều chỉnh thì KTV phát hành ý kiến chấp nhận toàn phần. Nếu BGĐ không đồng ý điều chỉnh thì KTV chịu trách nhiệm thông báo kết quả kiểm toán cho các thành viên của HĐQT (3,69 điểm), Đại hội đồng cổ đông (3,23 điểm) hoặc cơ quan quản lý cấp trên (3,13 điểm).
Trường hợp KTV rút hoặc ngừng cung cấp dịch vụ kiểm toán thường xảy ra trong trường hợp CTKT và đơn vị được kiểm toán không có sự thống nhất trong việc phát hành loại ý kiến kiểm toán (4,31 điểm), ít xảy ra khi kết quả của các thủ tục kiểm toán cho thấy rủi ro có sai phạm trọng yếu do gian lận và lan tỏa còn tồn tại (2,09 điểm).
Kết quả khảo sát cho thấy, các DNKT thường sử dụng các ý kiến kiểm toán khi tồn tại sai phạm trọng yếu nhưng không có tính lan tỏa thì sử dụng ý kiến ngoại trừ. Đối với trường hợp KTV không có đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp xác định sai phạm trọng yếu có thể có và có tính lan tỏa thì thường sử dụng ý kiến từ chối đưa ra ý kiến.
Thông qua phân tích kết quả thống kê mô tả cho thấy, các bước công việc trong giai đoạn kết thúc kiểm toán gian lận trong kiểm toán BCTC do các KTV độc lập thực hiện đều tuân thủ theo quy định Chuẩn mực kiểm toán. Tuy nhiên, việc phản ứng đối với các bước công việc là khác nhau đối với từng trường hợp khác nhau. Đối với việc đánh giá rủi ro có gian lận vẫn được KTV và công ty kiểm toán coi trọng để thực hiện đánh giá soát xét lại là công việc cần thiết để loại bỏ rủi ro có gian lận chưa được phát hiện trong giai đoạn lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán ở cấp độ BCTC và CSDL.
Kỹ thuật của KTV thường sử dụng để đánh giá lại rủi ro có gian lận thông qua thực hiện thủ tục phân tích soát xét là phân tích ngang và phân tích dọc là kỹ thuật phổ biến trong các CTKT thực hiện giai đoạn kết thúc kiểm toán hiện nay. Tuy nhiên, các kỹ thuật hiện đại hỗ trợ của máy tính như phân tích hồi quy cần được áp dụng vì nó là kỹ thuật có thể phân tích dữ liệu theo chuỗi thời gian và số liệu quy mô lớn giúp KTV có thể soát xét lại tính bất thường thông tin tài chính trên BCTC.
Các trao đổi của KTV đối với ban lãnh đạo cấp cao về hành vi gian lận trong lập BCTC thường tập trung đối với HĐQT và thông báo với HĐQT về hành vi gian lận của BGĐ mà đơn vị kiểm toán chưa phát hiện được. BGĐ là đối tượng thực hiện trực tiếp thì KTV có thể trao đổi để họ nhận thức về hành vi gian lận ảnh hưởng tới BCTC và nâng cao ý thức phòng chống gian lận trong các công ty.
Tuy nhiên, cần tăng cường trao đổi với HĐQT hoặc cơ quan quản lý cấp trên có biện pháp xử lý vì BGĐ có thể là người điều hành trực tiếp thì họ có thể không thông báo hoặc có thể cung cấp thông tin sai lệch đối với HĐQT. Nếu sai phạm mang tính nghiêm trọng ảnh hưởng tới số lượng lớn nhà đầu tư, CTKT cần xem xét chuẩn mực kiểm toán đạo đức nghề nghiệp liên quan đến tính bảo mật để có hình thức và phương pháp báo cáo cho cơ quan pháp luật có liên quan tránh rủi ro đối với người sử dụng thông tin vì hiện nay các CTKT chỉ cung cấp thông tin gian lận được phát hiện cho nội bộ đơn vị được kiểm toán.
Ý kiến kiểm toán đối với sai phạm trọng yếu do gian lận không có sự khác biệt so với sai phạm trọng yếu do sai sót. KTV đều phải đánh giá mức độ trọng yếu và lan tỏa của các sai phạm tác động tới BCTC nhằm xác định loại ý kiến kiểm toán phù hợp. Tuy nhiên, khi CTKT phát hiện sai phạm trọng yếu do gian lận, các báo cáo kiểm toán thường được phát hành chủ yếu dưới hình thức ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến để giảm bớt trách nhiệm của KTV và CTKT khi phạm vi kiểm toán bị giới hạn hoặc không thể thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế. Các CTKT rất ít khi sử dụng ý kiến kiểm toán trái ngược.
Do đó, CTKT cần xem xét mức độ trọng yếu và lan tỏa để đưa ra ý kiến kiểm toán trái ngược. CTKT thường chỉ ngừng hoặc chấm dứt cung cấp dịch vụ kiểm toán khi có sự bất đồng ý kiến của KTV đối với đơn vị được kiểm toán về ý kiến kiểm toán. Tuy nhiên, đối với kiểm toán gian lận, nhiều trường hợp KTV không thu thập đủ bằng chứng kiểm toán do tính phức tạp hành vi gian lận thì CTKT cần cân nhắc từ chối cuộc kiểm toán vì nó cũng sẽ dẫn đến ảnh hưởng kết luận kiểm toán, từ đó KTV không phát hành ý kiến kiểm toán thích hợp.
Tuy nhiên, bài viết còn có những hạn chế nhất định trong nghiên cứu. Bài viết tập trung nghiên cứu thống kê mô tả các bước công việc thực hiện trong giai đoạn kết thúc kiểm toán gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính dựa trên chuẩn mực kiểm toán 240 để nhận diện phản ứng và sự tuân thủ thực hiện của kiểm toán viên độc lập tại Việt Nam.
Do đó, hướng nghiên cứu trong tương lai của bài viết sẽ có thể nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới giai đoạn kết thúc kiểm toán gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính và tăng thêm số lượng mẫu đối với chủ thể tiến hành cuộc kiểm toán BCTC hoặc có thể tiến hành mở rộng đối tượng khảo sát đối với các chủ thể khác cung cấp dịch vụ kiểm toán tài chính như kiểm toán viên nội bộ hoặc kiểm toán viên nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Tài chính (2012), Thông tư số 214/2012/TT-BTC về ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, ban hành ngày 6/12/2012;
- Gracia, G., & Kurnia, R. (2021), The determinant factors affecting auditors’ ability to detect fraud: Empirical study at public accounting firms in Jakarta and Tangerang. Economics, Management and Sustainability, 6(2), 132-145;
- Hidayatullah, A., Ari, W., & Julianto, W. (2020), Analysis of Factors Affecting Audit report lag Manufacturing Company in Indonesia. International Journal of Sciences: Basic and Applied Research (IJSBAR), 54(1), 85-109;
- International Auditing and Assurance Standards Board (IAASB) (2009), International Standards on Auditing (ISA) 240 “The auditor’s responsibility to consider Fraud in an Audit of Financial Statements”, truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2015, tại http://www.ifac.org/system/files/downloads/a012-2010-iaasb-handbook-isa-240.pdf;
- Pamungkas, B., Ibtida, R., & Avrian, C. (2018), Factors influencing audit opinion of the Indonesian municipal governments’ financial statements. Cogent Business & Management, 5(1), 1540256;
- Seifzadeh, M., Salehi, M., Abedini, B., Khanmohammadi, M. H., & Ranjbar, M. H. (2021), Management characteristics and audit opinion shopping. Iranian Journal of Accounting, Auditing and Finance, 5(4), 77-99.