Giai đoạn tiếp theo của “chiến tranh tiền tệ” toàn cầu là gì?

Theo CNBC/Vietstock

(Taichinh) - Cuộc đua phá giá tiền tệ sắp chứng kiến nhiều khúc ngoặc mới trong mùa hè này khi các nhà phân tích đang chờ xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ xử lý như thế nào với một đồng USD mạnh hơn so với những đồng tiền khác.

Cuộc đua phá giá tiền tệ sắp chứng kiến nhiều khúc ngoặc mới. Nguồn: internet
Cuộc đua phá giá tiền tệ sắp chứng kiến nhiều khúc ngoặc mới. Nguồn: internet

Theo chiến lược gia Albert Edwards của ngân hàng Societe Generale, yếu tố khơi mào cho “hiệp đấu” mới của cuộc chiến tiền tệ này chính là đồng JPY của Nhật khi đồng tiền này rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002 so với đồng USD trong tuần trước.

Nhà chiến lược cực kỳ bi quan này tiên đoán rằng gói QE “vượt mức” của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể khiến đồng JPY tiếp tục suy yếu và “khởi động một hiệp đấu nữa trong cuộc chiến tiền tệ toàn cầu”, và theo ông, điều này có thể gây tác động bất lợi cho các nền kinh tế lớn trên toàn thế giới.

“Khi đồng JPY rơi lại phía sau so với các đồng tiền khác trong khu vực, và đồng Nhân dân tệ buộc phải tham gia vào cuộc chiến phá giá để cạnh tranh, thì nỗi sợ giảm phát chắc chắn sẽ nhanh chóng bùng phát trở lại ở phương Tây,” ông nói.

Quản lý kho dự trữ ngoại hối có thể là cách mà ngân hàng trung ương của một quốc gia có thể can thiệp trước những biến động tiền tệ, cùng với việc thay đổi lãi suất và áp dụng QE. Các ngân hàng trung ương thường lặp đi lặp lại rằng tỷ giá hối đoái không phải là mục tiêu cơ bản của chính sách mà có thể được xem là một sản phẩm phụ tích cực của việc nới lỏng tiền tệ hơn.

Trong vài năm qua đã có những cuộc thảo luận cho rằng các quốc gia đang phá giá đồng tiền của chính họ một cách có chủ đích – một mối quan ngại mà Bộ trưởng bộ Tài chính Brazil, Guido Mantega, gọi là “cuộc chiến tiền tệ” vào tháng 9/2010.

Nếu một quốc gia để cho đồng nội tệ của mình mạnh hơn so với đồng tiền của các quốc gia khác thì các nhà kinh tế cho rằng điều đó có thể dẫn đến kịch bản giảm phát, theo đó hàng nhập khẩu rẻ được ưu đãi hơn so với hàng sản xuất trong nước. Các dữ liệu kinh tế từ đầu năm đến nay cho thấy rằng hầu hết các nền kinh tế toàn cầu đang có mức tăng trưởng giá tiêu dùng rất yếu.

“Mỹ và các quốc gia sử dụng đồng euro vẫn trong tình trạng suýt rơi vào giảm phát toàn cục. Đồng JPY yếu có thể đẩy họ qua khỏi bờ vực này và rơi vào giảm phát toàn cục khi Trung Quốc buộc phải tham gia vào cuộc chiến tiền tệ toàn cầu,” Edwards cảnh báo.

Nhưng không chỉ có các quốc gia châu Á mới đứng trước nguy cơ phá giá tiền tệ. Đồng euro đã suy yếu do chương trình mua tài sản của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Simon Derrick, chiến lược gia trưởng phụ trách về tiền tệ tại BNY Mellon, thậm chí lưu ý rằng Ngân hàng Trung ương Na Uy đang giám sát chặt chẽ sức mạnh đồng nội tệ của họ.

Trong năm nay, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2003 so với những đồng tiền khác, và Fed dường như là ngân hàng trung ương duy nhất đang tính đến chuyện rút lại gói kích thích tiền tệ của họ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế tranh cãi rằng điều đó có thể dẫn đến một “trò chơi phá giá tiền tệ” trong năm nay.

Tháng trước, nhà kinh tế học Nouriel Roubini cho rằng đồng USD đã tham gia vào các cuộc chiến tiền tệ. Trong một bình luận trên trang Project Syndicate, ông nói rằng “mối lo lắng về tỷ giá” từ các quan chức Mỹ ngày càng trở nên rõ rệt.

Derrick đề xuất Fed cần suy nghĩ lại về chuyện tăng lãi suất nếu họ thật sự lo lắng về sức mạnh của đồng USD. Còn Edwards nói thêm rằng tình trạng giảm phát khiến mọi người lo lắng hiện đang được “nhập khẩu” vào Mỹ, đặc biệt là từ Nhật Bản. Có thể không bao lâu nữa chúng ta sẽ được chứng kiến giai đoạn tiếp theo trong tập mới nhất của cuộc chiến phá giá tiền tệ này, và đối với Edwards, chính đồng JPY là đồng tiền mà chúng ta nên để mắt đến.

“Tôi cho rằng sự suy yếu của đồng JPY sẽ trở thành một động lực to lớn cho các thị trường và các nền kinh tế. Một hiệp đấu mới của cuộc chiến tiền tệ đang bắt đầu”, ông nói.