Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa bền vững?

Theo Hà Anh/nhandan.vn

Trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so cùng kỳ năm trước, tiếp tục kéo dài thành tích của hoạt động xuất khẩu thời gian qua. Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng điều đáng lo ngại là xuất khẩu của nước ta còn thiếu bền vững.

Xuất khẩu dệt may vẫn vướng bài toán nguyên liệu.
Xuất khẩu dệt may vẫn vướng bài toán nguyên liệu.

Xuất khẩu mới chỉ tăng về kim ngạch

Thuộc top một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, theo báo cáo của WTO, trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 xảy ra, dệt may Việt Nam vẫn vượt Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đến năm 2021, khi các quốc gia tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU bao phủ được vaccine thì nhu cầu dệt may tiếp tục trở lại rất nhanh.

“Tổng cầu nhập khẩu của năm 2021 lên đến hơn 300 tỷ USD, tăng so cả năm 2020 đến khoảng 12%. Cùng với đó, xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam cũng có sự cải thiện. Trong năm 2021, ngành dệt may xuất khẩu 40 tỷ USD, Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong năm 2021 cũng đạt được lợi nhuận cao nhất trong lịch sử 26 năm hình thành với gần 1.500 tỷ đồng lợi nhuận. Đây là một con số rất là ấn tượng”, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam thông tin.

Tiếp đà của năm 2021, đến năm 2022, giai đoạn 6 tháng đầu năm, thị trường vẫn có nhu cầu, lợi nhuận Tập đoàn đạt 981 tỷ và vượt kế hoạch 3%. Doanh thu xuất khẩu đạt hơn 10.000 tỷ đồng và tăng gần 40% so cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu năm nay, tất cả các lĩnh vực sợi, may của Tập đoàn đều tăng trưởng.

Dệt may là một trong những mặt hàng giữ được đà tăng trưởng, đóng góp vào thành tích chung của hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so cùng kỳ năm trước, tiếp tục kéo dài thành tích của hoạt động xuất khẩu thời gian qua.

Tuy nhiên, nếu nhìn về tổng thể, xuất khẩu hàng hóa vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững. TS Lê Quốc Phương, chuyên gia kinh tế chia sẻ, tất cả những con số tăng trưởng xuất khẩu mới tập trung vào lượng, còn tăng về chất còn yếu. Kim ngạch xuất khẩu tuy cao nhưng giá trị gia tăng còn thấp, so các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia giá trị gia tăng của chúng ta thấp hơn nhiều… Bên cạnh đó, cơ cấu chuyển dịch chuyển biến mạnh mẽ song chủ yếu là hàng công nghiệp chế biến chế tạo, gia công lắp ráp, nguyên liệu thô. Điều này cho thấy, hiện chúng ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhập siêu rất lớn.

Đơn cử, ngay với ngành dệt may, tỷ lệ nội địa hóa hiện nay mới vào khoảng 55%. Điều này khiến doanh nghiệp chưa tận dụng triệt để được các FTA thế hệ mới mà ta đã ký kết và có cam kết giảm thuế mạnh như EVFTA, CPTPP.

Đối với da giày, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa đang ở mức 55%. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam chia sẻ, ngành da giày đặt mục tiêu thời gian tới nâng dần lên từ 70-80% cho nguyên phụ liệu của toàn ngành. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về đầu tư, sản xuất nguyên phụ liệu, như mặt hàng da thuộc hằng năm phải nhập hàng tỷ USD do mặt hàng này bị các quy định ngặt nghèo liên quan môi trường như ngành dệt may liên quan mặt hàng dệt nhuộm. Đây cũng chính là hạn chế để ngành da giày tăng tỷ lệ nội địa hóa trong thời gian tới.

Doanh nghiệp da giày cần có nguồn lao động chất lượng cao.
Doanh nghiệp da giày cần có nguồn lao động chất lượng cao.

Tìm giải pháp cho xuất khẩu bền vững

Từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn lớn phải đối diện, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu. Thời gian qua, một loạt sự kiện xảy ra khiến nền kinh tế thế giới nói chung gặp nhiều khó khăn. Điển hình có thể kể tới như, cuộc xung đột Nga-Ukraine, chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc… khiến giá cả thế giới, đặc biệt là giá nhiên liệu, xăng dầu, lương thực bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng ảnh hưởng đó. Điều này một lần nữa đặt ra thách thức cho doanh nghiệp trong việc thúc đẩy xuất khẩu theo hướng bền vững.

Chia sẻ về giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững, TS Lê Quốc Phương cho rằng, điều quan trọng là Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, bảo đảm thực thi để xuất khẩu chuyển mạnh từ tăng về lượng sang tăng về chất, tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng.

Muốn vậy, yếu tố đầu tiên là phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ nhằm tận dụng tốt ưu đãi của các FTA. Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, làm sao để doanh nghiệp vươn lên ngang bằng với các doanh nghiệp FDI trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tập trung vào sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

Về phía doanh nghiệp, cần tận dụng tốt các biện pháp hỗ trợ của nhà nước; có chiến lược phát triển phù hợp khi Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; cần đổi mới sáng tạo, hạ giá thành sản phẩm, chuyển đổi số, đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới nguồn nhân lực... Nhìn chung, muốn hướng tới xuất khẩu bền vững, đáp ứng yêu cầu các FTA đề ra, những giải pháp cần thực hiện đồng bộ, song hành cả ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, điều quan trọng là cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Bởi hiện doanh nghiệp ngành da giày mới chỉ sản xuất được các dòng sản phẩm có chất lượng ở mức trung bình của thế giới. Cho nên, nếu muốn có giá trị gia tăng cao, phải tiến tới sản xuất được sản phẩm chất lượng cao hơn nữa và nhờ đó giá trị thu về sẽ tốt hơn. Muốn vậy, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng, tay nghề của đội ngũ lao động phải được nâng lên.

“Đặc biệt, cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa bảo đảm ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững”, bà Xuân nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp dệt may, da giày cũng đề xuất, Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đang được soạn thảo sẽ sớm được phê duyệt, qua đó có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp hai ngành xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp theo hướng bền vững trong giai đoạn tới đây.