Mối quan hệ giữa kế toán quản trị đương đại và quản trị doanh nghiệp

Đức Nghĩa

Kế toán quản trị là công cụ hỗ trợ quan trọng cho quá trình ra quyết định của các nhà quản trị
Kế toán quản trị là công cụ hỗ trợ quan trọng cho quá trình ra quyết định của các nhà quản trị

Kế toán quản trị (KTQT) truyền thống trước đây và KTQT đương đại ngày nay đều chỉ nhằm phục vụ cho các đối tượng bên trong doanh nghiệp (DN). Chính đặc điểm này làm cho KTQT gắn bó chặt chẽ và mật thiết với công tác quản trị DN. Kế toán quản trị đương đại và các nhà quản trị cùng tồn tại và chia sẻ nhiều mối quan tâm chung với nhau. Có thể tóm tắt như sau:

Đo lường thành quả hoạt động của tổ chức.

Điều dễ nhận thấy nhất đó là KTQT đương đại và các nhà quản trị đều chú ý đến việc đo lường thành quả hoạt động của tổ chức (Bryant, 2004). KTQT sử dụng các phương pháp khác nhau, chẳng hạn như dự toán, phân tích biến động, phân tích tỷ lệ, để cung cấp các tiêu chí đo lường hiệu quả tài chính cho nhà quản trị. Sau đó, nhà quản trị sử dụng các kết quả này cùng với những chỉ tiêu khác như sự hài lòng của khách hàng, sự gắn kết của nhân viên, để đánh giá thành quả quả hoạt động của tổ chức và ra các quyết định thích hợp.

Tạo ra giá trị cho khách hàng và các bên liên quan

Mối quan tâm chung tiếp theo giữa KTQT đương đại và các nhà quản trị đó là tập trung vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng và các bên liên quan (Valančienė, 2007).

Các công cụ khác nhau của KTQT được sử dụng, chẳng hạn như tính phí dựa trên hoạt động (ABC), phân tích chuỗi giá trị (value chain), để xác định cơ hội giảm thiểu chi phí và tăng doanh thu cho tổ chức còn các nhà quản trị có thể quản trị dựa trên hoạt động (ABM) hoặc dựa trên giá trị để ra quyết định kịp thời (Firk, 2016).

Đề cao công nghệ trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức

Điểm chung thứ ba giữa KTQT đương đại và các nhà quản trị là đều nhận ra tầm quan trọng của công nghệ trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Các nhà quản trị sử dụng các công nghệ hỗ trợ khác nhau, chẳng hạn như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain) để cải thiện việc ra quyết định và hiệu quả của tổ chức, trong khi KTQT ứng dụng công nghệ để thu thập, phân tích và diễn giải tcác thông tin tài chính và phi tài chính theo cách có ý nghĩa hơn.

Mối quan hệ giữa kế toán quản trị đương đại và quản trị DN mang tính tương hỗ KTQT cần sự ủng hộ của các nhà quản trị trong việc cung cấp nguồn lực nhằm xây dựng hệ KTQT và phối hợp với các bộ phận khác trong tổ chức.

Ở chiều ngược lại, KTQT là công cụ hỗ trợ quan trọng cho quá trình ra quyết định của các nhà quản trị. Nixon (2012) cho rằng, KTQT đóng vai trò như một phương tiện tích hợp mạnh mẽ quá trình liên kết các mục tiêu chiến lược cấp vĩ mô với các mục tiêu hoạt động cấp vi mô trong DN.

Về mặt thực tiễn, sự gắn bó mật thiết giữa KTQT đương đại với các nhà quản trị là không thể phủ nhận. Các nghiên cứu về KTQT đương đại đã được tiến hành nhưng chỉ làm sáng tỏ rất ít về cách thức các kỹ thuật này được triển khai trên thực tế, và cũng chưa đưa ra lời giải thích thỏa đáng về cơ sở lý thuyết của các kỹ thuật được áp dụng.

Thực tế trên cho thấy, cần nhiều hơn các nghiên cứu thực nghiệm về nhận thức của các nhà quản trị DN về lợi ích và cách thức áp dụng những kỹ thuật khác nhau của kế toán quản trị đương đại trong các đơn vị.