Giải pháp nâng cao hiệu quả vận dụng kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh

Cô Hồng Liên – Trường Đại học Trà Vinh

Nghiên cứu này đánh giá hiệu quả vận dụng kế toán quản trị chi phí (KTQTCP) tại doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh. Thông qua khảo sát 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bản tỉnh Trà Vinh, kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ tác động của từng yếu tố đến việc vận dụng KTQTCP tại doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh theo thứ tự tác động giảm dần như sau: Quan hệ giữa lợi ích – chi phí; Kiểm soát chi phí quản lý môi trường; Trình độ nhân viên kế toán; Chiến lược kinh doanh; Nhận thức của nhà quản trị về KTQTCP.

Đặt vấn đề

KTQTCP là một trong những nội dung quan trọng thuộc KTQT, nó là công cụ hữu hiệu đáp ứng nhu cầu thông tin chi phí cho các nhà quản trị để đưa ra các quyết định kinh doanh.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực tìm kiếm cách thức kiểm soát, quản lý, để tối thiểu hóa chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh thì việc vận dụng KTQTCP phải hiệu quả sẽ giúp nhà quản trị giải quyết được những vấn đề trên, vì đa phần các quyết định của nhà quản trị đều liên quan đến chi phí.

Bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm giúp việc vận dụng KTQTCP đạt hiệu quả tối ưu nhất trong DN.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành qua 2 bước: (1) Nghiên cứu định tính bằng cách xây dựng thang đo và các biến quan sát phù hợp được dựa trên cơ sở các lý thuyết có liên quan, kế thừa các nghiên cứu trước và tham khảo ý kiến chuyên gia tác giả đưa ra các yếu tố tác động đến việc vận dụng KTQT chi phí tại các DN tỉnh Trà Vinh. Từ đó xây dựng bảng câu hỏi khảo sát gửi đến 200 DN. (2) Nghiên cứu định lượng thông qua sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 20.0 bằng việc sử dụng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha để kiểm tra mức độ chặt chẽ mà các mục hỏi trong thang đo tương đương với nhau; phân tích nhân tố khám phá (EFA) được kiểm định các nhân tố tác động và nhận diện các yếu tố được cho là phù hợp; đồng thời sử dụng phân tích hồi quy đa biến để xác định các nhân tố và mức độ tác động của từng nhân tố đến việc vận dụng KTQTCP tại các DN sản xuất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Mô hình nghiên cứu cụ thể như sau:

VDKTQT = β0 + β1CLKD + β2QDPL + β3KSPC + β4TDKT+ β5NTNQT + β6LICP + ε

Trong đó: βI là trọng số hồi quy; biến CLKD là chiến lược kinh doanh của DN; biến QDPL là quy định pháp lý tại DN; biến KSCP là kiểm soát chi phí quản lý môi trường tại DN; biến TDKT là trình độ nhân viên kế toán tại DN; biến NTNQT là nhận thức về KTQTCP của nhà quản trị DN; biến LICP là mối quan hệ giữa lợi ích và chi phí trong DN; biến VDKTQT là việc vận dụng KTQT tại các DN tỉnh Trà Vinh; ε là hệ số nhiễu.

Kết quả nghiên cứu

Bảng 1: Kết quả kiểm KMO and Bartlett's Test cho biến kiểm soát chi phí quản lý môi trường

Kaiser-Meyer-Olkin Measure of Sampling Adequacy.

0,698

Bartlett's Test of Sphericity

Approx. Chi-Square

298,701

df

3

Sig.

0,000

Nguồn: Kết quả phân tích SPSS, 2022

Phân tích độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha

Kết quả đánh giá độ tin cậy của thang đo Cronbach’s Alpha cho 6 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc cho thấy, tất cả các thang đo đều lớn hơn 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0,6 cụ thể: CLKD có Cronbach’s Alpha = 0,892; QDPL có Cronbach’s Alpha = 0,866; TDKT Cronbach’s Alpha = 0,856; KSCP Cronbach’s Alpha = 0,821; NTNQT Cronbach’s Alpha = 0,802; LICP Cronbach’s Alpha = 0,788; và VDKT Cronbach’s Alpha = 0,807. Do đó, các biến đều được sử dụng để phân tích EFA.

Phân tích nhân tố khám phá EFA

Bảng 2: KMO and Bartlett's Test

Kaiser-Meyer-Olkin Measure of Sampling Adequacy.

0,777

Bartlett's Test of Sphericity

Approx. Chi-Square

372,748

df

6

Sig.

0,000

Nguồn: Kết quả phân tích SPSS, 2022

Kết quả phân tích EFA chi phí quản lý môi trường (KSCP) cho thấy, hệ số KMO = 0,698 và kiểm định Barlett có Sig. = 0,000 (< 0,05), do đó, phân tích EFA phù hợp với dữ liệu nghiên cứu (Bảng 1). Phân tích EFA cho biến phụ thuộc VDKT kết quả hệ số KMO = 0,777 và kiểm định Barlett có Sig. = 0,000 (< 0,05) cho thấy, phân tích nhân tố còn lại là thích hợp với dữ liệu nghiên cứu (Bảng 2). Phân tích EFA cho biến độc lập (CLKD, TDKT, KSCP, NTNQT, QDPL, LICP) kết quả hệ số KMO = 0,831; kiểm định Barlett có Sig. = 0,000 (< 0,05) phân tích EFA phù hợp với dữ liệu nghiên cứu (Bảng 5).

Phân tích tương quan

Bảng 3: Model Summaryb

Adjusted R Square

Std. Error of the Estimate

Durbin-Watson

0,707

0,56911

2,150

Nguồn: Kết quả phân tích SPSS, 2022

Kết quả phân tích trong bảng Model Summaryb cho thấy, R2 hiệu chỉnh = 0,707 mô hình có độ phù hợp đạt yêu cầu, điều này có nghĩa 70,7% sự biến thiên của việc vận dụng KTQT trong các DN tỉnh Trà Vinh và được giải thích bởi sự biến thiên của 5 biến độc lập; còn lại 29,3% được giải thích bởi các biến ngoài mô hình, những yếu tố chưa được nghiên cứu và sai số ngẫu nhiên.

Bảng 4: ANOVAa

Model

Sum of Squares

df

Mean Square

F

Sig.

1

Regression

205,390

6

34,232

105,690

0,000b

 

Residual

81,944

253

0,324

   
 

Total

287,333

259

     

a. Dependent Variable: VAN DUNG KE TOAN

b. Predictors: (Constant), LOI ICH CHI PHI, PHAP LY, NTNQT, KIEM SOAT CP, CHIEN LUOC, TRINH DO KT

Nguồn: Kết quả phân tích SPSS, 2022

Kết quả phân tích hồi quy để kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến của mô hình cho thấy, hệ số phóng đại phương sai của các khái niệm độc lập trong mô hình (VIF < 2) chứng tỏ các khái niệm độc lập với nhau và không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

Kiểm định tính độc lập của phần dư: Để kiểm tra phần dư có dạng phân phối chuẩn, tác giả sử dụng kết quả đại lượng thống kê Durbin – Watson của hàm hồi quy có giá trị 2,150 < 3, cho thấy, không có xảy ra hiện tượng tự tương quan chuỗi bậc 1 hay nói cách khác các phần dư ước lượng của mô hình độc lập không có mối quan hệ tuyến tính với nhau.

Phương trình hồi quy được viết như sau:

VDKTQT = 0,316*LICP + 0,261*KSPC + 0,189*TDKT + 0,156*CLKD + 0,152*NTNQT

Từ phương trình hồi quy cho thấy, có 5 yếu tố được chấp nhận có tác động cùng chiều với việc vận dụng KTQTCP tại các DN tỉnh Trà Vinh. Trong đó, yếu tố tác động mạnh nhất là mối quan hệ giữa lợi ích và chi phí trong DN và yếu tố kiểm soát chi phí môi trường tại DN có tác động trong việc vận dụng KTQTCP tại DN.

Theo đó, trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi, khi các yếu tố mối quan hệ lợi ích và chi phí; kiểm soát chi phí quản lý môi trường; trình độ nhân viên kế toán; chiến lược kinh doanh; nhận thức về KTQTCP của nhà quản trị trong DN tăng 1 thì việc vận dụng KTQTCP tại các DN tỉnh Trà Vinh tăng lên tương ứng 0,316; 0,261; 0,189; 0,156 và 0,152.

Một số giải pháp đề xuất

Bảng 5: KMO and Bartlett's Test

Kaiser-Meyer-Olkin Measure of Sampling Adequacy.

0,831

Bartlett's Test of Sphericity

Approx. Chi-Square

2922,989

df

210

Sig.

0,000

Nguồn: Kết quả phân tích SPSS, 2022

Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm vận dụng KTQTCP đạt hiệu quả tối ưu nhất trong DN như sau:

Thứ nhất, quan hệ giữa lợi ích – chi phí. Kết quả nghiên cứu nhận định mối quan hệ giữa lợi ích và chi phí có mức ảnh hưởng cao nhất đến việc vận dụng KTQTCP trong DN. Tuy nhiên, để vận dụng yếu tố này vào KTQTCP đạt hiệu quả thì việc đầu tư công nghệ phục vụ cho tổ chức KTQTCP cần phải xem xét và lựa chọn phần mềm nào phù hợp với ngành nghề kinh doanh và phải đảm bảo hiệu quả trong quá trình đầu tư.

Đồng thời, tổ chức KTQTCP phải mang tính hiệu quả, trình độ chuyên môn và năng lực của kế toán có khả năng cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, phù hợp theo yêu cầu nhà quản trị DN. KTQTCP được tổ chức phải tuân thủ theo những quy định pháp lý liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của DN và tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường xung quanh.

Thứ hai, kiểm soát chi phí quản lý môi trường. Chi phí quản lý môi trường được xác định là một trong những chỉ tiêu quan trọng của KTQT môi trường. Các chi phí phát sinh trong DN thường có giá trị lớn và phát sinh thường xuyên, mà những chi phí này có liên quan đến KTQTCP. Vì thế, kế toán cần phân loại chi phí sản xuất và chi phí môi trường một cách rõ ràng và cụ thể. Chi phí liên quan đến môi trường được các nhà quan trị quan tâm vì có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, vì thế nhà quản trị cần nắm rõ những thông tin chi tiết về chi phí quản lý môi trường để có thể kiểm soát hiệu quả và ra quyết định hợp lý và đạt hiệu quả cao.

Thứ ba, trình độ nhân viên kế toán. Nhân viên kế toán cần được đào tạo chuyên sâu về KTQTCP, hiểu được nội dung của KTQT chi phí một cách đầy đủ để áp dụng vào DN có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhân viên kế toán được cập nhật thường xuyên về kiến thức chuyên môn, kỹ năng giải quyết công việc cao, đặc biệt là kế toán phải có kiến thức và kinh nghiệm của KTQTđể thực hiện và cung cấp thông tin linh hoạt, phù hợp và đáng tin cậy cho nhà quản trị. Đồng thời, KTQT không hoạt động riêng lẻ mà được thể hiện dưới sự kết hợp giữa kế toán tài chính, quản trị DN... vì thế người làm kế toán cần phải có khả năng thích nghi và linh hoạt cao.

Thứ tư, chiến lược kinh doanh. Vai trò của nhà quản trị có ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược kinh doanh của DN. Nhà quản trị là người hoạch định chiến lược trong tương lai của DN, vì thế nhà quản trị có tầm nhìn và kiến thức sâu rộng sẽ hoạch định ra những chiến lược sâu rộng và khả năng rủi ro thấp và đạt được mục tiêu đề ra. Sứ mệnh DN được xác định rõ ràng và mục tiêu chiến lược của DN cũng phải được xây dựng cụ thể. Việc xác định rõ ràng những mục tiêu, sứ mệnh cần đạt được của DN là rất cần thiết. Từ đó, tất cả người lao động căn cứ vào đó cố gắng, nỗ lực để đạt được mục tiêu chung đã đề ra.

Thứ năm, nhận thức của nhà quản trị về KTQTCP. Nhà quản trị DN và cán bộ kế toán cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và lợi ích KTQT nói chung và KTQTCP nói riêng trong DN. Trên cơ sở các thông tin do KTQT cung cấp, nhà quản trị phải phân tích, sử dụng các thông tin phù hợp. Nhà quản trị cần đưa các yêu cầu về thông tin mà KTQT phải cung cấp. Từ đó, có kế hoạch, chiến lược phát triển kinh doanh thông qua việc lập kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cũng như có các biện pháp khác quản lý DN thích hợp. Mặt khác, kế toán cần xác định mục tiêu của KTQTCP, tổ chức phân loại chi phí và xác định các chỉ tiêu đánh giá khác nhau để cung cấp thông tin hữu ích cho nhà quản lý.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ulf Diefenbach, Andreas Wald, Ronald Gleich (2018), Between cost and benefit: investigating effects of cost management control systems on cost efficiency and organisational performance, Original paper;
  2. Radhakrishna, A., and R. Satya Raju (2015), A Study on the effect of human resource development on employment relations, IUP journal of management research;
  3. Hair, J.F., Hult, G.T.M., Ringle, C.M., & Sarstedt, M. (2016), Aprimer on partial least squares structural equation modeling (2nd ed.), Thousand Oaks, CA: SAGE Publications.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 số tháng 5/2023