Giải mã căn bệnh “nghiện” shopping của thời đại

Theo Mỹ Hạnh/kinhtevadubao.vn

Mua sắm rõ ràng là sở thích của mỗi bạn gái. Tuy nhưng nếu vung tiền chỉ để giải tỏa tâm lý một cách thường xuyên và khó kiểm soát thì bạn có nhiều khả năng mắc một chứng bệnh mà chuyên gia tâm lý hay gọi là “hội chứng nghiện mua sắm”.

 Phần lớn hội chứng nghiện mua sắm không dễ dàng điều trị một cách nhanh chóng. Nguồn: Internet
Phần lớn hội chứng nghiện mua sắm không dễ dàng điều trị một cách nhanh chóng. Nguồn: Internet

Thế nào là chứng "nghiện" shopping?

Theo chuyên gia, hội chứng nghiện mua sắm là tình trạng bất thường của một cá nhân. Nhận thức cũng như hành vi của cá thể thường xuyên bị ám ảnh bởi hai từ mua sắm, dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng hay xung đột. Từ đó nhiều phiền toái sẽ xảy đến nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Vài yếu tố dẫn đến  chứng "nghiện" shopping

Thứ nhất, từ góc nhìn xã hội học thì chứng nghiện mua sắm rất có thể xuất phát từ sự tôn sùng vật chất. Việc sở hữu những món đồ có giá trị đối với họ là một niềm hạnh phúc khó tả. Nhóm người này sẵn sàng chi rất nhiều tiền để thỏa nhu cầu mua sắm nhằm mục đích khẳng định giá trị theo cách riêng.

Thứ hai, đối với người mắc chứng nghiện mua sắm mỗi khi sở hữu trong tay những món đồ ưa thích não bộ sẽ tiết endorphin và dopamine. Những chất này chính là xúc tác hưng phấn dẫn truyền cho mọi chứng nghiện ở con người. Đây là lẽ đương nhiên khi con người ta cảm thấy khoái cảm về một hành vi nào đó thường có xu hướng lặp lại nhiều lần và nghiện là cái kết cho hành vi.

Vài dấu hiệu nhận biết 

Mua sắm vượt quá khả năng bản thân: Những ai mắc phải chứng bệnh này thường không thể kiểm soát được bản thân và không định nghĩa được như nào là đủ. Họ tiêu tiền vượt quá khả năng tài chính hiện có và tự đẩy bản thân vào nợ nần chồng chất.

Mua sắm kéo dài theo thời gian: Hội chứng này rất hiếm khi xuất hiện trong thời gian ngắn mà thay vào đó sẽ kéo dài một tháng, hai tháng hoặc thậm chí lâu hơn.

Che giấu mọi thứ liên quan: đây là đặc trưng thường thấy của những nạn nhân mắc các chứng nghiện. Những người nghiện shopping thường giấu đi mọi thứ liên quan đến hội chứng bệnh, thậm chí bí mật mở nhiều tài khoản ngân hàng nhằm thỏa nhu cầu cá nhân.

Tự tách bản thân ra khỏi tập thể, cộng đồng: Đa phần thời gian của những bệnh nhân này thường dành cho việc mua sắm. Chính bởi thế họ luôn bận rộn với những suy nghĩ tiêu tiền. Một khi khả năng không còn đáp ứng được họ sẽ ngập mặt với những khoản nợ rồi dần tự cô lập bản thân, tách mình ra khỏi các mối quan hệ xã hội.

Gợi ý một số cách để không còn "nghiện" shopping

 Phần lớn hội chứng nghiện mua sắm không dễ dàng điều trị một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, một số cách sau có thể hướng đến.

- Phương pháp điều trị đầu tiên nên nghĩ ngay đến là tìm gặp bác sĩ tâm lí để được tư vấn và giải đáp. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình.

- Một cách điều trị khác nữa là dùng thuốc nếu chứng bệnh nghiện shopping xuất phát từ trầm cảm hoặc một vài chứng tâm lý khác. Tuy nhiên, không phải khi nào thuốc cũng là cách điều trị thích hợp. Các liệu pháp về nhận thức – hành vi thường được các chuyên gia tâm lý ưa chuộng để điều trị cho bệnh nhân có các vấn đề về tài chính.

- Mặc dầu tìm đến sự hỗ trợ từ bác sĩ hay chuyên gia tâm lý là điều nên làm nhưng xét cho cùng nhận thức của bệnh nhân mới có sức ảnh hướng lớn đến kết quả điều trị. Người nghiện mua sắm cần ý thức được bệnh tình để thay đổi hành vi trong khả năng có thể nhằm đạt kết quả điều trị tốt nhất.

Tóm lại, sở thích mua sắm không phải là một cái tội mà mỗi bạn gái nên từ bỏ. Chẳng qua mỗi người nên tự biết đâu là điểm dừng, đâu mới là giá trị thật sự.