Nga lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Kinh tế phương Đông

Theo daibieunhandan.vn

Với 80 thỏa thuận hợp tác trị giá 1.300 tỷ ruble (tương đương 18,9 tỷ USD) được ký kết, Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) đầu tiên đã khép lại 3 ngày làm việc thành công tại thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga. Đây được coi là kết quả ngoài mong đợi, cho thấy Nga vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

 Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok. Nguồn: internet
Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok. Nguồn: internet

Nghị sự thiết thực

Diễn đàn với sự tham gia của hơn 4.000 người, trong đó khoảng 1.500 quan khách nước ngoài và 600 phóng viên đưa tin. Ngoài ra còn có sự hiện diện của rất nhiều quan chức đến từ các nền kinh tế lớn trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu tham dự sự kiện này.

Diễn đàn bao gồm 27 phiên thảo luận chính theo chủ đề, 7 phiên thảo luận bổ sung, 9 bài thuyết trình và một phiên họp toàn thể. Các phiên thảo luận đã đề cập nhiều vấn đề đa dạng như tiềm năng vùng Viễn Đông của Nga trong phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Phát triển năng lượng - động lực phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực; Phát triển đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, tiềm năng du lịch; Kinh tế tri thức và xã hội tri thức; Giáo dục trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Dầu khí - cầu nối giữa Nga với châu Á - Thái Bình Dương; Nền sản xuất và công nghệ hiện đại; Phát triển lâm nghiệp ...

Tại diễn đàn, Nga đã giới thiệu tới các đối tác về tiềm năng, khả năng hợp tác của vùng Viễn Đông rộng lớn, có diện tích tự nhiên hơn 6 triệu km2 với khoảng 6 triệu dân, bao gồm tiềm năng du lịch, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng… và vai trò của khu vực này trong tổng thể kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Với việc giới thiệu hơn 200 dự án đầu tư trị giá khoảng 500 tỷ ruble, Nga đã chứng minh cho các đối tác thấy đã sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư với những điều kiện thuận lợi nhất.

Sân chơi mới

Quy mô rộng rãi và mức độ quan tâm của các đối tác kinh tế của Nga khiến cho Diễn đàn Kinh tế phương Đông được kỳ vọng trở thành sân chơi quan trọng, giống như Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg nổi tiếng của Nga, dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một trong những mục đích quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg được tổ chức tháng 6.2015 là tìm kiếm các đồng minh có khả năng thay thế Mỹ và châu Âu, đó là các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm các nước mới nổi BRICS. Còn ở Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần đầu tiên này, Nga nhắm tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của kinh tế vùng Viễn Đông và mở rộng hợp tác quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nói cách khác, Nga có thêm một công cụ nữa trong công cuộc Đông tiến của mình.

Ngay tại phiên họp toàn thể, Tổng thống Vladimir Putin tái khẳng định một trong những chủ trương thể hiện chính sách hướáng Đông của Nga là phát triển vùng Viễn Đông. Trong tương lai, vùng Viễn Đông sẽ phát triển như một trong những trung tâm kinh tế - xã hội then chốt của Nga. Hiện tại khu vực này đang triển khai hàng chục dự án đầu tư lớn, thậm chí mang tính toàn cầu. Ưu tiên hàng đầu của Nga tại vùng Viễn Đông là chính sách phát triển kinh tế - xã hội và thành lập hệ thống giao thông hiện đại tại đây.

Tổng thống Putin tin tưởng, các nước châu Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ là đầu tàu của nền kinh tế thế giới và là thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ quan trọng. Nga, quốc gia có nguồn tài nguyên lớn, sẽ có khả năng bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ then chốt của Nga và các nước châu Á - Thái Bình Dương là thiết lập cầu năng lượng. Theo ông, sự hội nhập Á - Âu cũng đang mở ra những cơ hội mới cho mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi trong lĩnh vực thương mại, bao gồm cả Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia và Kyrgyzstan).

Với thành công của Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Nga muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng “Xứ sở Bạch Dương” vẫn vững vàng trước những tác động do các biện pháp trừng phạt và bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây. Và không gì có thể cô lập được Nga trong quá trình hợp tác kinh tế với thế giới bên ngoài. Đây cũng là hướng đi được đánh giá là đầy sáng tạo để khôi phục và phát triển kinh tế dựa trên sức hút hấp dẫn của thị trường nội địa Nga. Ngoài ra, việc nâng cấp diễn đàn cũng cho thấy rõ quyết tâm trong chiến lược hướng Đông của Moscow.